Hàn Quốc đang phải gánh chịu tình trạng chảy máu chất xám nghiêm trọng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, với ước tính khoảng 340.000 chuyên gia đã rời khỏi nước này trong 10 năm qua.
Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng "chảy máu chất xám" trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Ảnh: istock
Hàn Quốc có thể tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua một phần nhờ vào nguồn nhân lực xuất sắc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, theo báo Donga Ilbo ngày 1/10, trong thời đại cạnh tranh toàn cầu khốc liệt để giành lợi thế về công nghệ, nước này đang thiếu hụt các chuyên gia kỹ thuật công nghệ (STEM) tài năng.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc vừa qua đã công bố sẽ áp dụng thị thực "hạng nhất" để thu hút nhân tài nước ngoài trong các lĩnh vực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, robot và công nghệ lượng tử.
Chính phủ Hàn Quốc và Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 26/9, tập trung thảo luận về tình trạng nguồn nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật của đất nước đang ngày càng giảm sút. Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã chủ trì cuộc họp ra mắt của Ủy ban trí tuệ nhân tạo (AI) quốc gia.
Hàn Quốc hiện đang phải gánh chịu tình trạng chảy máu chất xám nghiêm trọng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Khoảng 340.000 chuyên gia trong các lĩnh vực này được cho là đã rời khỏi Hàn Quốc trong 10 năm qua.
Theo Viện phát triển quản lý quốc tế có trụ sở tại Lausanne, Thụy Sĩ, thứ hạng của Hàn Quốc trong Chỉ số Chảy máu chất xám đã tăng từ vị trí thứ 24 năm 2021 lên vị trí thứ 36 năm 2023, có nghĩa là xu hướng những người có trình độ học vấn cao rời khỏi đất nước ngày càng tăng và tăng đáng kể chỉ trong hai năm.
Gần đây, những sinh viên xuất sắc nhất ở Hàn Quốc đang chọn trường y thay vì các chuyên ngành khoa học và kỹ thuật. Sau khi chính phủ hoàn tất việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y cho năm 2025 vào tháng 5/2024, nhiều sinh viên năm nhất trong các khoa kỹ thuật và khoa học được cho là đã nghỉ một hoặc hai học kỳ để thi lại kỳ thi tuyển sinh và có mục tiêu để vào trường y.
Chính phủ Hàn Quốc và đảng PPP cầm quyền đã nhất trí thúc đẩy việc cung cấp 5 triệu won (3.800 USD) bình quân đầu người hàng năm dưới dạng quỹ học bổng cho 1.000 sinh viên sau đại học chuyên ngành khoa học và kỹ thuật. Tuy nhiên, cần có nhiều hơn các biện pháp hỗ trợ cụ thể để khuyến khích các sinh viên chọn ngành công nghệ, khoa học.
Trong số 2,51 triệu cư dân mang quốc tịch nước ngoài đang sinh sống tại Hàn Quốc, có 181.842 người là sinh viên quốc tế tính đến cuối năm ngoái. Điều quan trọng là phải tạo cho họ nhiều cơ hội hơn để làm việc cho các công ty Hàn Quốc. Theo đó, cần kéo dài thời gian để nhóm đối tượng này có thể tìm việc sau khi tốt nghiệp tại Hàn Quốc.
Kế hoạch triển khai thị thực mà Bộ Tư pháp dự kiến bắt đầu từ năm tới được cho là một trong các bước đi cần thiết. Mục tiêu của chương trình thị thực là thu hút 100.000 hoặc nhiều hơn các chuyên gia công nghệ ưu tú có bằng cử nhân khoa học hoặc kỹ thuật từ một trường đại học hàng đầu ở nước ngoài, những người đã làm việc tại một trường đại học, công ty hoặc viện nghiên cứu hàng đầu hoặc sở hữu công nghệ gốc được công nhận trên toàn thế giới trong vòng 5 năm.
Dân số trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục giảm do tỷ lệ sinh giảm ở mức thấp nhất thế giới khiến tình trạng già hóa dân số ngày càng trở nên trầm trọng. Như vây, việc giảm sút nguồn nhân lực tài năng trong tổng số dân là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, thu hút những nhân tài nước ngoài trở thành điều hiển nhiên.
Cho đến nay, đa phần người lao động mang quốc tịch nước ngoài tại Hàn Quốc đều làm những công việc có mức lương thấp. Tỷ lệ chuyên gia được ghi nhận trong số những người lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc chỉ là 13,7% tính đến cuối năm 2023. Chỉ có khoảng 42% nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ tại Hàn Quốc được cho là đã tìm được việc làm ở đây.
Các quốc gia lớn từ lâu đã cạnh tranh quyết liệt để giành nhân tài thông qua chính sách nhập cư. Một số nước triển khai chương trình thị thực để thu hút các chuyên gia có trình độ cao trong những lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Hàn Quốc hiện mới đang thực hiện bước đầu tiên.
Vì thế cần có sự tham vấn nhanh chóng giữa các cơ quan liên quan để xác định chi tiết về chương trình thị thực phù hợp cho việc chiêu mộ nhân tài.
Khánh Vân-Link gốc