Sau một năm ảm đạm, nhiều môi giới bất động sản đang chờ đợi một năm mới hanh thông, thuận lợi hơn trong bối cảnh thị trường bất động sản đã bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu hồi phục, tạo đà cho các doanh nghiệp trong ngành trở lại.
Sau một năm hoạt động không mấy khởi sắc, ông Lâm, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở Thủ Đức, TP.HCM cho hay nhiều khả năng Tết năm nay công ty chỉ cố gắng có tháng lương thứ 13, không có thưởng Tết cho đội ngũ môi giới và nhân viên kinh doanh.
Chuyện buồn năm cũ
Trong suốt 3 tháng cuối năm 2023, theo ông Lâm, phòng môi giới của công ty ông, cả thảy gần 30 nhân viên, chỉ bán được 3 căn hộ, 2 lô đất nền và 1 căn liền kề, thu không đủ bù chi. Trước đó, vào cuối quý III, công ty đã cắt giảm 50% nhân viên, đa phần tự nguyện nghỉ vì đã 6-7 tháng không có hợp đồng.
“Chúng tôi từng hỗ trợ nhân viên 70% chi phí chạy quảng cáo, 3 triệu/tháng cho xăng xe và điện thoại. Nhưng thời gian qua, trong cảnh “thắt lưng buộc bụng”, gần như cắt hết, chỉ còn lương cứng. Khó khăn như vậy nên công ty lực bất tòng tâm trong chuyện thưởng Tết”, ông Lâm chia sẻ.
Nghề môi giới bất động sản dự kiến sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2024.
Không chỉ khó khăn về tiền thưởng, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang dự kiến cho nhân viên nghỉ Tết sớm. Đơn cử, tập đoàn Danh Khôi sẽ cho toàn bộ khối kinh doanh (Sàn Danh Khôi miền Nam) nghỉ Tết âm lịch từ ngày 29/12 và dự kiến 1/3 dương lịch mới đi làm trở lại, tức nghỉ 2 tháng.
Trong khi không ít công ty thông báo cho nhân viên đăng ký nghỉ Tết sớm dựa theo khối lượng công việc. Khối kinh doanh thường sẽ được nghỉ sớm hơn, thậm chí có nơi đã được nghỉ từ Tết dương lịch và dự kiến kéo dài qua Tết âm lịch do không có dự án bán ra.
Chị Cát Phượng, môi giới có gần 10 năm kinh nghiệm, ví kỳ nghỉ Tết năm nay giống như một “kỳ nghỉ đông” dài đằng đẵng. Sau thông báo của công ty, chị Phượng cùng một số đồng nghiệp đã chủ động cộng tác với một số sàn giao dịch nhà đất và hoạt động kiểu bán tự do.
“Gần Tết, với đa số môi giới là rất khó kiếm khách hàng, chỉ một số ít thu nhập tốt vì có nguồn khách quen hoặc gặp may. Tình hình kinh doanh tại hầu hết ngành nghề khó khăn nên phần lớn mọi người chỉ muốn giữ tiền. Nếu rót tiền đầu tư, họ cũng rất cẩn trọng, đòi hỏi nhiều thứ hơn”, chị Phượng bộc bạch.
'Nỗi đau' còn kéo dài?
Có thể thấy, nghề môi giới đang trải qua gần 2 năm chạm đáy về khó khăn. Câu hỏi đặt ra là bước sang năm 2024, khi thị trường bất động sản đang dần xuất hiện nhiều tín hiệu sáng hơn, liệu “nỗi đau” của những người làm nghề có sớm qua?
Đáp án chính xác thì chỉ có thời gian mới có thể trả lời, tuy nhiên, theo chuyên gia, với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được thông qua, môi giới địa ốc sẽ đối diện với nhiều áp lực hơn, khi bên cạnh chứng chỉ hành nghề thì cần có công ty quản lý.
Cụ thể, Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, có quy chế hoạt động dịch vụ, cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu...
Đáng chú ý, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, và phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Quy định mới đồng nghĩa, kể từ nay, môi giới bất động sản hết thời tự do hành nghề, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng những môi giới “tay ngang” lộng hành, lợi dụng cơ hội để lừa đảo, trục lợi bất chính, góp phần giúp thị trường bất động sản vận hành an toàn, minh bạch.
Những quy định chặt hơn về pháp lý, đặc biệt là tâm lý thận trọng vẫn đang bao trùm giới đầu tư cá nhân được dự báo sẽ là nhân tố khiến khó khăn của những người làm nghề môi giới khó qua trong ngắn hạn.
Ông Vũ Bá Thức, chuyên gia của SGO Property, nhìn nhận việc thị trường địa ốc lắng xuống vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để thanh lọc đội ngũ môi giới. Khó khăn sẽ loại bỏ những người “ăn theo” và để lại những người có năng lực thực sự.
Dù được dự báo sẽ không thể “chết” nhưng những khó khăn hiện tại đòi hỏi các công ty môi giới và giới “cò” nhà đất cần có chiến lược để vượt qua “kỳ nghỉ đông” dài một cách an toàn.
Một trong những giải pháp được nhiều môi giới đưa ra khi không thể bán nhà đất là chuyển hướng sang tư vấn dịch vụ cho thuê. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu thuê nhà, mặt bằng kinh doanh, phòng trọ đang phục hồi tốt, bên cạnh đó, giá cho thuê cũng tăng theo.
Trong khi đó, theo ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), các doanh nghiệp môi giới cần đẩy mạnh sàng lọc, phát triển theo chiều sâu thay vì quy mô.
Với môi giới cá nhân, cần tranh thủ thời gian rảnh trong “kỳ nghỉ đông” để học hỏi, kiên định trong định hướng nghề nghiệp, sẵn sàng trở lại mạnh mẽ hơn khi thị trường hồi phục. Tuyệt đối không vì “bí quá làm liều”, lừa dối khách hàng làm giảm chữ tín.
“Sau mỗi đợt sàng lọc, số lượng môi giới ngày càng ít đi. Các môi giới sẽ chuyên nghiệp và gắn bó với nghề được lâu dài hơn. Những môi giới nào có đạo đức nghề nghiệp, phục vụ khách hàng tốt thì mới có thể tiếp tục tồn tại ở thị trường này", ông Khôi nhấn mạnh.
Hưng Nguyên