Mùa mua sắm cuối năm và mùa Tết Nguyên đán 2025 sắp đến được xem là thời điểm “vàng” cho các doanh nghiệp Việt 'bung sức' cho thị trường mua sắm trên “sân nhà”. Tuy vậy, để tận dụng cơ hội này đang cần họ có sự nhạy bén với những thay đổi không ngừng của xu hướng mua sắm, lựa chọn thời điểm tiếp cận người tiêu dùng, cũng như có chiến lược bán hàng để cạnh tranh tốt hơn trước các nhà bán hàng nước ngoài.
Dự kiến vào đầu tháng 12/2024 Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ quy tụ một nhóm doanh nghiệp (DN) nội địa để bàn về xu hướng mua sắm Tết 2025, nhất là làm thế nào để đáp ứng những nhu cầu mới của người tiêu dùng.
Tiếp cận “đúng lúc, đúng chỗ”
Theo đó, các DN sẽ cập nhật những xu hướng mua sắm Tết mới nhất, nắm bắt sự thay đổi trong tâm lý, hành vi mua sắm của người tiêu dùng sau giai đoạn khó khăn kinh tế, từ đó định hình chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn. Ngoài ra, họ còn chuẩn bị để tận dụng những cơ hội từ dư địa phát triển trong ngành thương mại điện tử (TMĐT) và cạnh tranh với những nhà bán hàng nước ngoài.
Mùa mua sắm cuối năm và mùa Tết Nguyên đán 2025 sắp đến được xem là thời điểm “vàng” cho các DN Việt 'bung sức' cho thị trường mua sắm trên “sân nhà”.
Nói về việc nhắm đến thị trường mua sắm Tết 2025, qua trao đổi với VnBusiness, ông Trần Huy Cường, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất HCF, cho biết công ty đang theo dõi sát xu hướng mua sắm ngày càng có nhiều thay đổi khi người tiêu dùng ngày càng đặt mua sản phẩm trên các kênh trực tuyến, sàn TMĐT. Chính vì vậy, công ty đang đa dạng hóa các kênh phân phối, tiếp thị, đẩy mạnh đưa hàng hóa để quảng bá, kinh doanh trên các kênh TMĐT để mở rộng thị trường trong dịp Tết sắp tới.
Nên nhắc thêm, vào 29/11 sắp đến sẽ diễn ra Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất Việt Nam – Online Friday 2024, mở ra chuỗi “60 giờ săn khuyến mãi toàn quốc” với hàng ngàn sản phẩm được giảm giá. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), đây là dịp khuấy động mạnh mẽ thị trường TMĐT Việt Nam vào dịp cuối năm, thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt và hỗ trợ DN trong quá trình chuyển đổi số.
Hoặc như tại một hội thảo được tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 20/11 để bàn về việc tiếp sức cho hàng Việt thông qua sàn TMĐT, ông Nguyễn Minh Đức, phó tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), có lời khuyên cho các DN Việt để tăng trưởng doanh thu thì cần lưu tâm nhiều hơn cho việc livestreams và sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc quảng bá sản phẩm và bán hàng. Hơn nữa, hàng Việt có thể tận dụng công nghệ để hỗ trợ, tăng cạnh tranh trên sàn TMĐT từ việc dựa vào thế mạnh bản địa, am hiểu khách hàng sâu sắc và chăm sóc hậu mãi.
Trong báo cáo mới nhất về xu hướng tiêu dùng Tết 2025 từ Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Vietnam có cho rằng kênh mua sắm trực tuyến (online) sẽ có nhiều tiềm năng. Cơn sốt mua sắm online đang càn quét thị trường ngày Tết tại Việt Nam từ thành thị cho đến khu vực nông thôn.
Chính vì vậy, trong mùa mua sắm Tết sắp tới, các DN Việt cần lựa chọn thời điểm tiếp cận khách hàng chính xác trên từng kênh online và ngoại tuyến (offline). Việc hiểu rõ hành trình mua sắm Tết của người tiêu dùng trên các kênh online và offline là yếu tố rất quan trọng để phía DN có thể tiếp cận người tiêu dùng “đúng lúc đúng chỗ”. Từ đó nắm bắt mọi nhu cầu của khách hàng từ việc mua sắm sớm cho đến giai đoạn chạy nước rút cận Tết.
Lời giải trở lại quỹ đạo tăng trưởng
Cũng theo Kantar, mùa Tết 2025 dự đoán sẽ có nhiều thay đổi trong xu hướng mua hàng, tận hưởng ngày Tết của người tiêu dùng. Thứ nhất là tính thực tiễn lên ngôi. Trong dịp Tết 2025 sắp tới người tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên các sản phẩm có tính thực tiễn cao và đơn giản hóa quá trình lựa chọn sản phẩm. Những mặt hàng thiết yếu và thực dụng như đồ gia dụng, dụng cụ nấu ăn, sản phẩm chăm sóc cá nhân hay các loại thực phẩm đồ uống không cồn,... sẽ là những lựa chọn mà người tiêu dùng ưu tiên trong mùa Tết sắp tới.
Thứ hai là ưu tiên các bộ quà tặng hữu ích, chi phí tốt. Dường như thói quen lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) để làm quà tặng trong dịp Tết đang có chiều hướng giảm nhẹ. Ngoài ra, các lựa chọn về quà tặng Tết của người tiêu dùng ngày nay cũng đã trở nên đa dạng hơn, họ có thể tặng tiền, thời trang, sản phẩm gia dụng,...và rất nhiều loại hình quà độc đáo mới. Điều này khiến cho các mặt hàng FMCG đang bị lung lay vị thế trên thị trường quà Tết.
Để thu hút người tiêu dùng trong dịp Tết 2025 khi mà mức chi tiêu cho các sản phẩm FMCG của người tiêu dùng đang có xu hướng chững lại, cũng là lúc mức độ cạnh tranh trên thị trường càng trở nên gay gắt hơn, vì vậy các nhà nghiên cứu thị trường có lời khuyên cho các DN Việt là cần phải “xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ” để thu hút càng nhiều người tiêu dùng càng tốt.
Sẽ không nói quá về thời điểm “vàng” cho đầu ra của các DN Việt. Trong báo cáo kinh tế vĩ mô được cập nhật trong trung tuần tháng 11/2024, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán ACBS đã kỳ vọng tiêu dùng sẽ hồi phục mạnh hơn trong thời gian tới. Điều này nhờ chính sách giảm thuế VAT 2% có thể được gia hạn tới giữa năm 2025, nền lãi suất tiêu dùng vẫn thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục được duy trì, hoạt động du lịch sôi động những tháng cuối năm và hơn hết là lực lượng lao động nhóm ngành công nghiệp và xây dựng đang tăng trở lại.
Tuy vậy, vẫn còn đó không ít thách thức cho các DN trước sức hút thị trường mua sắm cuối năm. Và một trong những thách thức lớn chính là hàng nhập giá rẻ từ Trung Quốc đang tràn lan trên các kênh TMĐT. Điều này đòi hỏi phía DN cần có một chiến lược bán hàng mạnh mẽ để tiếp cận hiệu quả với khách hàng trong mùa Tết sắp đến.
Ngoài ra, để bung sức chạy vào mùa mua sắm cuối năm và mua sắm Tết 2025 thì điều kỳ vọng của các DN là những chính sách hỗ trợ, gói kích thích, miễn giảm hoặc gia hạn nộp thuế tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Nhất là những giải pháp có tác động nhanh chóng để DN giảm bớt áp lực tài chính, có điều kiện đầu tư thêm vào nghiên cứu phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời điểm “vàng” phục hồi.
Hơn nữa, việc tìm được đầu ra hiệu quả vào thời điểm “vàng” này sẽ là lời giải cho việc đưa các DN nội địa trở lại quỹ đạo tăng trưởng một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đặc biệt, họ sẽ cần nhạy bén, thích ứng tốt với các xu hướng mua sắm mới. Nhất là cần ở tâm thế chủ động để tận dụng những cơ hội từ dư địa phát triển trong ngành TMĐT và có chiến lược cạnh tranh tốt hơn trước áp lực từ những nhà bán hàng nước ngoài.