Dự báo nhân lực phục vụ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là khoảng 13.700 người; trong đó trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ hơn 5.800 người; trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 2.240 người.
Hạng mục đường băng số 2 sân bay Long Thành dài 4.000m. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Ngày 16/10, tại Hội nghị giao ban Khoa giáo, Văn xã 9 tháng của năm 2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương, các đơn vị đào tạo xây dựng Đề án “Đào tạo nhân lực phục vụ trong và ngoài Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 2024-2026, định hướng đến năm 2030."
Đề án đang được gửi lấy ý kiến các thành viên Ủy ban Nhân dân tỉnh để cập nhật và hoàn chỉnh trước khi báo cáo trình Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy trong tháng 10/2024.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức thông tin, dự kiến giai đoạn 1 của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2026. Vì vậy, công tác chuẩn bị, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng. Nhân sự phục vụ cho ngành Hàng không là một nghề đặc thù nhưng ở Đồng Nai hiện chưa có trường đào tạo chuyên ngành này.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý Ủy ban Nhân dân tỉnh, các đơn vị, địa phương trong việc tạo cơ hội cho người dân địa phương, trước hết là người dân huyện Long Thành trong việc đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho Dự án.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai, dự báo nhân lực phục vụ Dự án là khoảng 13.700 người. Trong đó, trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ hơn 5.800 người; trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 2.240 người; trình độ sơ cấp và lao động phổ thông khoảng 5.700 người.
Chia theo lĩnh vực, nghề cho thấy lĩnh vực cảng hàng không cần 2.961 người; lĩnh vực quản lý bay cần 881 người; lĩnh vực vận tải hàng không cần 828 người; lĩnh vực cung cấp dịch vụ hàng không cần 8.584 người.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết nối cung-cầu lao động giữa đơn vị sử dụng lao động chuyên ngành hàng không với các cơ sở đào tạo của tỉnh; phối hợp tổ chức hướng nghiệp, giới thiệu cho học sinh trung học phổ thông thông tin để đăng ký học các nghề phục vụ sân bay Long Thành.
Sở khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chủ động liên kết với các đơn vị huấn luyện, đào tạo chuyên ngành hàng không được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép. Đồng thời, mời gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa, thành lập và xây dựng trường cao đẳng hoặc trung cấp chuyên đào tạo ngành Hàng không, hỗ trợ về thủ tục hành chính, giới thiệu địa điểm được quy hoạch.
Mới đây, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) đã ký kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên VAECO về việc hợp tác đào tạo nhân viên bảo dưỡng tàu bay. Đồng thời ký kết hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) để đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không ở 4 ngành nghề gồm nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay./.
Sỹ Tuyên-Link gốc