Hiện nay, nông sản của Việt Nam chủ yếu vẫn là xuất thô, giá trị gia tăng chưa cao. Do vậy, việc phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp sẽ là một nền tảng quan trọng để gia tăng giá trị cho nông sản hàng hóa bằng hình thức xuất khẩu tại chỗ theo hình thức quà tặng, phục vụ du lịch...
Ngành du lịch Việt nếu chỉ phát triển đơn thuần, thiếu bức tranh nông nghiệp sẽ rất khó phát triển bền vững và dễ bị hòa tan trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bởi du lịch nông nghiệp luôn giữ được những thế mạnh về văn hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, vị trí của Việt Nam hiện đang là trung tâm Đông Nam Á, chỉ mất khoảng 5h bay khách sẽ đến 1 trong số những quốc gia trong khu vực châu Á và chỉ mất khoảng 3h có thể bay đến 1 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Du lịch và nông nghiệp cùng hỗ trợ nhau
Theo giới chuyên gia, nếu du lịch Việt chỉ đơn thuần phát triển du lịch biển thì sẽ gặp không ít khó khăn. Bởi biến đổi khí hậu đang diễn ra làm nhiệt độ tăng lên, băng tan, nước biển dâng làm thu hẹp đường biển. Dù hiện, du lịch biển của Việt nam chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ bị tác động.
Còn trong nông nghiệp, nếu chỉ cạnh tranh bằng sản phẩm đơn thuần thì yếu tố giá phải đề lên hàng đầu. Điều này lại là điểm yếu của nông sản Việt trên thị trường quốc tế khi có đến khoảng 80% nông sản Việt Nam hiện vẫn bán thô, chi phí ở các khâu sản xuất, chế biến còn cao.
Nhưng khi HTX, doanh nghiệp và người dân biết đưa câu chuyện sản phẩm vào trong sản phẩm nông nghiệp thì sức nặng của sản phẩm, giá trị của sản phẩm sẽ cao hơn, dễ thu hút khách hàng hơn.
Điều này không chỉ giúp Việt Nam bán được nhiều nông sản với giá trị gia tăng cao mà thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại chỗ, xây dựng được thương hiệu nông sản Việt Nam trên thế giới.
Chính vì lẽ đó mà việc phát triển du lịch không thể thiếu mảnh ghép của nông nghiệp và ngược lại. Ông Nguyễn Đạo Dũng, Trưởng phòng quản lý lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng du lịch nông thôn là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Du lịch nông nghiệp là thế mạnh mà Việt Nam cần tận dụng và đầu tư bài bản.
Đặc biệt, trong bối cảnh dân số thế giới vẫn đang tăng trưởng, biến đổi khí hậu vẫn diễn ra đe dọa đến nền nông nghiệp toàn thế giới sẽ thấy rằng nhiều quốc gia có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp, du lịch nông nghiệp vẫn có sự tăng trưởng về kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Ngược lại, những đất nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi để trồng trọt và canh tác nông nghiệp trên một diện tích rộng lớn như Việt Nam sẽ là trọng điểm đầu tư phát triển nông nghiệp là nơi những cường quốc trên thế giới rót tiền đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có du lịch nông nghiệp.
Trong khi theo thống kế, có đến 80% diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam hiện vẫn chưa đưa vào các chiến lược quốc gia để có định hướng rõ ràng trong phát triển kinh tế nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng.
Do đó, việc đầu tư cho du lịch nông nghiệp với những định hướng, chiến lược rõ ràng sẽ giúp đưa kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành du lịch gia tăng được giá trị. Việc dùng du lịch kể câu chuyện của nông sản giúp giá trị nông sản có thể tăng từ vài lần, vài chục lần thậm chí lên vài trăm lần.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho biết nếu người dân, HTX chỉ bán quả bí hôi bằng cách đem sản phẩm ra ngoài chợ thì giá bán chỉ quanh ngưỡng 8.000-10.000 đồng/kg. Hoặc cùng quả bí đó, cùng với giá đó nhưng khi bán qua kênh online, giá vận chuyển lại ở mức khoảng 52.00-54.000 đồng/kg khiến khâu bán nông sản không tối ưu.
Nhưng khi phát triển du lịch, người làm ra quả bí biết kể câu chuyện về sản phẩm, về quy trình sản xuất ra một quả bí hữu cơ như thế nào, điểm đặc biệt của quả bí được trồng tại vùng đất địa phương ra sao. Điều này sẽ tạo ra cảm xúc và thu hút người mua khiến họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua không chỉ một quả bí mà còn nhiều sản phẩm chế biến từ quả bí bằng cách online hoặc du lịch tại vườn để tăng nguồn thu cho người sản xuất, tối ưu chi phí cho chính người mua. Đó chính là giá trị của du lịch nông nghiệp.
Phát triển du lịch nông nghiệp đủ sức cạnh tranh
Những lợi ích không hề nhỏ của phát triển du lịch nông nghiệp đối với Việt Nam là điều đã rõ. Tuy nhiên, làm sao để đưa Việt Nam thành quốc gia du lịch nông nghiệp, để các địa phương, người dân, HTX, doanh nghiệp đều phát triển được du lịch nông nghiệp là điều không hề đơn giản.
Chị Ngô Thùy Dương, chủ một doanh nghiệp xã hội ở Đồng Nai, cho biết dù doanh nghiệp của chị đang liên kết với các farm ở nhiều địa phương để xây dựng tour du lịch nông nghiệp nhưng vấn đề ở đây là các farm chỉ có hóa đơn đầu vào, không có hóa đơn cho các dịch vụ ăn, ở, lưu trú, từ đó gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, liên kết.
Rõ ràng, việc phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn những khó khăn ở cả khía cạnh tiếp cận, ứng dụng pháp lý đến việc quản lý, vận hành. Trong khi đa số các đơn vị làm du lịch nông nghiệp hiện nay là các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, ông Phạm Thanh Tùng, Phó viện trưởng Viện kinh tế Du lịch, cho rằng để hạn chế khó khăn, việc đầu tiên là cần có tư duy tiếp cận đa chiều, đa diện để hoạch định phát triển du lịch nông nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh.
Bởi du lịch nông nghiệp vốn có tác động đa ngành, đa tầng lớp từ trung ương đến địa phương. Do đó, ngoài chiến lược của trung ương, các địa phương phải tự vận động, chủ động tính toán được nguồn thu từ các hướng để bảo đảm phát triển du lịch nông nghiệp được đa dạng, bền vững.
Từ tỉnh, huyện, xã phải có chiến lược về phát triển du lịch nông nghiệp đi liền với những chính sách ưu tiên và những quy định, tiêu chuẩn về phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương một cách rõ ràng vì mỗi địa phương có một thế mạnh, đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, du lịch, nhân lực...
Các địa phương nên xây dựng thí điểm các mô hình du lịch nông nghiệp để rút kinh nghiệm, nhân rộng một cách hiệu quả.
HTX, doanh nghiệp muốn đi đường dài với du lịch nông nghiệp thì phải gắn chặt quy trình sản xuất kinh doanh với phát triển tuần hoàn, bền vững. Muốn vậy, ông Phạm Thanh Tùng cho rằng HTX, doanh nghiệp cần áp dụng đúng quy định luật pháp về phát triển du lịch nông nghiệp, không lợi dụng pháp luật để thực hiện phân lô, bán nền đất nông nghiệp. Bởi điều này vừa không mang lại lợi ích cho HTX, doanh nghiệp vừa khiến ngành nông nghiệp và du lịch bị đứt đoạn, băm nhỏ.
Ngoài ra, những HTX, doanh nghiệp, địa phương đang có thế mạnh về nông nghiệp du lịch cần kết nối với nhau và kết nối với những nhà đào tạo, những nơi sản sinh ra trí tuệ (viện, trường, chuyên gia) để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, cùng đưa nông nghiệp du lịch Việt Nam phát triển trên phạm vi rộng lớn, với sức lan tỏa cao.
“Bởi nhiều nơi làm du lịch nông nghiệp thay đổi thì Việt Nam cùng thay đổi”, Phó viện trưởng của Viện kinh tế Du lịch nhấn mạnh.
Đặc biệt, vị chuyên gia này cho rằng các doanh nghiệp nếu gặp khó khăn trong kết nối với farm vì các farm không có hóa đơn cho các dịch vụ ăn, ở thì nên tính toán đến việc thành lập mô hình HTX. Khi đó, HTX sẽ thu hút các chủ farm vào làm thành viên. Khi sử dụng dịch vụ, HTX sẽ đảm nhận vấn đề hóa đơn. Điều này vừa bảo đảm tính pháp lý, vừa bảo đảm tính liên kết trong phát triển du lịch nông nghiệp.
Huyền Trang-Link gốc