• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,22 +0,09/+0,01%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 10:45:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,22   +0,09/+0,01%  |   HNX-INDEX   223,21   -0,49/-0,22%  |   UPCOM-INDEX   91,72   -0,34/-0,37%  |   VN30   1.300,05   +0,83/+0,06%  |   HNX30   473,75   -2,05/-0,43%
27 Tháng Mười Một 2024 10:54:36 SA - Mở cửa
Làm gì để các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam ngày càng được hưởng lợi?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 27/11/2024 8:35:00 SA

Những dự báo mới nhất cho thấy các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) ở Việt Nam sẽ hưởng lợi khá lớn trong thời gian tới từ triển vọng thị trường và dòng vốn FDI. Tuy vậy, họ cần vượt qua những thách thức trước mắt về nhân lực, hạ tầng công nghệ, an toàn thông tin và khâu chính sách cũng nên tạo thuận lợi hơn nữa khi mà cơ hội luôn qua nhanh.

Dự kiến trong tháng 12/2024, một công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam là CTCP FPT sẽ tạm ứng 1.460 tỷ đồng để chi trả cổ tức năm 2024. Đây là đợt tạm ứng cổ tức đầu tiên của doanh nghiệp (DN) này trong năm nay bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nhờ vào kết quả tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu, lợi nhuận. 

Chất xúc tác cho sự tăng tốc

Cụ thể, tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu 50.796 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 9.226 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt là 19,6% và 20% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mảng công nghệ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong sự tăng trưởng, nhất là các hợp đồng quy mô lớn và dài hạn về công nghệ thông tin (IT).

Các DN lĩnh vực ICT ở Việt Nam được dự đoán sẽ hưởng lợi khá lớn trong thời gian tới từ dòng vốn FDI.

Trong dự đoán mới nhất từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán TPS về triển vọng năm 2025 sắp tới của FPT có kỳ vọng mảng IT sẽ tăng trưởng 22,2% so với năm 2024 nhờ tăng mạnh mảng IT ở thị trường nước ngoài, được thúc đẩy bởi cầu cho chi tiêu IT lớn ở tất cả các thị trường khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, đặc biệt là thị trường Nhật Bản và APAC.

Bên cạnh đó, mảng IT trong nước cũng được kỳ vọng tích cực khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và FPT đang khá thành công trong việc hợp tác với khối chính phủ, bộ ban ngành và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Không riêng gì DN nêu trên, báo cáo về triển vọng ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) năm 2025 do Bộ phận phân tích của TPS phát hành hôm 25/11 cho rằng lĩnh vực này trong thời gian tới sẽ được hưởng lợi khá lớn từ dòng vốn FDI. 

Theo đó, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các công ty toàn cầu đang tìm kiếm đầu tư vào IT nhờ hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc + 1. Dòng vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực của thị trường ICT. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA) cũng mở ra nhiều cơ hội về thị trường cho các DN công nghệ của Việt Nam.

Ngoài ra, cơ hội để các DN công nghệ hưởng lợi trong thời gian tới còn từ việc mở rộng của thị trường ICT được thúc đẩy bởi các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Không những vậy, sự bùng nổ về kỹ thuật số, đô thị hóa tăng nhanh và dân số trẻ am hiểu công nghệ sẽ là những chất xúc tác cho sự tăng tốc ngành này.

Như nhận định của TPS, doanh thu trên thị trường dịch vụ IT dự kiến đạt 1,99 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, gia công dịch vụ IT chiếm lĩnh thị trường với giá trị thị trường dự kiến đạt 0,69 tỷ USD (chiếm 35% tổng doanh thu dịch vụ IT năm 2024). Tiếp đó là thuê ngoài quy trình kinh doanh, dự kiến ghi nhận khoảng 0,59 tỷ USD, chiếm 30% tổng doanh thu dịch vụ IT của Việt Nam trong năm nay. 

Và theo dự báo doanh thu thị trường IT ở Việt Nam đến năm 2029 sẽ tăng lên 3,11 tỷ USD, tương ứng với mức tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 9,34% trong giai đoạn 2024 – 2029.

Vượt qua những thách thức trước mắt

Phía TPS cũng đưa ra số lượng DN công nghệ số năm 2025 được dự báo khoảng 50.000 DN, tăng 4,2% so với năm 2025. Còn về kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2025 được dự ước đạt 145 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2024.

Với “cửa sáng” như vậy, việc các DN công nghệ hưởng lợi lớn là điều khả dĩ. Như chia sẻ của ông Park Jong Ho, Tổng giám đốc của TopDev, tiềm năng tăng trưởng của thị trường IT ở Việt Nam vẫn còn vô hạn.     

Theo ông Park Jong Ho, các công nghệ như chuyển đổi số, IoT và AI đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các công ty, và ngành IT của Việt Nam đang tích cực đón nhận, thúc đẩy những đổi mới này. Ngoài ra, dòng vốn FDI liên tục vào các công ty khởi nghiệp đang củng cố thêm động lực tăng trưởng cho thị trường IT.

Tuy vậy, như lưu ý của vị tổng giám đốc này, nhu cầu về các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực IT dự kiến sẽ tăng lên. 

Như báo cáo gần đây của TopDev cũng chỉ rõ một trong những thách thức lớn đối với thị trường lao động IT ở Việt Nam là sự gia tăng yêu cầu tuyển dụng các vị trí có kinh nghiệm, đặc biệt trong các lĩnh vực phức tạp như an ninh mạng và AI. Nhu cầu về những chuyên gia giàu kinh nghiệm vượt xa nguồn cung, tạo áp lực lớn lên các DN trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. 

Điều này khiến các DN công nghệ trong nước không chỉ cần tập trung tuyển dụng mà còn phải triển khai các chương trình đào tạo nội bộ để phát triển và nâng cao tay nghề của nhân lực IT.

Không những thế, theo giới chuyên gia, một thách thức trước mắt khác mà các DN công nghệ và những nhà đầu tư ở Việt Nam đang đối mặt là hạ tầng công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh mạng 5G, các trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây đang dần trở thành nhu cầu tất yếu. Để lĩnh vực này hưởng lợi lớn thì Việt Nam cần phải tăng cường đầu tư vào nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ, đảm bảo đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ ngày càng tăng​.

Mặt khác, vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu cũng đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp IT. Nhất là trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, việc tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh mạng và quy định bảo mật dữ liệu trở thành yêu cầu bắt buộc nếu các DN công nghệ của Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đòi hỏi họ không chỉ cải tiến công nghệ mà còn phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao về bảo mật dữ liệu​.

Hơn thế nữa, khâu thủ tục hành chính và hoạch định chính sách cần tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa, giải quyết nhanh thủ tục cho nhà đầu tư, DN trong lĩnh vực ICT nhằm tránh những cơ hội có thể qua nhanh. Mong rằng với chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ cũng sẽ giúp tạo thêm động lực cho các DN công nghệ ngày càng hưởng lợi lớn trong thời gian tới.

Thế Vinh-Link gốc