• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 8:01:08 CH - Mở cửa
Doanh nghiệp ngành Xây dựng: Gian nan thử sức
Nguồn tin: Báo Xây dựng | 03/01/2024 6:00:00 CH
Trong năm 2023, DN ngành Xây dựng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và dự báo năm 2024 sẽ càng khó khăn hơn. Bởi vậy, các DN mong muốn Chính phủ và Bộ Xây dựng sẽ có hỗ trợ cụ thể, thiết thực.
 
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM): Tăng cường đầu tư công, giảm thuế clinker
 
 
 
Trong năm 2023, ngành Xi măng nói chung và Tổng công ty Xi măng Việt Nam nói riêng đã gặp phải khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Nhu cầu sử dụng xi măng bị suy giảm, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng lò.
 
Mặc dù đã được Bộ Xây dựng chia sẻ, giao mục tiêu của năm 2023 thấp hơn so với năm 2022, nhưng trong hoàn cảnh thị trường biến động, dự báo của VICEM vẫn “lạc quan” hơn so với thực tế.
 
Trong năm qua, sản xuất clinker của VICEM là 16,52 triệu tấn, đạt 90,9% kế hoạch năm 2023 và 80,1% so với cùng kỳ. Khả năng sản xuất của VICEM là 22 triệu tấn, nhưng do biến động của thị trường nên một số dây chuyền phải sản xuất cầm chừng, hoặc dừng lò. Tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker là 22,39 triệu tấn, đạt 89,4% kế hoạch năm 2023 và 81,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xi măng là 20,34 triệu tấn và clinker là 2,05 triệu tấn. Tổng doanh thu 30.352 tỷ đồng, chỉ đạt 86,6% so với kế hoạch năm 2023 và 77,2% so với năm 2022.
 
Ông Nguyễn Quốc Việt - Phụ trách Hội đồng thành viên Tổng công ty VICEM cho biết: Mặc dù Tổng công ty đã giảm triệt để chi phí quản lý, chi phí vận hành, chi phí sửa chữa…, sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế cho thạch cao tự nhiên, qua đó giảm hơn 100 tỷ đồng chi phí. Tuy nhiên, các chi phí khác như điện lại tăng. Các đơn vị cũng phải gia tăng cơ chế chính sách để giữ thị phần. Chưa kể ngành Xi măng có đặc thù đầu tư ban đầu rất cao. Khi sản lượng suy giảm thì chi phí cố định tăng lên rất nhiều. Bởi vậy, VICEM đã không hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận đề ra trong năm 2023.
 
Trong năm 2024, dự báo tình hình vẫn còn khó khăn, nhưng VICEM sẽ quyết tâm tìm kiếm giải pháp khắc phục khó khăn nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7,7%, tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 24,73 triệu tấn.
 
Ý thức được nhiệm vụ khó khăn trong năm 2024 và hướng đến mục tiêu nâng cao thị phần, sản lượng, đồng thời tiết kiệm chi phí, VICEM đã đề ra một số giải pháp trọng tâm, đồng bộ. Trong đó, VICEM xác định phải tiếp tục đẩy mạnh áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, kinh tế tuần hoàn, nâng cao tỷ lệ sử dụng thạch cao nhân tạo, phế phẩm để vừa giảm chi phí, vừa tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường.
 
Ngoài ra, VICEM cũng sẽ đẩy mạnh tiết kiệm chi phí trong tất cả các khâu sản xuất và lưu thông. Đối với công tác đầu tư, Tổng công ty sẽ tập trung xử lý các vướng mắc trong công tác thẩm định các mỏ nguyên liệu.
 
Với khó khăn, thách thức của năm 2024, ngoài quyết tâm của Ban lãnh đạo và nỗ lực của tập thể người lao động, VICEM mong muốn nhận được sự giúp đỡ của các Bộ, ngành, trước hết là Bộ Xây dựng. VICEM đề xuất với Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành đẩy mạnh, tăng cường đầu tư công và các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng cần nghiên cứu ban hành những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển ngành Xi măng.
 
Trong đó, VICEM đề xuất: Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế clinker; Bộ Xây dựng có ý kiến với các Bộ, ngành và địa phương về cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích tăng cường sử dụng phế phẩm xây dựng trong sản xuất xi măng.
 
Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA): Chính phủ cần gỡ khó cho phát triển điện khí LNG
 
 
 
Năm 2023, LILAMA hoàn thành kế hoạch, đạt 101%. Các dự án LILAMA thực hiện trong các năm qua đã đi vào hoạt động, đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư. Đó là các nhà máy lọc hóa dầu Long Sơn, nhiệt điện Nghi Sơn 2, nhiệt điện sông Hồng 1.
 
Hiện tại, LILAMA đang thi công Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, đảm bảo tiến độ đề ra. Dự kiến đến cuối năm 2024, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 sẽ phát điện với công suất 800 MWh và sang năm 2025 sẽ phát điện nhà máy Nhơn Trạch 4 có công suất 500 MWh.
 
Ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty LILAMA nhận định: Thị trường cơ khí và lắp máy vẫn còn rất lớn, nhất là các nhà máy tua-bin khí với chu trình hỗn hợp, sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
 
Quy hoạch điện VIII cũng xác định đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện của nước ta. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn chưa có quy chế, quy định nào để hỗ trợ phát triển các nhà máy sử dụng khí LNG. Ngay tại dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 đã hoàn thành 70% công việc, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thể ký được hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
 
Hiện nay, rất nhiều chủ đầu tư đang chờ đợi cơ chế giá điện từ Chính phủ để quyết định có nên ký hợp đồng hay không, nhất là các chủ đầu tư nước ngoài. Đây là một khó khăn rất lớn cho các công ty lắp máy tham gia các dự án điện khí lớn, trong đó có LILAMA.
 
Ngoài các dự án nhà máy điện, Tổng công ty LILAMA còn tham gia thi công nhà máy phân bón A/U Brunei. Đây là lần đầu tiên một nhà thầu lắp máy của Việt Nam nhận một gói thầu xây lắp toàn bộ thiết bị cơ khí cho một dự án ở nước ngoài. Cũng nhờ thành công của dự án này, LILAMA đã ký được hợp đồng với Tổng thầu Thyssenkrupp Nucera để sản xuất 110 module thiết bị điện phân cho nhà máy hydrogen xanh tại Ả-Rập Xê-út. Đây là một hướng đi mới mà cả thế giới đang nghiên cứu. Dự kiến từ nay đến năm 2025, mỗi tháng LILAMA sẽ xuất khẩu 4 module cho đối tác. Trong tháng 12/2023, Tổng công ty đã xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên cho dự án hydro xanh NEOM tại Ả-Rập Xê-út.
 
Liên quan đến việc chế tạo module cho dự án hydro xanh, Tổng Giám đốc Lê Văn Tuấn đã mạo muội đề xuất lãnh đạo Bộ Xây dựng kiến nghị với Chính phủ giao cho xưởng đóng tàu Phà Rừng cho Tổng công ty LILAMA. Hiện nay, xưởng đóng tàu này đang thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, nhưng không được sử dụng vì đơn vị không ký được hợp đồng đóng tàu. Bởi vậy, LILAMA rất mong muốn Chính phủ có thể giao xưởng đóng tàu Phà Rừng cho Tổng công ty sử dụng vì đây là vốn Nhà nước và LILAMA đã thuê xưởng này sử dụng cho nhiều dự án lớn trong những năm qua. Nếu làm như vậy thì sẽ tăng vốn Nhà nước của LILAMA và cũng đảm bảo sử dụng hiệu quả nhà xưởng Phà Rừng.
 
Công ty Cổ phần VINHOMES: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, “phá băng” thị trường BĐS
 
 
 
Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Công ty VINHOMES đánh giá: Năm 2023 là một năm có nhiều thách thức với kinh tế nói chung và lĩnh vực BĐS nói riêng. Chỉ tính trong 10 tháng đầu năm đã có đến 1.067 DN BĐS giải thể, tăng gần 10% so với năm 2022. Những khó khăn với các DN BĐS đến từ nhiều hướng như Đơn giá xây dựng do biến động về giá nguyên vật liệu; Thủ tục pháp lý cấp phép xây dựng còn nhiều vướng mắc; Nguồn vốn tín dụng để các DN tiếp tục tồn tại và phát triển chưa được khơi thông…
 
Trong hoàn cảnh này, DN BĐS rất trông đợi sự vào cuộc quyết liệt và mạnh mẽ từ Chính phủ và các cơ quan liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn.
 
Ông Phạm Thiếu Hoa đã kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục có chỉ đạo sát sao để đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trả lời các văn bản và thẩm định hồ sơ nhanh nhất có thể, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN triển khai dự án.
 
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và Bộ, ban, ngành liên quan trong thời gian tới, thị trường BĐS sẽ sớm vượt qua các rào cản, để thực sự trở thành một trong những mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam.