Nghệ An đã, đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông - lâm nghiệp; tuy nhiên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị đã được chuyển đổi chưa có những đột phá mới.
Củng cố các đơn vị tại địa bàn chiến lược
Theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ quy định về việc sắp xếp đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và các chính sách đối với các công ty nông, lâm nghiệp thì nguyên tắc để thực hiện sắp xếp phải phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nền kinh tế.
Chế biến chè ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Văn Trường
Việc sắp xếp đổi mới nhằm xác định cụ thể người sử dụng đất, chủ rừng, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên rừng.
Tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hoá.
Cũng theo kế hoạch của Chính phủ, Nghệ An thực hiện duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty TNHH một thành viên Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với một số công ty.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định số 6184, 6271, 6273 năm 2017 về việc duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các Công ty: Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tương Dương, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương. Đây là các doanh nghiệp tại địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng xa gắn với các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Nghệ An cũng cổ phần hóa các công ty nông nghiệp gồm: Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con; Công ty TNHH MTV Nông nghiệp 3/2; Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An và Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An.
Các vườn chè nguyên liệu của Công ty CP Tổng Công ty Chè Nghệ An và các doanh nghiệp. Ảnh: Sách Nguyễn
Hoàn thành cổ phần hoá 3 doanh nghiệp
Hiện nay, Nghệ An đã hoàn thành công tác cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động mô hình công ty cổ phần đối với 3 doanh nghiệp:
Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con chuyển thành Công ty CP Nông nghiệp Sông Con từ năm 2018; vốn điều lệ 20.760 triệu đồng, trong đó phần vốn Nhà nước 7.718 triệu đồng, chiếm 37,18% vốn điều lệ.
Công ty TNHH MTV Nông nghiệp 3/2 chuyển thành Công ty CP Nông công nghiệp 3/2 từ năm 2018; vốn điều lệ 15.996 triệu đồng, trong đó phần vốn Nhà nước 5.561 triệu đồng, chiếm 34,76% vốn điều lệ.
Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Chè Nghệ An chuyển sang Công ty CP Tổng Công ty Chè Nghệ An hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 14/4/2022; vốn điều lệ 34.156 triệu đồng, trong đó phần vốn Nhà nước 17.420 triệu đồng, chiếm 51% vốn điều lệ.
Đối với Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An: Ngày 25/10/2022, công ty phối hợp với đơn vị tư vấn đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp và trình UBND tỉnh, Ban chỉ đạo cổ phần hoá để thẩm định và phê duyệt. Tuy nhiên, công tác cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An chưa tiếp tục thực hiện được do còn vướng mắc đối với tài sản vườn cam ở thành phố Vinh.
Cũng theo chỉ đạo tại Công văn số 321/TTg-ĐMDN ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nghệ An có 3 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do UBND tỉnh làm chủ sở hữu chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Đó là: Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành và Công ty TNHH MTV Nông nghiệp An Ngãi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi chưa thực hiện được do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc đấu giá vốn góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Vì vậy hiện nay đang tạm dừng chuyển đổi để chờ có hướng dẫn mới.
Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết: Tại Công văn số 321/TTg-ĐMDN ngày 26/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quỳnh Lưu thành Ban Quản lý rừng phòng hộ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập có thu và sáp nhập với Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu. Công tác chuyển đổi công ty này được hoàn tất vào năm 2018.
Trao đổi về hiệu quả sau khi sắp xếp, chuyển đổi, ông Võ Đình Toàn - Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp - Sở Tài chính cho biết: Sau khi thực hiện tái cơ cấu, nhìn chung kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nông, lâm trường chưa có sự đột phá mới. Doanh thu của doanh nghiệp có tăng lên nhưng lợi nhuận và số nộp ngân sách chưa tăng trưởng. Ví như đối với Công ty CP Nông công nghiệp 3/2, tỷ lệ vốn góp Nhà nước tại thời điểm 31/12/2022 là 34,76%, năm 2022 tổng doanh thu đạt 23,8 tỷ đồng, năm 2023 dự kiến thấp hơn, lợi nhuận sau thuế âm 2 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 907 triệu đồng. Công ty CP Nông nghiệp Sông Con, tỷ lệ vốn góp Nhà nước 37,18%, tổng doanh thu năm 2022 đạt 41 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 45 triệu đồng...
Các doanh nghiệp cũng chưa thu hút được lực lượng lao động, nhất là lao động có trình độ chuyên môn cao. Sau khi chuyển đổi, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa có những chiến lược mới trong sản xuất, mô hình sản xuất chưa có sự đổi mới so với giai đoạn 10 năm trước (2013). Đây tiếp tục là bài toán cho các lãnh đạo các đơn vị quản lý doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Thời gian tới Nghệ An sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung còn lại theo kế hoạch của Chính phủ đối với Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành và Công ty TNHH MTV Nông nghiệp An Ngãi...
Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là đẩy nhanh tiến độ sắp xếp nhưng làm chặt chẽ để không thất thoát tài sản Nhà nước. Quá trình xem xét phương án cổ phần hóa ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kế thừa và xây dựng được phương án đầu tư, liên kết theo chiều sâu, chuỗi sản phẩm để khai thác hết được giá trị đất đai.
Hiện nay, về nhà đầu tư chiến lược thì ở Công ty CP Tổng Công ty Chè Nghệ An đã có hai nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn TH và Công ty CP Mía đường Sông Con; còn các công ty khác chưa thấy xuất hiện các nhà đầu tư chiến lược do còn có vướng mắc, hoặc môi trường đầu tư chưa hấp dẫn.