• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.214,77 +9,62/+0,80%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:35:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.214,77   +9,62/+0,80%  |   HNX-INDEX   221,24   +1,56/+0,71%  |   UPCOM-INDEX   91,11   +0,81/+0,89%  |   VN30   1.268,06   +8,98/+0,71%  |   HNX30   468,17   +6,60/+1,43%
20 Tháng Mười Một 2024 11:39:45 SA - Mở cửa
‘Chìa khóa’ tăng năng lực cạnh tranh cho Việt Nam để đón đầu làn sóng đầu tư mới
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 20/11/2024 9:31:21 SA

Để đón đầu làn sóng đầu tư mới có khả năng diễn ra vào năm 2025 sắp tới, đang rất cần sự nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh từ các địa phương, cũng như tiếp tục có những cơ chế chính sách thông thoáng và thuận lợi hơn. Tất cả sẽ được ví như “chìa khóa” giúp Việt Nam từng bước vươn lên các bậc cao hơn, có được lợi thế là điểm đến lý tưởng của giới đầu tư. 

Trong tháng 11 này, chính quyền Tp.HCM đang triển khai khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DCCI) 2024. Điều này được cho là rất cần thiết để các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong và ngoài nước có những nhận xét đánh giá phù hợp về môi trường đầu tư kinh doanh ở thành phố này.

Nhiều việc phải làm

Qua khảo sát như vậy, theo bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), mong rằng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư. Nhất là thúc đẩy cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng minh bạch, thuận lợi cho hoạt động đầu tư.

Các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc rót vốn đầu tư vào Việt Nam.

“Kết quả khảo sát thu được sẽ là căn cứ để Tp.HCM đưa ra giải pháp chấn chỉnh những tồn tại, triển khai hàng loạt giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, là thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm cải cách hành chính”, bà Quyên nói.

Không chỉ ở Tp.HCM, một số tỉnh, thành phố trọng điểm về thu hút đầu tư đã và đang triển khai đánh giá chỉ số DCCI năm 2024. Đơn cử như UBND Đồng Nai khi phê duyệt về bộ chỉ số này trong tháng 11/2024, đã nhấn mạnh việc cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Theo giới chuyên gia, thông qua khảo sát về bộ chỉ số DCCI như thế sẽ giúp các địa phương có được nguồn thông tin quý giá từ nhà đầu tư trong và nước để tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện đối với những chỉ số chưa đạt yêu cầu và phấn đấu nâng cao các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng có không ít địa phương đang rất nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh để vừa tăng thu hút đầu tư và cũng vừa “sàng lọc” rất là gắt gao về chất lượng đầu tư (như ứng dụng công nghệ cao, không phải thâm dụng lao động, không phải lợi ích về thuế…).

“Những điều mà các DN đang kỳ vọng là sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của hệ thống chính quyền từ Trung ương cho đến các địa phương. Điều này cũng giúp một số địa phương đặt lên một đẳng cấp cao hơn và đáp ứng được nhu cầu của giới đầu tư nhiều hơn so với những năm trước”, ông Dũng nói.

Và như lưu ý của vị chuyên gia này, ngoài nỗ lực đầu tư của bản thân các DN, điều mà họ mong muốn là cho họ một cơ chế chính sách. Giới đầu tư cần một hành lang pháp lý thông thoáng và thuận lợi hơn chứ không nhất thiết là cần tài trợ về mặt tài chính. 

Ngoài vấn đề nêu trên, sẽ còn một số việc phải làm để tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam nhằm đón đầu “làn sóng” đầu tư mới từ nước ngoài có khả năng diễn ra trong năm 2025 sắp tới từ tác động chính sách của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.

Theo Ts. Haji Suleman Ali (Đại học RMIT), trong dài hạn, các chính sách của Việt Nam nên tập trung vào đầu tư cho cơ sở hạ tầng và công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Từng bước vươn lên các bậc cao hơn

Bên cạnh đó, Ts. Haji Suleman Ali chỉ rõ cần thực hiện các chính sách nhằm xây dựng dự trữ tài chính và khả năng phục hồi tài chính, bao gồm các cơ sở tín dụng dài hạn cho DN. Hơn nữa, việc đàm phán và ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước khác có thể giúp Việt Nam mở rộng thị trường và bình ổn hóa các cơ hội xuất khẩu.

Mặt khác, để tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa dòng chảy thương mại toàn cầu không ngừng biến động, Ts. Scott McDonald, chuyên gia Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, nhấn mạnh điều mà Việt Nam nên làm là có nhiều giải pháp chiến lược có thể làm thay đổi đáng kể vị thế xuất khẩu trong thập kỷ tới, đặc biệt là chuyển đổi từ cạnh tranh về giá thành sang cạnh tranh bằng giá trị. 

Ts. McDonald khẳng định các DN sản xuất Việt Nam sẽ thu được lợi ích lớn khi đầu tư vào công nghệ tiên tiến và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, giúp từng bước vươn lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Nhiều lĩnh vực đã sớm nắm bắt xu thế này, khi các nhà sản xuất lớn ứng dụng công nghệ 4.0, bao gồm hệ thống kiểm soát chất lượng bằng trí tuệ nhân tạo và dây chuyền sản xuất tự động. Những khoản đầu tư này không chỉ cải thiện năng suất mà còn giúp giảm thiểu tác động của thuế quan thông qua tiết kiệm chi phí vận hành”, ông McDonald nói.

Bên cạnh đó, thêm một “chìa khóa” cho Việt Nam để từng bước vươn lên bậc cao để tăng sức cạnh tranh khi đón đầu làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới là cần đảm bảo đáp ứng đủ nguồn điện, nên có chính sách phát triển hợp lý các nguồn năng lượng sạch. Nhất là khi quy mô thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng lớn thì mối lo thiếu điện cho sản xuất ngày càng tăng (là yếu tố gây trở ngại lớn cho việc thu hút đầu tư), cùng với đó là nhu cầu sử dụng năng lượng sạch để “xanh hóa” chuỗi cung ứng trong xu hướng chung của toàn cầu hiện nay.

Nhắc đến đề xuất gần đây của Chính phủ nhằm tái khởi động phát triển điện hạt nhân là một bước chuyển quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng, Ts Richard Ramsawak - một chuyên gia về ngành năng lượng, cho rằng trong bối cảnh Việt Nam phải đối phó với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và các mục tiêu đầy tham vọng, điện hạt nhân nổi lên trở lại như một giải pháp tiềm năng. Hơn nữa, điện hạt nhân có thể cung cấp nguồn năng lượng ổn định với quy mô lớn để bổ sung cho các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và gió.

“Mặc dù việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân có chi phí ban đầu cao nhưng chi phí vận hành thường thấp hơn so với các nhà máy nhiên liệu hóa thạch. Trong dài hạn, điều này có thể giúp giảm chi phí năng lượng cho người tiêu dùng và các ngành công nghiệp, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế cho Việt Nam”, Ts. Ramsawak bộc bạch.

Còn với việc phát triển năng lượng tái tạo nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư, giới chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên mở rộng cơ sở hạ tầng lưới điện nhằm hỗ trợ tăng công suất năng lượng tái tạo (bao gồm các dự án điện mặt trời, điện gió và hydrogen) và xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng dự án năng lượng tái tạo, nhằm tạo môi trường pháp lý thúc đẩy phát triển. Hơn nữa, để thu hút dòng vốn FDI trong lĩnh vực này, cần đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo tài chính và các chiến lược giảm thiểu rủi ro, bởi hiện tại, nhiều dự án chưa đủ an toàn để thu hút đầu tư. 

 Thế Vinh-Link gốc