Trong bối cảnh Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua, nhiều ý kiến cho rằng, áp mức thuế cao hơn với người có nhiều nhà, đất nhằm ngăn chặn đầu cơ, cần sớm được thực hiện…
Báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến về Dự án Luật Đất đai sáng 15/01 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh cho biết, cần sớm áp mức thuế cao hơn với người có nhiều nhà, đất nhằm điều tiết chênh lệch địa tô có được do quy hoạch của Nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất - Ảnh minh họa
Theo báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất; như yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW; để điều tiết chênh lệch địa tô có được do quy hoạch của Nhà nước.
Quy định này nhằm tránh tình trạng tổ chức, cá nhân thu gom đất, cản trở khả năng tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư khác có cùng năng lực hoặc năng lực tốt hơn để thực hiện các dự án đầu tư do lợi thế thuộc về người đang có quyền sử dụng đất.
Thực tế, đề xuất đánh thuế căn hộ thứ hai trở đi không phải là vấn đề mới, cuối năm 2009, Dự án Luật Thuế nhà, đất gồm 15 Điều đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến và dự kiến sẽ có thể thông qua tại kỳ họp tháng 5/2010, thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, sắc thuế này sau 15 năm vẫn chỉ là ý tưởng.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, mặc dù còn đó không ít băn khoăn, tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc áp mức thuế cao hơn với người có nhiều nhà, đất là cần thiết, bởi phù hợp với thông lệ quốc tế và đúng với diễn biến của thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là giải pháp cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế - Ảnh minh họa
Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2003, Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2012 và Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 của trung ương về đất đai đều nhấn mạnh việc cần có các giải pháp về nhiệm vụ ban hành sắc thuế bất động sản Việt Nam với nội dung cụ thể, chủ yếu.
Cụ thể, tại Nghị quyết 18-NQ/TW của trung ương nêu rõ nhiệm vụ là đánh thuế cao vào người có nhiều đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng, bỏ đất hoang; ưu đãi thuế đối với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và người dân tại các địa phương thực hiện nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ rừng tự nhiên...
Tuy nhiên, đến nay sau 20 năm, vấn đề liên quan thuế bất động sản dù có được cải thiện so với thời kỳ bao cấp nhưng chưa tạo được các tác động thực sự vào thị trường bất động sản hay lành mạnh hóa thị trường. Vì vậy, đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như đã nêu là hoàn toàn đúng, cần thực hiện sớm.
Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, vấn đề còn lại là đánh thuế trong hoàn cảnh của Việt Nam như thế nào để tạo ra hiệu quả bởi ở Việt Nam hiện nay có một nhóm được gọi là siêu giàu từ bất động sản nhưng cũng có một nhóm không có tiền để mua một bất động sản làm nhà ở cho mình.
Do đó, về nguyên tắc việc đánh thuế tài sản với những người sở hữu nhiều nhà đất không phải là tăng thuế tài sản mà là cải cách. Tức là thuế này sẽ không đánh vào người nghèo, mà đánh vào những đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà đất.
“Cần đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao, cũng như tăng thuế đất lên một mức độ nhất định. Những việc này sẽ góp phần “đặc trị” hiện tượng sốt đất, giúp giá nhà đất bình ổn lại. Hiện tại chưa áp dụng việc đánh thuế cao với người sở hữu nhiều nhà đất ngay được, nên thị trường chưa lập tức bị tác động.
Bởi, hình thức thu thuế hiện nay vẫn dựa trên các cán bộ địa phương, còn chưa hoàn thiện, minh bạch dữ liệu về tài sản là bất động sản, dẫn đến khó xác định chính xác đối tượng chịu thuế. Bên cạnh đó, vấn đề cốt lõi là loại bỏ tư duy bảo vệ quyền riêng tư tài sản, thay bằng tư duy minh bạch tài sản, buộc phải giải trình nguồn gốc tài sản, đây là cách duy nhất dẹp bỏ tham nhũng.
Để thực hiện được quy định về đánh thuế tài sản, nhất là thuế bất động sản, cần kết hợp với việc hoàn thiện Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Dân sự...”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có những đại tỷ phú ôm nhà đất rất lớn nhưng có số thuế nộp rất thấp so với khối tài sản sinh lời. Họ hưởng mọi hạ tầng đầu tư phát triển do toàn dân nộp thuế, ngày càng giàu lên nhưng không bị phân phối lại bao nhiêu mà nguyên nhân chính là do hiện nay họ không bị thuế tài sản.
Việc đầu cơ đất đai, nhà đất để không như hiện nay quá lãng phí, không sử dụng hết nguồn lực to lớn này. Do vậy, việc ban hành Luật Thuế tài sản, trong đó có bất động sản, là cần thiết và phải thực hiện.
“Về lâu dài, loại thuế này sẽ khuyến khích sử dụng có hiệu quả đất đai và đưa bất động sản về đúng giá trị thực của nó. Thuế này đảm bảo quốc gia có nguồn lực tiếp tục phát triển, trở nên giàu có hơn, trong đó nhóm người nộp thuế tài sản nhiều hơn lại có sự gia tăng tài sản nhiều hơn. Đây cũng là nguồn thuế ổn định và lớn để ngân sách chi cho phát triển hạ tầng và an sinh xã hội”, TS Đinh Thế Hiển chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cũng cho hay, về bản chất, đây là một sắc thuế tài sản, là sắc thuế thu trên người có tài sản, càng nhiều tài sản thì tiền thuế càng nhiều. Với người chỉ có một nhà đất để ở, không thuộc diện chịu thuế. Về lý thuyết, thuế vừa là công cụ tạo công bằng xã hội, vừa là công cụ “kiềm” giá đất tăng bất thường, giảm đầu cơ, ngăn chặn sự thao túng thị trường, đưa bất động sản về giá trị thực.
Gia Nguyễn