• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.234,70 +6,60/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.234,70   +6,60/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,25   +0,96/+0,43%  |   UPCOM-INDEX   91,82   +0,12/+0,13%  |   VN30   1.291,94   +5,87/+0,46%  |   HNX30   471,74   +3,77/+0,81%
25 Tháng Mười Một 2024 6:59:05 CH - Mở cửa
Mở lối dẫn vốn vào thị trường trái phiếu
Nguồn tin: Saigon Times | 30/09/2023 12:50:00 CH
Việc mở rộng thành phần nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời phát triển các định chế tài chính trung gian có nghiệp vụ bảo lãnh trái phiếu sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư trung – dài hạn vào thị trường này, theo các chuyên gia.
 
Quy mô thị trường thu hẹp
 
Sau chu kỳ tăng trưởng cao liên tục trong giai đoạn 2012-2021, đặc biệt tập trung vào thời gian 2018-2021 với tốc độ trung bình hàng năm vào khoảng 45%, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) rơi vào tình trạng khó khăn từ đầu quí 2-2022, sau động thái xử lý vi phạm của một số tổ chức phát hành và sự thay đổi chính sách nhằm chuẩn hóa lại điều kiện phát hành, cùng bối cảnh vĩ mô và điều kiện tín dụng không thuận lợi rơi. Tình trạng trầm lắng của thị trường tiếp tục kéo dài sang năm 2023 với giá trị phát hành trái phiếu trên thị trường sơ cấp đạt 140.000 tỉ đồng, đa phần là trái phiếu riêng lẻ với tỷ trọng hơn 90%, theo thống kê của FiinGroup.
 
Còn dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy không có đợt phát hành nào trong nửa đầu tháng 9. Thậm chí, tính đến ngày công bố thông tin 18-9-2023, chỉ có một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 9 của BacABank với giá trị 500 tỉ đồng.
 
Ngược lại, các doanh nghiệp đã mua lại 2.225 tỉ đồng trái phiếu trong tháng 9. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày công bố thông tin 15-9-2023, các doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn với giá trị 169.840 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn rất nhiều so với giá trị phát hành.
 
 
 
Không chỉ giảm về giá trị phát hành mới, quy mô thị trường cũng thu hẹp đáng kể trong 2 năm trở lại đây với giá trị trái phiếu đang lưu hành hiện ở mức 923.000 tỉ đồng tính tới cuối tháng 8-2023, chiếm khoảng 10% GDP năm 2022. Trước đó, tại thời điểm đỉnh cao vào giữa năm 2022, tổng dư nợ TPDN đã đạt quy mô giá trị lưu hành gần 1,5 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 14% GDP năm 2021 và 12% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng, theo ông Lê Hồng Khang – Giám đốc xếp hạng tín nhiệm FiinRatings.
 
Bối cảnh hiện tại khiến vị chuyên gia này đánh giá tốc độ hồi phục của thị trường TPDN hiện là chậm và khó có sự bứt phá trong 12 tháng tới xét về môi trường lãi suất, cũng như sức cầu vốn của doanh nghiệp và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Tuy vậy, giai đoạn chững lại là cần thiết bởi thị trường đang đi vào giai đoạn phát triển chiều sâu.
 
Đồng quan điểm, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVIAM), cho rằng thị trường khó có sự bứt phá thời gian tới mà sẽ phục hồi từ từ.
 
Vị này cho biết thị trường trái phiếu gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2023 do mặt bằng lãi suất cao, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp. Nhưng từ tháng 7 và 8, có nhiều tổ chức phát hành, doanh nghiệp lên kế hoạch huy động vốn trở lại. Theo đó, PVI AM đã giải ngân vốn để thực hiện hai thương vụ trên thị trường với giá trị hơn 1.000 tỉ đồng và tiến hành một số giao dịch lớn khác.
 
“Điều đó cho thấy thị trường đang hồi phục khi nhu cầu từ phía tổ chức phát hành (bên bán – PV) và nhà đầu tư (bên mua – PV) vẫn còn”, bà Giao đánh giá.
 
Thu hút nhà đầu tư lớn vào kênh trái phiếu
 
Thị trường trái phiếu gặp khó khăn khiến đóng góp của kênh này cho huy động vốn trung và dài hạn giảm sút. Cụ thể, tỷ lệ huy động nguồn vốn trung và dài hạn của kênh TPDN năm 2022 và nửa đầu năm 2023 nhanh chóng giảm sút từ mức 60,6% của năm 2021 về mức lần lượt là 31,7% và 17,1%, cho thấy vai trò của thị trường TPDN đang dần bị giảm sút và hệ thống ngân hàng lại tiếp tục gánh vác hoạt động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
 
Đây là một vấn đề cần phải được hết sức quan tâm, nhất là trong giai đoạn Việt Nam cần nhu cầu vốn rất lớn cho các hoạt động phát triển kinh tế, đặc biệt với cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, năng lượng tái tạo, hệ thống truyền tải điện.
 
Để khai thông kênh huy động vốn này, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, cho rằng cần có các giải pháp theo hướng tập trung vào cải thiện phía cung của thị trường, gồm cải thiện và chuẩn hóa đối tượng phát hành, nền tảng trung gian của thị trường, đồng thời “kích cầu” cho thị trường qua việc phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.
 
Về phần cầu, chuyên gia này khuyến nghị tháo gỡ những rào cản pháp lý nhằm phát triển cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, thay vì để có sở nhà đâu tập trung vào hai đối tượng là ngân hàng thương mại và nhà đầu tư cá nhân. Theo đó, có thể xem xét tháo gỡ hoặc áp dụng điều kiện đầu tư vào TPDN với các nhóm định chế nhà đầu tư như tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, nhà đầu tư do Chính phủ quản lý
 
Với các tổ chức tín dụng, ông Thuân khuyến nghị xem xét mở rộng điều kiện tham gia việc mua bán TPDN theo hướng kiểm soát tỷ lệ an toàn vốn, bên cạnh việc áp dụng tiêu chí đơn lẻ là phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% như hiện nay. Ngoài ra, việc tổ chức tín dụng tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có thể áp dụng hệ số rủi ro được xác định theo chất lượng tín dụng với việc tham chiếu đến kết quả xếp hạng tín nhiệm độc lập thay vì áp dụng hệ số rủi ro như tín dụng thông thường hiện nay. “Các TPDN của tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản nhưng có mức xếp hạng cao (ví dụ A trở lên) có thể áp dụng hệ số rủi ro thấp hơn mức 200% như hiện nay. Đây là thông lệ quốc tế trong việc áp dụng phương pháp chuẩn hóa trong quản trị rủi ro theo Basel 2 hiện nay”, ông Thuân gợi ý
 
Với các quỹ đầu tư, cần rà soát quy định, tạo lợi thế cho các quỹ này phát triển nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp thông qua các đơn vị quản lý quỹ chuyên nghiệp, được cấp phép và quản lý bởi đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp. Hiện quy mô tài sản của 87 quỹ đầu tư do UBCKNN cấp phép đạt mức 73.400 tỉ đồng vào cuối năm 2022, nhưng phân bổ tài sản vào TPDN vẫn còn hạn chế và chưa phát triển do quy định hiện hành hạn chế các quỹ này đầu tư vào TPDN chưa niêm yết.
 
Theo ông Thuân, có thể thực hiện một số giải pháp khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư trái phiếu theo hướng, gồm: Chính phủ có các giải pháp khuyến khích sự phát triển của quỹ đầu tư trái phiếu qua việc xem xét miễn thuế cho quỹ, gồm thuế cổ tức (khi quỹ nhận coupon hay có lợi nhuận từ mua bán trái phiếu và phân phối lại cho nhà đầu tư) và thuế bán chứng chỉ quỹ, thay vào đó là xem xét đánh thuế trên trái tức nhận được và khi bán trái phiếu cao hơn đối với nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào trái phiếu phát hành riêng lẻ; NHNN xem xét cơ chế tái cấp vốn cho các quỹ nếu đạt một số tiêu chí nhất định trong điều kiện thanh khoản khó khăn như giai đoạn quí 4-2022, tương tự hoạt động tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại; NHNN nên tạo nguồn cung tín phiếu kho bạc đủ lớn để các công ty quản lý quỹ có thể thành lập và đầu tư được các quỹ công cụ tiền tệ (money market fund) cũng như bổ sung thêm công cụ thanh khoản ngắn hạn cho các quỹ trái phiếu.
 
Với các nhà đầu tư do Chính phủ quản lý, gồm Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và đơn vị quản lý vốn nhà nước như SCIC, ông Thuân cho rằng sự tham gia của các đơn vị này sẽ góp phần đa dạng hóa kênh đầu tư ngoài trái phiếu Chính phủ, tiền gửi kho bạc và tiền gửi vào ngân hàng thương mại.
 
“Việc tham gia của các định chế nhà nước này cũng sẽ góp phần cải thiện niềm tin của công chúng vào kênh đầu tư TPDN khi có sự tham gia của chính các tổ chức đầu tư của Nhà nước và đây là thông lệ của các thị trường trong khu vực” ông Thuân nói và cho rằng cần có các quy định cụ thể về tỷ lệ phân bổ tài sản vào TPDN và các quy định quản trị rủi ro tương ứng để đảm bảo an toàn và giảm thiểu rủi ro mất vốn.
 
Đồng quan điểm, bà Trịnh Quỳnh Giao cho rằng thị trường vẫn cần thêm những thành phần trung gian như các đại lý môi giới (dealer), nhà tạo lập thị trường (market maker), hay các tổ chức tài chính lớn để tạo thanh khoản sôi động cho thị trường, góp phần củng cố niềm tin, thúc đẩy giao dịch thứ cấp và sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh hiện thị trường vẫn chủ yếu là các tổ chức lớn tham gia đầu tư thụ động, tức mua để nắm giữ (buy to hold) do sự hạn chế về thanh khoản, thông tin tư vấn.
 
Với hoạt động tư vấn, bà Giao cho biết HDI Global, một cổ đông nước ngoài lớn của PVI – đơn vị sở hữu một quỹ đầu tư có tổng tài sản lên tới hơn 170 tỉ đô la Mỹ và có danh mục tập trung nhiều vào đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, bà Giao cho biết quyết định rót vốn của quỹ này đa phần dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức uy tín và 100% các đối tượng nhận đầu tư là các doanh nghiệp đã công bố được kết quả xếp hạng tín nhiệm.
 
Với PVI AM, dù danh mục có hơn 60% là tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, nhưng bản thân doanh nghiệp cũng có đội ngũ xếp hạng tín nhiệm riêng nhằm đánh giá các tổ chức tín dụng, đồng thời có tham khảo các tổ chức khác để làm cơ sở quyết định tới tỷ lệ phân bổ tiền gửi của quỹ này.
 
Về trung và dài hạn, ông Thuân cho rằng nên xem xét các giải pháp nhằm phát triển quỹ hưu trí tự nguyện nhằm khuyến khích nhóm nhà đầu tư này tăng quy mô tài sản và phân bổ đầu tư vào TPDN với một tỷ lệ nhất định nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn của quỹ.
 
Bên cạnh các giải pháp trên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện thiếu các định chế tài chính trung gian có nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng hoặc bảo lãnh trái phiếu, tức là bên đứng ra bảo lãnh sẽ thực hiện cam kết thanh toán một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành trong trường hợp rủi ro xảy ra tức là tổ chức phát hành không thể thực hiện nghĩa vụ nợ đã cam kết.
 
Theo đó, Việt Nam nên cân nhắc hình thành khung pháp lý thành lập một số tổ chức cung cấp dịch vụ bảo lãnh tín dụng trong đó có bảo lãnh trái phiếu được thực hiện ngoài các tổ chức tín dụng. Tổ chức bảo lãnh này có thể do tư nhân thành lập và hoạt động bởi các định chế tài chính – đầu tư lớn của Việt Nam và các tổ chức quốc tế.
 
Thực tế, có hai tổ chức quốc tế đã tham gia thị trường bảo lãnh tín dụng tại Việt Nam là CGIF được thành lập bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và GuarantCo được thành lập bởi Tập đoàn Đầu tư hạ tầng tư nhân (PIDG). Hai tổ chức này đã bảo lãnh được tám giao dịch trái phiếu phát hành nội địa tại Việt Nam, trong đó có lô trái phiếu xanh đầu tiên của Việt Nam do EVN Finance phát hành vào giữa năm 2022.