Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) liên tục giảm sút sức tiêu thụ thời gian qua và gặp rất nhiều khó khăn. Dự báo đến giữa năm 2024, thị trường VLXD mới có triển vọng phục hồi.
Sản xuất, tiêu thụ sụt giảm
Khó khăn của thị trường bất động sản bắt đầu từ 2022 và kéo dài khiến nhiều dự án, công trình chậm triển khai khiến nhóm DN xây dựng, VLXD tiếp tục một năm làm ăn thua lỗ, tiêu thụ sản phẩm chậm, tồn kho tăng cao, phải dừng nhiều dây chuyền sản xuất. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sản lượng xi măng sản xuất năm 2023 dự kiến 89,4 triệu tấn, giảm khoảng 5,45% so với năm 2022; lượng tiêu thụ khoảng 89 triệu tấn, giảm khoảng 6% so với năm 2022. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 56,8 triệu tấn (giảm khoảng 10% so với năm 2022), xuất khẩu xi măng và clinker khoảng 32,6 triệu tấn (tăng khoảng 2% so với năm 2022), giá trị xuất khẩu ước đạt 1,23 tỷ USD.
Về thị phần gạch ốp lát, sản lượng sản xuất đạt khoảng 386,5 triệu mét vuông, giảm khoảng 15%; sản lượng tiêu thụ khoảng 291,5 triệu mét vuông, giảm 25% so với năm 2022. Sứ vệ sinh đạt gần 12,5 triệu sản phẩm, giảm khoảng 25% so với năm 2022; sản lượng tiêu thụ khoảng 11 triệu sản phẩm. Vật liệu kính xây dựng sản xuất đạt khoảng 211 triệu mét vuông, giảm khoảng 2% so với năm 2022; tiêu thụ năm 2023 khoảng 168 triệu mét vuông.
Trước những khó khăn trên, các DN đều chủ động đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 đầy thận trọng. Với Tổng Công ty Viglacera - CTCP, trong năm 2024, DN đưa ra các giải pháp nhằm giữ vững hiệu quả kinh doanh như bám sát và đánh giá kịp thời diễn biến thị trường, từ đó điều tiết chủng loại sản phẩm và sản lượng sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đồng thời tiết giảm chi phí sản xuất, giảm lượng tồn kho, đẩy mạnh công tác bán hàng, tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ về sản phẩm cũng như hoạt động quản trị công ty.
Lãnh đạo Viglacera cũng cho biết, song song với đó sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mẫu mã mới theo hướng xanh, thân thiện môi trường, giúp người tiêu dùng tiết giảm tối ưu chi phí sử dụng năng lượng như kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng, gạch bê tông khí chưng áp, đá nung kết…
Ông Nguyễn Quốc Việt - Phụ trách Hội đồng thành viên Tổng Công ty Vicem cho biết, DN đã tiết giảm triệt để chi phí quản lý, vận hành, sửa chữa và sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế cho nguyên liệu tự nhiên... qua đó tiết kiệm được hơn 100 tỷ đồng chi phí. Tuy nhiên, các chi phí khác như điện lại tăng, chưa kể ngành xi măng có đặc thù đầu tư ban đầu rất cao, khi sản lượng suy giảm thì chi phí cố định tăng lên rất nhiều.
Kỳ vọng cải thiện
Bước sang năm 2024, ngành VLXD đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công. Bởi từ những tháng cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng việc thông qua quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị.
Với những dự án đầu tư công lớn đã và đang triển khai như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, mở rộng xây dựng, hoàn thiện các đường vành đai sẽ giúp cho ngành xây dựng hạ tầng được hưởng lợi lớn trực tiếp trong năm 2024. Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội chính thức thông qua các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư trong năm 2023 cùng với những nghị quyết, nghị định, thông tư... tháo gỡ khó khăn, sẽ có tác động tích cực đến khả năng phục hồi và tăng trưởng đối với VLXD.
Phó Giám đốc Công ty CP Module 9 Phạm Tuấn Linh chia sẻ, thị trường bất động sản được hưởng lợi từ sự thay đổi tích cực nhưng sẽ cần thời gian để đảo chiều, từ đó ngành VLXD mới có thể tăng tốc trở lại và dự kiến có thể quý III/2024 nhu cầu mới tăng cao. "Các cấp chính quyền cần tiếp tục có giải pháp để kích cầu, tháo gỡ đầu ra, tăng tiêu thụ sản phẩm nội địa. Bán được nhiều, tiêu thụ được sản phẩm, có chính sách hỗ trợ tài chính thuận lợi và nhanh chóng thì DN sẽ vay để sản xuất, kinh doanh" - ông Phạm Tuấn Linh cho hay.
Ngoài ra, bản thân DN cũng cần tăng cường khâu marketing để bán hàng, mở rộng thị trường nội địa, tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm và vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.