Triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 được đánh giá khả quan hơn năm 2023, định giá thị trường đang tương đối hấp dẫn, mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp… là những yếu tố chính để giới phân tích nhận định thị trường chứng khoán diễn biến tích cực hơn kỳ vọng trước đó.
Trong báo cáo gần nhất, nhiều công ty chứng khoán đã nâng mức dự báo của VN-Index lên quanh mức 1.430 điểm từ mức dao động quanh 1.300 điểm.
Những kịch bản mới
Các công ty chứng khoán đưa ra nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 được đánh giá khả quan hơn năm 2023.
Nhiều công ty chứng khoán đã nâng mức dự báo của VN-Index lên quanh mức 1.430 điểm.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, các động lực tăng trưởng hồi phục. Các chính sách tiền tệ và tài khoá hỗ trợ được duy trì tạo đà tăng trưởng nối tiếp chuyển biến vào cuối năm 2023. Việt Nam nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, Nhật Bản, bên cạnh sự củng cố mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc sau các chuyến thăm cấp Nhà nước sẽ tạo động lực quan trọng để nền kinh tế tăng tốc, thu hút thêm dòng vốn đầu tư.
Đồng thời, Chính phủ quyết liệt thực thi các giải pháp tháo gỡ các nút thắt trên thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản và gỡ bỏ các rào cản kinh doanh, khơi thông dòng vốn, mang lại sự ổn định cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và TTCK nói chung.
Bên cạnh đó, các yếu tố thuận lợi đến TTCK do xu hướng giảm lãi suất toàn cầu sẽ giúp cho các nền kinh tế chủ chốt hạ cánh mềm, qua đó tác động tích cực lên các ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, lãi suất toàn cầu hạ cũng giảm áp lực đến tỷ giá và đảo chiều hoạt động rút ròng của khối ngoại trên TTCK.
Thêm vào đó, mặt bằng định giá của TTCK Việt Nam đang ở vùng thấp cùng với mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 dự báo 15-20%. Cùng với đó là những thay đổi về hệ thống giao dịch mới và các quy định hướng tới nâng hạng thị trường sẽ tạo động lực mới cho thị trường.
Chứng khoán BSC đưa ra 3 kịch bản dự báo thị trường năm 2024. Kịch bản 1 dự báo VN-Index dưới 1.200 điểm với giả định EPS tăng trưởng 13% và P/E ở mức 13,4 lần; Kịch bản 2 trên 1.425 điểm với giả định EPS tăng trưởng 20% và P/E ở mức 15 lần; Kịch bản cơ sở 1.298 điểm với giả định EPS và P/E tăng trưởng lần lượt 17% và 14,3 lần.
Thanh khoản bình quân 3 sàn ở kịch bản 1, 2 có giá trị giao dịch tăng lần lượt 5% và 20% đến từ kỳ vọng môi trường lãi suất thấp tiếp tục duy trì, nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục là động lực chính trên thị trường, hệ thống giao dịch KRX chính thức đi vào hoạt động – đặc biệt là kỳ vọng vào giao dịch T+0, bên cạnh các tín hiệu lạc quan trong việc nâng hạng thị trường từ Tổ chức xếp hạng FTSE Russell sẽ giúp cải thiện đáng kể thanh khoản.
Số lượng tài khoản mở mới tiếp tục gia tăng ở các kịch bản khi chứng khoán dần trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn và phổ cập hơn đối với nhiều tầng lớp nhà đầu tư – đặc biệt là thế hệ trẻ có khả năng tiếp cận công nghệ.
Tương tự, Chứng khoán VNDirect đưa ra 2 kịch bản tiêu cực và tích cực.
Với kịch bản tiêu cực, VN-Index đóng cửa năm 2024 quanh mức 1.280 điểm (+13%), P/E dự phóng năm 2024 ở mức 13,9x với dự báo tăng trưởng EPS đạt 14%. Kịch bản này dựa trên việc Fed không giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024 và số lần cắt giảm ít hơn 3 lần. Đồng thời, chỉ số USD (DXY) duy trì trên ngưỡng 102; xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn kỳ vọng và tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu 15%.
Với kịch bản tích cực, VN-Index đóng cửa năm 2024 ở mức 1.430 điểm, tăng mạnh 27%, P/E dự phóng đạt 15,0x với dự báo tăng trưởng EPS đạt 18%. Kịch bản này dựa trên việc Fed cắt giảm lần đầu tiên vào tháng 3 và có thể có nhiều hơn 3 lần cắt giảm trong năm 2024. Đồng thời, chỉ số DXY giảm thấp hơn 100; xuất khẩu của Việt Nam vượt kỳ vọng khi tăng trên 6-8%; tăng trưởng tín dụng đạt hoặc vượt mục tiêu 15%.
Các nhóm ngành nổi bật
Nhìn chung, năm 2024, giới phân tích đánh giá TTCK sẽ tích cực hơn và là năm bản lề cho sự phục hồi của nền kinh tế nhưng vẫn còn nhiều rủi ro khó lường. Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên tập trung vào câu chuyện riêng của các nhóm cổ phiếu để tối ưu hóa lợi nhuận.
Theo đó, Xây dựng hạ tầng, Ngân hàng, Chứng khoán là những nhóm ngành được kỳ vọng hưởng lợi nhiều từ chính sách hỗ trợ, kinh tế vĩ mô tích cực trong năm 2024.
Cụ thể, Xây dựng hạ tầng là ngành hưởng lợi trực tiếp từ quá trình thúc đẩy đầu tư: các dự án đầu tư công đều là những dự án có quy mô lớn, đòi hỏi cao về kỹ thuật cũng như tiến độ. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp và liên doanh có khả năng đáp ứng được các yêu cầu trên còn hạn chế.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp – liên doanh liên tục trúng các gói thầu dự án quan trọng, tạo đột biến về kỳ vọng doanh thu cũng như lợi nhuận.
Thị trường cũng chứng kiến sự tập trung dòng tiền rõ kể từ khi 12 dự án cao tốc Bắc - Nam tìm được nhà thầu. Các cổ phiếu đang được chú ý tại nhóm ngành này là HHV (Đèo Cả), VCG (Vinaconex), C4G (Cienco4).
Trong khi đó, sự tích cực của nhóm Chứng khoán đến từ kỳ vọng thẩm thấu chính sách hỗ trợ vào nền kinh tế, lãi suất ở vùng thấp trong lịch sử, áp lực tỷ giá gần như không còn và tăng trưởng chỉ số EPS từ mức nền thấp ở một loạt nhóm ngành.
Ngoài ra, nhóm này còn được hưởng lợi nhiều hơn từ kỳ vọng triển khai hệ thống KRX và nâng hạng thị trường.
Còn với nhóm Ngân hàng, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại trong năm 2024 được kỳ vọng sẽ khả quan hơn khi nhu cầu vay vốn hồi phục khi mức lãi suất hấp dẫn trở lại, đặc biệt là phân khúc bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi thị trường bất động sản có dấu hiệu sôi động trở lại vào nửa cuối năm 2024 với sự hỗ trợ từ Nhà nước trong việc tích cực tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý.
Hải Giang