Đó là mong muốn của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Diễn đàn “Xúc tiến Thương mại Việt Nam Hoa Kỳ & Lễ Vinh danh Doanh nghiệp Việt Nam điển hình sáng tạo năm 2023”.
Diễn đàn “Xúc tiến Thương mại Việt Nam Hoa Kỳ & Lễ Vinh danh Doanh nghiệp Việt Nam điển hình sáng tạo năm 2023” do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương hiệu Việt, Liên hiệp các Hội KH&KT, phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức - Ảnh: Đình Đại.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong bối cảnh năm 2023 đầy ắp những khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế của các nước châu Âu gần như không có, trong khi đó, khu vực châu Á, tăng trưởng cao là Trung Quốc, khoảng 5%, các nước khác chỉ trên dưới 1%, hoặc 2-3%, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,05%, cao nhất thế giới. Trong đó, đóng góp của khối nông nghiệp là rất lớn và rất quan trọng.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam đạt 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua. Trong đó, lúa gạo là 43,5 triệu tấn, mặc dù diện tích giảm 9.000 ha, nhưng năng suất tăng 1 tạ/1ha. Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 8,29 triệu tấn, với giá trị đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,2%, qua đó, Việt Nam đóng góp một phần rất quan trọng vào an ninh lượng thực của thế giới. Đây cũng là chìa khóa để mở ra quan hệ đối tác song phương tại các diễn đàn đa phương.
Về thịt các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng 6,83%; trứng đạt 19,2 tỷ quả trứng; sữa 1,17 triệu tấn; thủy sản đạt 9,32 triệu tấn; gỗ rừng trồng đạt 33 triệu m3, thu dịch vụ môi trường rừng trên 3.200 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, 3 trụ cột lương thực, thịt trứng sữa, nông sản tăng trưởng rất vững vàng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Đình Đại.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Các sản phẩm nông sản được xuất khẩu đi trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng thị trường Mỹ chiếm khoảng 10,9 tỷ USD, chiếm trên 20%; châu Âu và các quốc gia khác đạt 21,75 tỷ USD, chiếm khoảng 21%; Hàn Quốc khoảng 2,1 tỷ USD, chiếm 4%; Nhật Bản 3,9 tỷ USD, chiếm 7,4%.
“Thị trường Mỹ trước đây đạt 26%, nhưng trong năm 2023, thủy sản và gỗ giảm, do đó, thị phần của thị trường Mỹ cũng bị giảm sút theo. Qua đó cho thấy, quan hệ Việt – Mỹ, trong đó, quan hệ thương mại nông sản có ý nghĩa rất quan trọng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định. Từ đó, ông mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội cùng chung tay nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Mỹ, với sản lượng tối đa hóa và giá trị tăng cao.
Ông cũng cho rằng, khoa học công nghệ (KHCN) đã góp phần rất quan trọng vào việc tăng năng suất, sản lượng cũng như chất lượng của nông sản. Khoa học công nghệ cũng đã đi sâu vào trong tất cả các lĩnh vực cả sản xuất và chế biến.
“Mặc dù được đánh giá là bệ đỡ cho nền kinh tế, tuy nhiên, nền nông nghiệp của chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp; thứ hai là dịch bệnh; thứ ba là hạ tầng yếu kém; thứ tư là sơ chế, chế biến còn yếu kém, chủ yếu là xuất khẩu thô (nguyên liệu)…” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhìn nhận.
Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, trên thực tiễn KHCN và phát triển kinh tế xã hội có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Ông khẳng định, không một quốc gia nào phát triển kinh tế xã hội mà trình độ KHCN lại thấp, và ngược lại. Do đó, muốn phát triển kinh tế xã hội đều phải dựa trên KHCN.
PGS.TS Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Đình Đại.
“Đây cũng là một quy luật tất yếu, trừ những nước nghèo và cận nghèo. Còn đã phát triển ở mức thu nhập trung bình thấp, đặc biệt, muốn vượt qua bẫy thu nhập thấp, các quốc gia đều chỉ có một giải pháp duy nhất đó là dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà lực lượng chính để chuyển tải KHCN vào cuộc sống chính là các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh khẳng định.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, những đóng góp của KHCN vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp là không thể phủ nhận. Mặc dù, Việt Nam đang là một nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng trình độ và tiềm lực KHCN của Việt Nam cũng rất đáng tự hào. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam trong 2 năm liền đứng thứ 44 và lọt Top 50 các quốc gia trên thế giới và luôn đứng thứ nhất, thứ hai trong số 12 nước có thu nhập trung bình thấp.
Tuy nhiên, trình độ và thực lực của các doanh nghiệp vẫn còn có nhiều hạn chế. Do đó, ông mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao, thay đổi quy trình, cách thức ứng dụng để sớm đưa công nghệ vào cuộc sống.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh, trong chiến lược phát triển KHCN đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022 có một trụ cột quan trọng là bên cạnh việc theo đuổi, nắm bắt phát triển KHCN thì một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng là nhanh chóng ứng dụng các thành tựu KHCN của thế giới vào thực tiễn của Việt Nam. Nhiệm vụ thứ hai đối với các doanh nghiệp là cần phải đào tạo và tăng cường nguồn nhân lực để có thể vận hành sử dụng được các công nghệ mới một cách tốt nhất và hiệu quả nhất.
“Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ KH&CN sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để xây dựng các thể chê chính sách thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ theo hướng tập trung tháo gỡ các rào cản, nút thắt, mà quan trọng nhất là các thể chế, chính sách về kinh tế, tài chính và đầu tư, làm sao để các doanh nghiệp có quyền lợi cảm thấy có lợi khi đổi mới công nghệ, khi thay đổi trang thiết bị” Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh nhấn mạnh.
TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước là rất lớn.
Ở góc độ chuyên gia, đánh giá về tiềm năng hợp tác thương mại Việt - Mỹ, TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước là rất lớn sau khi Việt Nam - Mỹ nâng cấp quan hệ lên "đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững” tháng 10/2023 và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào tháng 9/2023 của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Đăng Doanh, quan hệ hợp tác Việt Nam – Mỹ cũng đang đứng trước những thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục để tận dụng được các lợi thế xuất khẩu hàng hóa sang thị trường tiềm năng này. Cụ thể, Mỹ đã ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại để bảo vệ các lợi ích của các doanh nghiệp trong nước khi các sản phẩm từ Việt Nam chiếm thị phần, cạnh tranh mạnh với doanh nghiệp Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam. Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành dự thảo sửa đổi các quy định nhằm tăng cường thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại trong Luật Chống bán phá giá và Chống trợ cấp nhằm lấy ý kiến các bên liên quan. Ngoài ra, tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh với các đối tác khác đến từ nhiều châu lục.
Đình Đại