• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 5:26:25 CH - Mở cửa
Góc nhìn tích cực về thanh khoản thị trường
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 27/02/2024 8:41:46 SA

Thời gian gần đây, cùng với đà tăng nóng, thị trường chứng khoán đã thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ bên ngoài nhập cuộc trở lại, giúp những phiên giao dịch "tỷ USD" liên tục xuất hiện. Các chuyên gia tin tưởng thanh khoản vẫn sẽ đạt được những ngưỡng cao hơn trong thời gian tới.

VN-Index ghi nhận tuần giao dịch biến động (19-23/2) với áp lực bán mạnh dâng cao trong phiên giao dịch cuối tuần. Đáng chú ý, thanh khoản thị trường trong phiên cuối tuần cũng tăng đột biến với giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE đạt trên 30.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,2 tỷ USD), thiết lập mức cao nhất kể từ cuối tháng 9/2023.

Thanh khoản tăng đột biến

Theo quan sát của các chuyên gia, thị trường điều chỉnh giảm mạnh về điểm số sau thời gian tăng dài cùng với thanh khoản tăng vọt là dấu hiệu của nhịp phân phối ngắn hạn đã diễn ra sau một chu kỳ tăng lớn của thị trường. Dù vậy, thanh khoản đột biến trong phiên giảm điểm mạnh 23/2 là có sự góp sức bởi lực cầu tăng cao.

Cùng với đà tăng nóng, thị trường đã thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ bên ngoài nhập cuộc trở lại.

Ông Phạm Bình Phương, chuyên viên phân tích của Chứng khoán Mirae Asset nhận định VN-Index bất ngờ giảm mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng trước đó đã có chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp từ 1.172 lên 1.230 điểm. Tuy nhiên, một phiên giảm mạnh với thanh khoản cải thiện chưa phải diễn biến xấu trong xu hướng tăng điểm.

“Thị trường điều chỉnh là diễn biến cần thiết để thu hút dòng tiền bên ngoài. Lực cầu cũng đã tham gia mạnh khi thị trường giảm trong phiên 23/2 đưa mức thanh khoản lên trên 30.000 tỷ, cao nhất từ phiên 18/8/2023”, ông Phương nhận xét.

Tương tự, ông Ngô Minh Đức, Founder CTCP Đầu tư tài chính LCTV nhìn nhận, kể từ khi tạo đáy vào tháng 11/2023, VN-Index liên tục đi lên chinh phục những điểm cao mới mà chưa có phiên điều chỉnh nào đáng kể nào. Do đó, việc thị trường điều chỉnh chủ yếu do tâm lý chốt lời trước ngưỡng cản mạnh 1.230. Thị trường trong dài hạn vẫn còn nhiều điểm sáng từ bệ đỡ vĩ mô ổn định, lãi suất huy động tiếp tục giảm, lợi suất trái phiếu thấp và Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ.

Với những triển vọng trên, ông Đức cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn có thể thu hút được dòng vốn từ các kênh khác như gửi tiết kiệm, vàng… khiến cho thanh khoản ngày càng tăng cao.

Thực tế, trong giai đoạn VN-Index tăng từ vùng 1.100 điểm lên trên 1.200 điểm từ tháng 11/2023 đến nay, TTCK đã thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ bên ngoài nhập cuộc trở lại. Theo đó, những phiên giao dịch "tỷ USD" liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây.

Mặt khác, theo số liệu mới nhất của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, đến hết tháng 1/2024, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt hơn 7,35 triệu, tăng hơn 125.000 tài khoản so với cuối năm 2023.

Do đó, các chuyên gia tin tưởng thanh khoản vẫn sẽ đạt được những ngưỡng cao hơn trong thời gian tới.

Trong Báo cáo chiến lược 2024, SSI cho rằng lãi suất thấp kỷ lục sẽ là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân. Tiền gửi tại ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng do các kênh đầu tư khác khá hạn chế. Dòng vốn này có thể quay lại thị trường chứng khoán trong các giai đoạn của năm 2024.

“Chất xúc tác” từ mặt bằng lãi suất thấp

Nhìn chung, việc lãi suất tiền gửi thấp khiến những người có tiền nhàn rỗi bắt đầu tìm kiếm kênh đầu tư khác có suất sinh lợi cao hơn. Mặt bằng lãi suất thấp cũng giúp các công ty chứng khoán (CTCK) đẩy mạnh cho vay ký quỹ (margin) để giành thị phần, sau giai đoạn chạy đua tăng vốn…

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng cuộc đua giảm lãi suất margin giữa các CTCK nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mở tài khoản, tăng giao dịch để cạnh tranh thị phần. Cuộc cạnh tranh này được thúc đẩy và tạo thuận lợi bởi môi trường lãi suất thấp kỷ lục.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều CTCK đã đưa ra các phương án giảm lãi vay margin nhằm kích cầu đầu tư. Mặt bằng lãi suất vay margin đã giảm từ mức 13%-15% của năm ngoái xuống còn từ 6%-8% trong 2 tháng đầu năm 2024.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao CTCK KIS Việt Nam phân tích, mặt bằng lãi suất của ngân hàng giảm cả với tiền gửi và cho vay, giúp nhiều CTCK (phần lớn là công ty con của ngân hàng) tiếp cận được nguồn vốn đầu vào chi phí thấp. Từ đó, CTCK có nguồn vốn thấp để cho vay.

"Rất nhiều CTCK đã tăng vốn trong năm 2023 hoặc đang chuẩn bị kế hoạch tăng vốn, giúp nguồn vốn dồi dào, cần đẩy mạnh cho vay. Năm ngoái, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, giá cổ phiếu giảm, VN-Index "lặng sóng" nên nhà đầu tư cũng giảm vay, nhu cầu dùng margin không cao… Gần đây, thị trường sôi động trở lại, VN-Index vượt 1.200 điểm nên các CTCK cũng giảm lãi suất margin để kích thích nhà đầu tư tham gia thị trường", ông Phương nhìn nhận.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, nhu cầu vay margin để lướt sóng chứng khoán của nhà đầu tư gia tăng trong bối cảnh thanh khoản thị trường đã cải thiện nhiều so với giai đoạn trước. Các CTCK cũng đua tăng vốn từ vài nghìn tỷ đồng lên cả chục nghìn tỷ đồng, dư địa cho vay margin càng nhiều hơn. Nguồn vốn ngân hàng đang dồi dào, lãi suất cho vay thấp nên sẵn sàng cung ứng vốn cho các CTCK cho vay margin.

Thực tế, cùng với thị trường, “game” tăng vốn của các CTCK cũng đang nóng dần hơn. Chẳng hạn, Chứng khoán Guotai Junan (IVS) vừa thông báo kế hoạch tăng vốn điều lệ gấp đôi, lên gần 1.400 tỷ đồng.

Tương tự, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng công bố nội dung xin ý kiến cổ đông việc thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Thông tin cụ thể chưa được công bố nhưng trước đó vào cuối năm 2022, TCBS từng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2023, TCBS đã tăng vốn điều lệ từ 1.126 tỷ đồng lên 2.177 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 23.622 tỷ đồng - con số cao nhất ngành chứng khoán.

Một loạt CTCK khác đang ráo riết triển khai kế hoạch tăng vốn ngay đầu năm 2024 như HSC với đợt phát hành 228,6 triệu cổ phiếu, DNSE với đợt IPO 30 triệu cổ phiếu để huy động 900 tỷ đồng, ORS với đợt phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1...

Ngoài ra, SSI cũng đã được cổ đông "bật đèn xanh" cho phương án phát hành 453 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. LPBS cũng có kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tối đa 363,8 triệu cổ phiếu với mức giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp, tỷ lệ thực hiện quyền là 1.000/14.552. Hay ACBS đã nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng, lên 7.000 tỷ đồng.

Hải Giang