• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,74 -3,30/-0,26%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:45:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,74   -3,30/-0,26%  |   HNX-INDEX   225,39   -0,82/-0,36%  |   UPCOM-INDEX   92,24   -0,11/-0,12%  |   VN30   1.298,20   -5,84/-0,45%  |   HNX30   482,23   -2,42/-0,50%
14 Tháng Mười Một 2024 11:49:31 SA - Mở cửa
Thoát khỏi 'mê cung' để xây dựng thương hiệu gạo Việt
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 13/11/2024 8:45:09 SA

HTX, doanh nghiệp sản xuất lúa gạo luôn muốn Việt Nam xây dựng và phát triển được thương hiệu cho ngành hàng này. Bởi có thương hiệu, giá trị sản phẩm sẽ được nâng lên, từ đó không chỉ gia tăng nguồn thu cho đất nước có trụ cột là nông nghiệp, mà còn giúp người nông dân gắn bó, sống được với cây lúa.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn gạo. Riêng năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đạt 8,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 4,6 tỷ USD. 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, thu về 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 23,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Thiệt thòi vì "vô danh" trên thị trường quốc tế

Hiện, gạo Việt đã xuất sang thị trường 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, với thị phần chiếm khoảng 15% tổng lượng xuất khẩu toàn thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Công Minh, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp An Bình (An Giang), hầu hết mỗi HTX, doanh nghiệp đã xây dựng được một thương hiệu lúa gạo riêng, tạo thành "mê cung" thương hiệu, nhưng riêng Việt Nam vẫn chưa thực sự có được một thương hiệu gạo “Made in Vietnam” đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Điều này là bởi gạo Việt Nam khi xuất khẩu qua các nước phần lớn là thông qua nhà phân phối nước ngoài nên sản phẩm đến tay người tiêu dùng được sử dụng thương hiệu của họ. Do đó, người tiêu dùng thế giới dù dùng gạo Việt Nam nhưng không biết nguồn gốc gạo từ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu) cho biết, Thuỵ Điển nằm trong top 10 nước có thu nhập cao nhất thế giới. Trong đó, 4 loại nông sản là tiêu, điều, cà phê, gạo có dư địa tiêu dùng lên đến 400 triệu Euro. Thụy Điển và các nước Bắc Âu hầu như không trồng lúa nên gần như nhập hoàn toàn, là cơ hội tốt cho lúa gạo Việt Nam.

Vậy nhưng, phần lớn gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này đều là gạo thô, chưa có thương hiệu riêng. Các đơn vị ở Thụy Điển sau khi nhập khẩu về sẽ tiến hành đóng bao bì, nhãn mác của họ để bán cho người tiêu dùng.

Không chỉ ở Thụy Điển mà đến nay, tại hầu hết các thị trường xuất khẩu, gạo Việt đều chưa có thương hiệu hoặc thương hiệu gạo Việt còn mờ nhạt. Do vậy, trong một thời gian dài từ 2017 - 2020, Việt Nam đứng top 3 thế giới về xuất khẩu gạo nhưng giá gạo xuất khẩu lại thấp nhất trong 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chỉ đạt 481 USD/tấn.

Gạo ST25 đã được trao giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2023.

Từ năm 2021 tới nay, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có giá cao hơn, năm 2023, giá gạo xuất khẩu đã đạt bình quân 703,5 USD/tấn. Nhưng theo các nhà chuyên môn, giá gạo xuất khẩu cao phần nhiều là do nhu cầu thị trường lớn, biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, diện tích trồng lúa gạo bị thu hẹp.

Ông Trần Dương Tấn Tài, Tổng Giám đốc công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice), cho biết doanh nghiệp rất quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu gạo vì trong xuất khẩu, thị trường cạnh tranh rất căng thẳng. Các đối tác luôn đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe, nên bản thân doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể là doanh nghiệp thu mua gạo từ nông dân nhưng nhiều lô không bảo đảm chất lượng. Trong khi nguồn vốn để đầu tư cho chất lượng cao như mở rộng vùng sản xuất, nâng cấp công nghệ bảo quản chế biến… đều do doanh nghiệp tự lo. Vì thế, doanh nghiệp đang cần các nguồn hỗ trợ dài hạn để có thể chung tay xây dựng thương hiệu gạo.

"Chúng ta nói rất nhiều đến câu chuyện gạo 5% tấm. Vậy vì sao Việt Nam không tập trung xây dựng thương hiệu cho gạo 5% tấm? Nếu xây dựng được thương hiệu gạo 5% tấm của riêng Việt Nam, doanh nghiệp sẽ thuận lợi cạnh tranh trên thị trường, bởi gạo 5% tấm của Việt Nam sẽ có những điểm khác với gạo 5% tấm của Thái Lan, Ấn Độ, từ đó cho giá trị kinh tế cũng khác hơn", ông Tài chia sẻ.

Đáp ứng các tiêu chuẩn

Một thực tế hiện nay là Việt Nam có rất nhiều loại gạo ngon, có tiếng ở trong nước nhưng việc xây dựng và phát triển chính các loại lúa gạo này đang gặp không ít khó khăn.

Ngay như giống ST25 được giải thưởng trên thế giới nhưng thực tế hiện nay, người tiêu dùng mua gạo ST25 của mỗi đơn vị lại có giá và hương vị khác nhau. Điều này, theo ông Trịnh Công Minh, là không tạo được sức hút và thiện cảm từ phía người tiêu dùng do mỗi đơn vị trồng, sản xuất trên một vùng khác nhau.

Do đó, giới chuyên gia cho rằng để xây dựng được thương hiệu lúa gạo và thương hiệu đó có thể cạnh tranh được trên thị trường thì Việt Nam phải thực hiện sản xuất lúa gạo đồng bộ trên quy mô lớn để tạo ra sản phẩm tốt. Muốn vậy, cần xây dựng được hệ sinh thái lúa gạo với sự tham gia của HTX và doanh nghiệp nhằm gắn kết các nhân tố trong chuỗi trên quy mô lớn, từ đó từng bước hình thành thương hiệu lớn hướng tới lợi ích chung.

Theo ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Tấn Phát (Sóc Trăng), hiện nay, mỗi HTX có quy mô khoảng 200-300ha, sản lượng lúa khoảng 5.000-6.000 tấn/năm thì có thể tự liên kết, kết nối được với doanh nghiệp để sản xuất theo quy trình và tiêu thụ theo hợp đồng. Nhưng một khi chuỗi liên kết được mở rộng, diện tích tăng lên thì các doanh nghiệp cần tích cực hỗ trợ HTX trong truyền thông, tiêu thụ lúa gạo cũng như các bước để có thể cùng doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu lúa gạo, phục vụ tốt cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, để xây dựng được thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế là điều không hề dễ dàng với các HTX, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu dù nhu cầu về gạo của các nước là không hề nhỏ.

Ngay như ở Bắc Âu, thị trường gạo tăng trưởng trung bình 73%/năm và riêng Thụy Điển tăng 225%/năm. Nhưng bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý lưu ý, chỉ cần xảy ra một vài sự cố từ các sản phẩm gạo Việt Nam vượt ngưỡng quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thôi cũng sẽ mang tới hiểm họa cho thương hiệu nông sản Việt Nam rất nặng nề và nguy cơ mất thị trường gạo của Việt Nam ở khu vực Bắc Âu rất cao. Trong khi các tiêu chuẩn gạo của Thái Lan và Campuchia đã và đang giữ được uy tín rất tốt ở các thị trường này.

Do đó, việc tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển làm sao để bảo đảm được các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu là yêu cầu tiên quyết mà HTX, doanh nghiệp Việt cần làm, từ đó từng bước đưa thương hiệu gạo Việt xuất hiện trên các quầy, kệ siêu thị của các nước.

Ông Trần Dương Tấn Tài cho biết, để xây dựng được thương hiệu, doanh nghiệp ngoài quan tâm mở rộng diện tích theo mô hình cánh đồng lớn còn hướng đến áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và bảo quản nhằm giảm tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để có thể xuất khẩu gạo chất lượng cao. Năm 2023, doanh nghiệp đã xuất 50.000 tấn gạo sang châu Âu, Mỹ, Canada, Hàn Quốc…

Huyền Trang-Link gốc