Nguồn vốn không lớn, kiến thức về tài chính còn hạn hẹp là những thách thức không nhỏ cho những người trẻ tìm cách hiện thực hóa giấc mơ giàu sang của mình.
Thờ ơ với thông tin kinh doanh, tài chính,... là điều không khó gặp ở các bạn trẻ ngày nay, đặc biệt là với thế hệ đầu Gen Z - Những người đang cố gắng để tìm ra vị trí và tiếng nói của mình trong xã hội. Điều đó khiến cho nhiều bạn trẻ gặp nhiều khó khăn khi có ý định đầu tư làm giàu.
Cần lấp “lỗ hổng” kiến thức
Đỗ Ngọc Nam (Hà Nội) là một ví dụ điển hình về việc người trẻ thiếu kiến thức về đầu tư và tài chính đang phải loay hoay tìm cách phát triển bản thân trong xã hội hiện nay. Chia sẻ với VnBusiness, chàng trai 26 tuổi cho biết mình đã làm công việc lập trình viên được 4 năm và đang muốn vượt ra khỏi vòng an toàn.
“Mỗi ngày đi làm về, tôi tìm đến mạng xã hội để giải trí và rất ngưỡng mộ nhiều người trẻ làm giàu thành công chia sẻ về hành trình của các bạn ấy. Bản thân tôi nhìn thấy vậy thì cũng rất sốt ruột và cũng muốn tìm cách phát triển bản thân. Tôi rất sợ bị tụt lùi so với thế hệ của mình” - Ngọc Nam chia sẻ.
Được biết, sau 4 năm làm việc chăm chỉ và không tiêu xài hoang phí, Nam cũng tích góp được khoảng 100 triệu đồng trong ngân hàng. Thời gian gần đây, chàng trai Gen Z này đang muốn dùng số tiền trên để đầu tư nhưng vì thiếu kiến thức tài chính, kinh doanh nên không biết phải xoay trở ra sao.
Nam cũng bộc bạch rằng trước đây bạn không hề nghĩ gì nhiều tới số tiền đang ở trong ngân hàng của mình. Tuy nhiên sau khi chứng kiến sự thành công của thế hệ đồng trang lứa cũng như dành thời gian để tìm hiểu thêm về tài chính, Nam cảm thấy tiền tiết kiệm của mình như “đóng băng” với lãi suất ít ỏi (khoảng 5%/năm). Thế nhưng với kiến thức hạn hẹp ở lĩnh vực này, Ngọc Nam không đủ tự tin để đầu tư theo hướng nào cả.
“Tôi thấy cả vàng, chứng khoán hay thậm chí là crypto (tiền mã hóa) đều đầy rủi ro và không ổn định. Nhìn mọi người đầu tư cũng ham lắm nhưng nghèo kiến thức về nó khiến tôi không đủ tự tin để đặt tiền của mình vào bất cứ thứ gì cả” - Gen Z chia sẻ nỗi lòng của mình.
Có thể thấy, Ngọc Nam không hề “cô đơn” khi mà một bộ phận người trẻ tuổi ngày nay cũng đang rất cố gắng thực hiện ước mơ giàu sang. Họ cũng hiểu rằng chỉ “làm công ăn lương” thôi thì khó có thể mang tới điều mà các bạn hằng ao ước. Ngoài ra, tâm lý muốn chứng minh bản thân với gia đình, thế hệ đi trước càng khiến cho mong muốn kiếm được nhiều tiền của người trẻ mãnh liệt hơn.
Thế hệ trẻ ngày nay đã trải qua cuộc suy thoái do Covid-19. Họ cũng muốn viết ra các quy tắc về tiền của riêng mình. Họ làm việc chăm chỉ để kiếm tìm sự giàu có theo những cách mới mà họ cảm thấy cần thiết cho thời kỳ hậu đại dịch. Họ còn sẵn sàng chấp nhận học các kiến thức về kinh doanh, đầu tư từ người lạ,...
Tuy nhiên, rõ ràng ý chí là chưa thể đủ để mang tới những gì mà người trẻ thực sự mong muốn. Trong một môi trường kinh tế phát triển yêu cầu kiến thức nền tảng vững vàng về mọi lĩnh vực như hiện nay, rất khó để những người “tay ngang” có thể thành công trong một lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, tài chính,... Đó là còn chưa kể tới “người trẻ”, những người chưa có nhiều kiến thức và chưa đủ kinh nghiệm. Thậm chí là thiếu đi cả hai thứ vì không phải ai cũng được học, đào tạo về lĩnh vực kinh tế như câu chuyện của Ngọc Nam ở trên.
Nhận định về người trẻ, nhiều chuyên gia khẳng định chính “lỗ hổng” kiến thức đã khiến một bộ phận hiểu nhầm về giá trị lợi nhuận. Không ít bạn trẻ cho rằng, chỉ cần lựa chọn kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất là có thể thành công. Tuy nhiên, lợi nhuận kỳ vọng cao thường đi kèm với rủi ro lớn.
Lời khuyên nào cho người trẻ Việt muốn làm giàu?
Trong một nghiên cứu vào năm 2022 tại Việt Nam, 42% sinh viên thừa nhận họ chưa từng tự đánh giá về năng lực tài chính cá nhân. Nhiều bạn trẻ thậm chí còn thừa nhận, bản thân chưa có kỹ năng lập ngân sách hiệu quả. Đứng trước câu hỏi cơ bản về cách tính lãi suất đơn, lãi suất kép, gần 60% sinh viên trả lời sai. Đáng chú ý, tất cả những người được hỏi đều là sinh viên chuyên ngành kinh doanh, tài chính.
Một khảo sát khác có tên "Am hiểu tài chính" do Master Card tổ chức thường niên tại 16 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã cho kết quả: Người trẻ Việt dù hoạch định khá tốt ở mức 73 điểm, nhưng hạn chế về kỹ năng quản lý tiền cơ bản (52 điểm) và yếu nhất về kỹ năng đầu tư tài chính (51 điểm). Cuối cùng, trong 16 nước được khảo sát, Việt Nam đứng thứ 14, suýt "đội sổ". Có nghĩa là, người trẻ Việt yếu nhất hai kỹ năng quan trọng nhất của việc làm giàu: Quản lý chi tiêu cá nhân và Đầu tư tài chính.
Nhìn chung, việc người trẻ tìm cách đầu tư, kinh doanh không phải là một điều xấu. Tuy nhiên các kiến thức, kỹ năng còn thiếu sót phải được bổ sung một cách bài bản. Thậm chí việc tiếp xúc với thị trường sớm còn là lợi thế lớn nếu như người Trẻ Việt có thể khắc phục được điểm yếu của mình.
Nói về người trẻ tìm đường làm giàu, “ông trùm tài chính” Warren Buffett cũng rất ủng hộ. “Đồng tiền khi được đầu tư hiệu quả sẽ liên tục sinh ra tiền. Do đó, bạn đầu tư càng sớm thì cơ hội sinh lời càng cao. Đặc biệt, khi kết hợp cùng lãi suất kép thì khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận đáng kể.” - Huyền thoại đầu tư “khét tiếng” chia sẻ.
Buffett khẳng định rằng nếu muốn đầu tư thì nên đầu tư ở ngay thời điểm mình nghĩ ra nó. Ông gọi đó là “thời điểm Vàng” và thừa nhận rằng bản thân đã bắt đầu tập tành kinh doanh từ năm 11 tuổi. Buffett còn hài hước cho rằng khoảng thời gian trước đó ông đã lãng phí cuộc đời của mình.
Rủi ro luôn tỷ lệ nghịch với mức độ hiểu biết của nhà đầu tư. Theo Warren Buffett, tất cả chúng ta đều tin rằng kinh doanh và đầu tư có rủi ro nhưng lại không chuẩn bị cho điều này. Để giảm thiểu rủi ro, người trẻ buộc phải tìm hiểu thị trường từ nguồn thông tin đáng tin cậy.
“Ông trùm tài chính” khuyên không chỉ người trẻ mà bất cứ một ai tham gia đầu tư, tập kinh doanh,... hãy tìm hiểu cặn kẽ về uy tín doanh nghiệp, kinh nghiệm quản lý và hoạt động của một công ty trước khi quyết định mua cổ phiếu. Nếu bỏ qua bước này, khoản đầu tư của người trẻ sẽ khó mà an toàn.
Trong khi đó, Ramit Sethi, triệu phú tự thân xuất hiện trong chương trình "How to get rich" (Tạm dịch: Làm sao để giàu) của Netflix, cho biết: “Lời khuyên tốt nhất của tôi dành cho những người ở độ tuổi 20 khi nói đến tiền là thiết lập một khoản đầu tư tự động”.
Ramit cho biết, các bạn trẻ nên cố gắng để dành một khoản tiền từ thu nhập hàng tháng của mình và nên bắt đầu từ việc đầu tư nhỏ lẻ. “Đừng đợi có nhiều tiền mới đầu tư, lợi ích từ việc tích lũy các khoản đầu tư nhỏ mới mang đến cho bạn nhiều tiền” - Vị triệu phú này khẳng định.
Song song với đó, Ramit Sethi cũng nói rằng, việc có nhiều khoản đầu tư nhỏ sẽ giảm thiểu rủi ro thiệt hại đối với người vẫn còn “chân ướt chân ráo”. Ngoài ra, người trẻ sẽ có thêm thời gian để tích lũy kiến thức trong quãng đường đầu tư của mình để sau đó có thể tự tin tìm kiếm những cơ hội lớn hơn.