• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
25 Tháng Mười Một 2024 5:25:25 SA - Mở cửa
Diện mạo đô thị Hải Phòng ngày càng đổi mới, hiện đại
Nguồn tin: Báo Xây dựng | 06/09/2023 6:20:00 SA
Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), đến nay, thành phố Hải Phòng đã đạt được những kết quả bước đầu trên tất cả các lĩnh vực. Hạ tầng giao thông, không gian đô thị liên tục được đầu tư mở rộng, tạo cho Hải Phòng có vị thế trung tâm trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại, đây cũng là 03 trụ cột chính định hướng phát triển kinh tế, đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nửa nhiệm kỳ đầu, thực hiện các Nghị quyết của Đảng.
 
 
Hòa trong không khí phấn khởi cùng cả nước hướng tới Kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9), những ngày này, đi trên những con đường mới rộng rãi, thoáng đãng, hiện đại, hai bên là những công trình xây dựng cao tầng, các khu, cụm công nghiệp nối dài tít tắp… người dân Hải Phòng ai cũng tự hào về thành phố Cảng ngày càng rộng dài, rực sáng, đúng như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
 
Phát triển nhà ở, cải tạo chung cư cũ
 
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hải Phòng, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức cao so với cả nước. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có môi trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
 
Để đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm của thành phố trong đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị. Đô thị trung tâm Hải Phòng được chỉnh trang, nâng cấp, không gian đô thị được mở rộng, hướng tới xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị mang đặc trưng riêng của thành phố Cảng biển; quan tâm đầu tư, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bộ mặt nông thôn được thay đổi căn bản, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hoá.
 
Về xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị, thành phố Hải Phòng tăng cường chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 323/QĐ-TTg, ngày 30/3/2023. Đồng thời, chỉ đạo triển khai hoàn thành các Dự án chỉnh trang đô thị; động thổ, khởi công nhiều dự án phát triển đô thị. Điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hải Phòng đến năm 2020, năm 2025 và năm 2030; triển khai Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
 
Đến nay, Hải Phòng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng toàn bộ Dự án Khu nhà ở xã hội tại xã An Đồng, huyện An Dương; khởi công 06 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp với tổng mức đầu tư 12.326 tỷ đồng, đồng thời đang thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu một số dự án nhà ở xã hội khác nhằm từng bước hiện thực hóa Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ. Thành phố đang triển khai, nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng Nghị quyết của Thành uỷ về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố.
 
Thành lập thành phố trực thuộc
 
Triển khai xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, Đề án thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương; cho chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính giữa huyện Thuỷ Nguyên và quận Hải An, giữa huyện An Dương và quận Hồng Bàng. Tích cực xây dựng Chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng, định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phù hợp với quá trình đô thị hóa được Hải Phòng xây dựng thành chủ đề để thực hiện trong nhiều năm.
 
Đến nay, 7/8 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn (riêng huyện Bạch Long Vĩ sẽ triển khai xây dựng huyện nông thôn mới trong thời gian tới). Với việc triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, hiện đã có 45 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 22 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó tập trung đầu tư vào các công trình giao thông, trường học, văn hóa, y tế, môi trường. Đời sống của người dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
 
Hoàn thành, công bố mở và đưa vào sử dụng 03 cảng cá tại Trân Châu, Ngọc Hải và Tây Nam Bạch Long Vĩ. Đến nay, thành phố có 5 cảng cá và 11 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đáp ứng yêu cầu neo đậu tránh trú bão cho hơn 4.000 tàu thuyền, công suất lớn nhất trên 1.000 CV; tổng lượng hàng hóa thông qua khoảng 100.000 tấn/năm.
 
 
 
 
Thành phố đã xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang bản sắc đặc trưng riêng của thành phố Cảng biển. Đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm: Hoàn thành Dự án cải tạo hè 09 tuyến đường trung tâm thành phố; triển khai Chương trình xây dựng các công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025... Tập trung cao cho công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Đẩy nhanh tốc độ phát triển, đầu tư, mở rộng không gian đô thị về 3 hướng đột phá.
 
Hướng Đông Nam, dự án đường tỉnh 356 trên đảo Cát Bà, tuyến đường từ bến phà Gia Luận về đến hang Quân y (thôn Hải Sơn), đoạn đường nối khu I - Tùng Dinh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; Khu bãi tắm nhân tạo và đô thị du lịch tại Cát Đồn đang được triển khai.
 
Hướng Bắc, thành phố Hải Phòng tập trung thi công, xây dựng Dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố; Hải Phòng đang riết róng xây dựng Đề án chuyển đổi để huyện Thuỷ Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng trước năm 2025.
 
 
 
 
Hướng Tây Nam, thành phố cơ bản hoàn thành Dự án xây dựng khách sạn 5 sao - khu vui chơi giải trí và Dự án xây dựng sân golf 36 lỗ thuộc Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng. Đường cao tốc ven biển Hải Phòng - Thái Bình…
 
Cùng với đó, thành phố Hải Phòng tập trung đầu tư, hàng loạt công trình trên địa bàn huyện Thủy Nguyên như: cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ cầu Kiền đến cầu Đá Bạc, cơ bản hoàn thành tỉnh lộ 39 từ Núi Đèo đi Bến Rừng, đang khẩn trương xây dựng cầu Bến Rừng nối thị trấn Minh Đức với thị xã Quảng Yên và cầu Lại Xuân nối huyện Thủy Nguyên với huyện Đông Triều, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh)…
 
Hoàn thành nhiều dự án hạ tầng quan trọng
 
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội chung, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố Hải Phòng tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, triển khai quyết liệt các thủ tục đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng, sẵn sàng các điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường để Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của đất nước.
 
Các khu, cụm công nghiệp được xây dựng đồng bộ về hạ tầng, góp phần phát triển công nghiệp theo hướng tập trung, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Theo thống kê, thành phố có 14 khu công nghiệp (tổng diện tích 6.105,17 ha) và 13 cụm công nghiệp (tổng diện tích 519,61 ha) đang hoạt động, thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn.
 
Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, giai đoạn 2021 – 2023 thành phố Hải Phòng tiếp tục có những bước phát triển đột phá, theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện tốt vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.
 
Thành phố Hải Phòng đã hoàn thành nhiều dự án quan trọng kết nối giao thông nội đô, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông đối nội của thành phố; đồng thời, tiếp tục cải tạo, sửa chữa các tuyến đường đô thị và các tuyến đường tỉnh đi qua địa bàn thành phố. Các công trình giao thông đối ngoại kết nối với các địa phương được quan tâm đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác; từng bước đưa Hải Phòng trở thành địa phương có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế. Trong đó, đã xây dựng cầu Bạch Đằng, đang tập trung thi công cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng, cơ bản hoàn thành đường cao tốc ven biển...
 
 
Khẩn trương thi công, xây dựng Dự án cầu Bến Rừng kết nối Hải Phòng với Quảng Ninh.
 
Đối với hệ thống cảng biển, với việc đầu tư “đúng và trúng”, đến nay cảng Lạch Huyện đã phát huy tối đa năng lực với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, thành phần kinh tế, phục vụ các hãng tàu và khách hàng... Ngoài ra, thành phố đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 khu Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng theo chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tiếp tục kêu gọi đầu tư các bến còn lại.
 
 
Cảng nước sâu Lạch Huyện đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển kinh tế của thành phố Hải Phòng.
 
Về đường hàng không, sân bay quốc Cát Bi giai đoạn 1 hoàn thành đã kết nối nhiều chuyến bay đáp ứng sự hồi phục của du lịch, trong thời gian tới thành phố tiếp tục triển khai các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương và triển khai đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2, mở rộng sân đỗ máy bay - giai đoạn 2 và Nhà ga hàng hóa tại Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi.
 
Hải Phòng với lợi thế có mạng lưới đường thủy nội địa dài gần 2.700km, chiếm khoảng 40% tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước, hoạt động vận tải đường sông trong khu vực luôn nhộn nhịp không kém hoạt động đường bộ. Với việc Hải Phòng giảm 50% phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa, đã tạo cú hích lớn cho doanh nghiệp vận tải thủy, giúp giảm chi phí, từ đó giảm được giá thành vận chuyển, tăng tính cạnh tranh cho vận tải thủy, phục vụ phát triển giao thông trong khu vực. Ngoài ra, tuyến đường sắt duy trì ở mức ổn định, tổ chức tốt các chuyến tàu từ Hà Nội đi Hải Phòng và ngược lại, nhất là xu hướng người dân từ Hà Nội về Hải Phòng trải nghiệm các sản phẩm du lịch.
 
Bên cạnh đó, việc phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa… đang dần trở thành hiện thực sinh động.
 
Theo số liệu thống kê, hạ tầng du lịch có sự tăng trưởng đáng kể trên cả quy mô và chất lượng. Số cơ sở lưu trú tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao là 16 cơ sở (với 2.985 phòng), gấp 1,14 lần so với năm 2020; trong đó, số khách sạn tiêu chuẩn 5 sao là 07 khách sạn (với 1.634 phòng), gấp 1,4 lần so với năm 2020. Hiện tại, các cơ sở lưu trú tiêu chuẩn 5 sao vẫn đang tiếp tục gia tăng với 06 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (1.185 phòng); 03 dự án với quy mô 685 phòng đang triển khai thực hiện. Hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút lượng lớn khách du lịch, như: Du lịch ẩm thực - Food tour Hải Phòng kết hợp khai thác tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng; sản phẩm Hải Phòng City tour; du lịch tham quan trải nghiệm văn hóa lịch sử gắn với bảo vệ môi trường và hướng nghiệp cho học sinh trên địa bàn thành phố. Triển khai xây dựng Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030...
 
Kết quả của sự đồng thuận giữa ý Đảng - lòng dân và đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng
 
Những thành tựu mà thành phố Hải Phòng đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua, trong đó phát triển mạnh mẽ về hạ tầng đô thị, giao thông... là kết quả của sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân, đồng thời khẳng định, phương thức lãnh đạo của Thành ủy Hải Phòng và các cấp ủy được đổi mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh. Các nhiệm vụ trọng tâm được chỉ đạo theo hướng rõ mục tiêu, rõ lộ trình, rõ nguồn lực gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và theo dõi, đôn đốc thực hiện thường xuyên. Đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu.
 
 
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm tra thực tế công tác thi công xây dựng tại Dự án cầu Bến Rừng.
 
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 254-KH/TU, ngày 31/5/2023 để thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới để thực hiện đồng bộ, đặc biệt nhấn mạnh việc cải cách hành chính và đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc. Thành ủy cũng chỉ đạo cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đồng thời rà soát, hoàn thiện ban hành các quy định, quy chế, quy trình. Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình.
 
Từ lãnh đạo Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố đến Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố đã đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong các cơ quan chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; nâng cao chất lượng trong chuẩn bị các đề án trình theo đúng Quy chế làm việc của Thành uỷ để triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố.
 
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Lựa chọn nội dung kỳ họp sát thực tế, có chất lượng, tính khả thi cao, ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại thành phố, đặc biệt là trong công tác xây dựng hạ tầng giao thông đô thị. Chất lượng chất vấn tại kỳ họp được nâng lên, bảo đảm thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục được quan tâm, đáp ứng mong mỏi của người dân về môi trường sống, đi lại thuận tiện.
 
Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố kịp thời thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố; chủ động dự báo và nắm bắt tình hình để thích ứng điều hành quyết liệt, linh hoạt, phù hợp; thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với các ngành, địa phương và các kiến nghị của cử tri. Tiếp tục thực hiện sắp xếp các cơ quan chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố.