• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.253,04 +2,58/+0,21%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 10:35:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.253,04   +2,58/+0,21%  |   HNX-INDEX   225,63   +0,99/+0,44%  |   UPCOM-INDEX   92,42   -0,32/-0,34%  |   VN30   1.310,76   -0,50/-0,04%  |   HNX30   482,95   +3,16/+0,66%
02 Tháng Mười Hai 2024 10:35:21 SA - Mở cửa
Tiếp thêm động lực cho ngành hàng nông sản Việt ‘ăn chắc mặc bền’
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 02/12/2024 8:20:00 SA

Từ những con số ấn tượng về xuất khẩu thủy sản và rau quả trong 11 tháng của năm 2024, như tiếp thêm động lực và là nguồn cảm hứng để ngành hàng nông sản Việt tiếp tục theo đuổi những giải pháp chiến lược trong thời gian tới cho chuỗi giá trị nhằm đảm bảo tính bền vững, “ăn chắc mặc bền” và khả năng cạnh tranh cao. 

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), cho biết với việc kim ngạch đạt gần 9,2 tỷ USD sau 11 tháng (tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước), XK thủy sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD trong năm 2024 (tức là tăng trưởng 11,5% so với năm 2023), đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển XK của ngành này.

Những con số ấn tượng

Trong đó, XK tôm vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 22% trong tháng 11/2024, và dự báo cuối năm nay sẽ cán mốc 4 tỷ USD. Còn cá tra đạt 1,84 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, và dự báo sẽ chạm mốc 2 tỷ USD vào cuối năm 2024. 

Các nhà thu mua quốc tế dành sự quan tâm lớn đến mặt hàng rau quả của Việt Nam.

Theo bà Hằng, Trung Quốc – Hồng Kông đã vượt lên dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với mức tăng trưởng 61% trong tháng 11/2024, nâng tổng kim ngạch lũy kế lên hơn 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Mỹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỷ USD sau 11 tháng, và dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong tháng cuối năm trước khi chính quyền Mỹ có thể áp dụng các mức thuế mới.

Còn với XK rau quả, qua tính toán từ dữ liệu hải quan thì trong 11 tháng của năm 2024 đạt khoảng 6,6 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Và với đà tăng trưởng tốt, khả năng kim ngạch XK của ngành hàng này sẽ cán mốc kỷ lục là 7 tỷ USD. Trong thành quả của XK rau quả phải kể đến đóng góp lớn của trái sầu riêng khi đang chiếm khoảng 40-45% kim ngạch XK rau quả và có thể sẽ mang về ít nhất là 3,5 tỷ USD trong năm nay.

Đứng ở góc độ của một doanh nghiệp (DN) hàng đầu về XK tôm, khi nhìn vào kim ngạch XK sản phẩm nông nghiệp có được kết quả tích cực (đi đầu là trái sầu riêng) trong bối cảnh năm nay đầy khó khăn cho hầu hết ngành kinh tế, Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT của CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), cho rằng điều này ít nhiều là sự động viên, là nguồn cảm hứng cho các bên tham gia chuỗi giá trị sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Trong liên tưởng giữa ngành tôm với sầu riêng, ông Lực nhận định con tôm đã đạt trình độ chế biến sâu, ngưỡng cao thế giới, thu về không ít giá trị gia tăng, có nguồn chia sẻ người nuôi tôm. Còn sầu riêng, chủ yếu xuất tươi. Cho nên về lâu dài cần coi trọng nghiên cứu chế biến sản phẩm có thể lưu trữ lâu và giá trị cao hơn. Đây là tiến trình cần nhiều thời gian và bên tham gia có tài chính tốt cũng như nhân lực có chiều sâu.

Vị chủ tịch FMC so sánh trong hai năm qua tốc độ tăng XK sầu riêng tăng bằng lần. Còn với con tôm cũng có giai đoạn tăng tốc nhưng nhìn theo chiều dài, tốc độ tăng trưởng chỉ 5-7% mỗi năm. Về cơ bản trên 30 năm con tôm mới đạt mốc 4 tỷ USD, còn sầu riêng tăng tốc trong vòng vài năm là đạt.

Cũng theo ông Lực, con tôm có thị phần cân đối ở tất cả thị trường lớn. Và với sầu riêng khi gia tăng chế biến, sẽ có cơ hội tham gia thêm nhiều thị trường, giảm lệ thuộc thị trường lớn, nhằm giảm rủi ro. 

“Tồn đọng của con tôm cũng là bài học tốt cho sầu riêng. Lớn nhất, đó là sớm có chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm. Đó là kiểm soát tốt nhất vùng trồng nhằm giảm thiểu rủi ro về dư lượng quá mức cho phép. Đó là có quy chuẩn ngày càng chặt chẽ các tổ chức tham gia chuỗi giá trị sầu riêng để hạn chế phần nào các cá nhân, tổ chức vì quyền lợi riêng làm ảnh hưởng không tốt thành quả chung”, vị chủ tịch của FMC bộc bạch.

Theo đuổi giải pháp chiến lược cho chuỗi giá trị

Từ con số ấn tượng trong XK thủy sản, rau quả và những chia sẻ nêu trên, có thể nói để “ăn chắc mặc bền” đang cần ngành hàng nông sản Việt cần tiếp tục theo đuổi những giải pháp chiến lược theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo tính bền vững và khả năng cạnh tranh cao. 

Chẳng hạn như ngành hàng nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn phải đối mặt với những thách thức, rào cản về logistics khiến cho việc tiếp cận thị trường quốc tế khó đúng thời hạn, ảnh hưởng đến năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường của DN xuất khẩu.

Chính vì vậy, trong một hội thảo vào hạ tuần tháng 11/2024 để bàn về triển khai hợp tác giữa Tp.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2024 - 2025, đứng ở góc độ quản lý, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM, cũng đã đề xuất xây dựng hệ thống logistics cho các địa phương. 

Ngoài ra, một trong những kế hoạch hợp tác trọng tâm giữa Tp.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL (được xem là “vựa” nông sản của cả nước) trong thời gian tới chính là đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc, quốc lộ, các dự án giao thông trọng điểm kết nối với vùng…nhằm tăng cường kết nối giao thông, tạo thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa nông sản, giảm chi phí logistics. 

Cụ thể là nâng cấp mở rộng cao tốc Tp.HCM - Trung Lương; dự án đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ, tuyến đường ven biển kết nối Tp.HCM – vùng ĐBSCL. Tp.HCM cũng sẽ phối hợp các tỉnh ĐBSCL trong việc nghiên cứu khai thác các tuyến vận tải đường thủy.

Hơn thế nữa, theo ông Mãi, điều quan trọng là cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, khai thác yếu tố văn hóa bản địa để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng chỉ rõ ngành hàng nông sản Việt vẫn còn đối mặt với những áp lực và thay đổi đáng kể trong bối cảnh thị trường nhiều biến động và áp lực môi trường tăng cao. Nhất là chuỗi giá trị ở một số ngành hàng chưa thật sự hiệu quả đã đặt ra không ít thách thức. Và để thành công lâu dài đòi hỏi phải có cách áp dụng các phương pháp tiếp cận chiến lược. 

Đơn cử như với ngành hàng cà phê. Theo Ts. Devmali Perera (Đại học RMIT), ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy các hoạt động và sáng kiến ​​canh tác bền vững. Mặt khác, ngành hàng này cần đầu tư vào nâng cao năng lực, nghiên cứu và phát triển. Theo đó, các chương trình đào tạo cho nông dân về các biện pháp canh tác tốt nhất, cũng như cách quản lý chất lượng và quy trình chứng nhận có thể thôi thúc họ sản xuất cà phê chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời, rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ về cơ sở hạ tầng, tài chính và tiếp cận thị trường. Theo Ts. Majo George, chuyên gia về Quản trị chuỗi cung ứng và logistics, điều quan trọng là đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại cho đường giao thông, kho lưu trữ và nhà máy chế biến để cải thiện quy trình xử lý sau thu hoạch và giảm tổn thất về chất lượng. Điều này có thể giúp hợp lý hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả vận chuyển và lưu trữ.

Thế Vinh-Link gốc