• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,17 +1,06/+0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 12:15:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,17   +1,06/+0,08%  |   HNX-INDEX   222,60   +0,12/+0,06%  |   UPCOM-INDEX   92,99   -0,12/-0,13%  |   VN30   1.315,94   +2,46/+0,19%  |   HNX30   462,84   +0,65/+0,14%
20 Tháng Giêng 2025 12:18:54 CH - Mở cửa
Nông thủy sản Việt Nam tất bật đón sóng tăng giá
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 27/02/2024 8:46:08 SA

Nhiều mặt hàng nông thủy sản tỷ USD của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, thủy sản... đang đón sóng tăng giá ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đà tăng giá đem đến tín hiệu tốt cho người nông dân nhưng cũng là phép thử phát triển bền vững với mỗi ngành hàng.

Từ mức giá chỉ khoảng 40.000 đồng/kg vào năm ngoái, đầu năm nay giá cà phê đã lên mức hơn 80.000 đồng/kg. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group đánh giá, giá cà phê đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đây là mức giá trong mơ của người nông dân. 

Giá cao đi kèm rủi ro khó lường

Chủ tịch Intimex cho rằng, lý do khiến giá cà phê tăng cao là do nguồn cung thế giới đang thiếu và gần như Việt Nam đang “một mình một chợ”. Bên cạnh đó, việc EU quy định cà phê muốn xuất khẩu vào thị trường này phải đáp ứng quy định chống phá rừng (EUDR) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê hiện nay. Trong khi đó, nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu về quy định trên, còn với Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được, vì vậy khách hàng lựa chọn cà phê Việt.

Giá nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản đang bước vào chu kỳ tăng mới. 

Hay với ngành hàng tiêu, giá đã vượt mốc 90.000 đồng/kg. Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho rằng nguyên nhân chính giúp giá tiêu tăng cao là do diện tích hồ tiêu đang bắt đầu vào vụ thu hoạch chưa nhiều, trong khi giới đầu cơ trong nước đang tập trung mua nhiều, giá nào họ cũng mua vì cho rằng hồ tiêu sẽ bắt đầu vào chu kỳ tăng giá trong nhiều năm (thường kéo dài 10 năm).

Thêm vào đó, nhu cầu tăng của các thị trường khác nhau như Hoa Kỳ, EU, châu Á và châu Phi đối với các đơn hàng giao ngay trong quý I/2024 cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy giá tiêu tăng mạnh trong những ngày qua.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, nhóm hàng nông, thuỷ sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước với kim ngạch ước đạt 3,33 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, sắn và sản phẩm sắn tăng tới 93,4%, ước đạt 274 triệu USD; tiếp đến là rau quả tăng 24,9%, ước đạt 510 triệu USD; hạt điều và chè tăng trên 10%; cà phê, gạo, hạt tiêu tăng nhẹ từ 2 - 3,5% so với tháng trước.

Nguyên nhân chủ yếu là do lợi thế về giá các mặt hàng nông sản trong tháng 01/2024 khi giá tiếp tục tăng, trong khi giá của các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến vẫn trong xu hướng giảm (giá cà phê tăng tới 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 2.955 USD/tấn; giá gạo tăng 33,5%, đạt bình quân 693 USD/tấn; giá hạt tiêu tăng 14,8%, đạt 3.953 USD/tấn; giá cao su tăng 3,7%...).

Giá tăng nông dân phấn khởi nhưng nếu không cẩn thận đây cũng là những "chiếc bẫy" vô hình. Thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phàn nàn rằng với mức giá đạt đỉnh lịch sử như hiện nay khiến các nhà xuất khẩu gặp khó vì không mua được hàng, chưa kể một số nhà cung ứng không giao hàng do giá cả biến động. Với các bạn hàng nhập khẩu, do đầu ra gặp khó, họ cũng không thể nào nâng giá bán cho người tiêu dùng theo mức giá mới này. Thị trường chưa chấp nhận và chưa theo kịp, vì vậy, cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu đều đang gặp rủi ro.

‘Vá’ những lỗ hổng

“Thông thường, mọi năm, đây là thời điểm thương nhân đã bán ra và chỉ chờ giao hàng, nhưng năm nay, có hiện tượng thương nhân hạn chế bán ra, chờ giá lên cao hơn nữa”, ông Đỗ Hà Nam bày tỏ nỗi lo trước đà tăng giá của cà phê.

Với giá cà phê quá cao như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là giá thực. Giá cả nông sản có lên, có xuống, khi đạt đỉnh rồi sẽ phải hạ xuống. “Giá cà phê đã quá cao rồi. Khả năng rủi ro rất cao và khó đưa ra dự báo cho giá cà phê hiện nay”, ông Nam lo lắng. 

Đại diện Intimex cũng đưa ra dự báo, vào khoảng tháng 5, tháng 6 tới, khi thị trường Brazil, Indonesia vào hàng trở lại khả năng thị trường sẽ có sự điều chỉnh. Dù vậy, ông Đỗ Hà Nam nhận định năm nay giá cà phê sẽ vẫn ở mức cao do nguồn cung thiếu trên thế giới, bởi niên vụ này, những nước sản xuất cà phê lớn như: Brazil, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng do mất mùa, sản lượng giảm khoảng 10 - 15%.

Tương tự, ông Hoàng Phước Bính cũng thông tin với giá hồ tiêu tăng cao như hiện nay khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề xuất khẩu, nhất là các đơn hàng đã ký trước đó.

Bên cạnh đó, một trong những nỗi lo của xuất khẩu kéo dài từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn tới nay là xung đột Biển Đỏ vẫn căng thẳng. Điều này sẽ làm tăng chi phí, kéo dài thời gian vận chuyển tới các thị trường chủ lực là Mỹ, EU. Đây là một bất lợi cho cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu, giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Nhận định giá cá tra đang “ấm dần” lên sẽ giúp ngành hàng này chuyển đổi, song ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam bày tỏ lo lắng về xung đột Biển Đỏ sẽ đem tới nhiều rủi ro. “Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ chiếm khoảng 20%; thị trường EU chiếm khoảng 10%. Nếu xung đột Biển Đỏ không lắng dịu, điều này sẽ ảnh hưởng tới ngành hàng cá tra không ít”, ông Quốc nói.

Quan trọng hơn, muốn phát triển bền vững, các ngành hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam cần phải đẩy mạnh chế biến, nâng cao giá trị, sản xuất theo chuỗi. Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT công ty CP Phúc Sinh, ngành cà phê cần phải tiếp tục đẩy mạnh vào khâu chế biến.

Ông Thông nhấn mạnh: “Chúng ta cần nhìn nhận thẳng vấn đề là không thể mãi kinh doanh theo kiểu thương mại thuần tuý mà cần xây nhà máy, đầu tư chế biến sâu và năm nào cũng phải quan tâm đến công nghệ, đến khả năng chế biến sâu hơn nữa. Vì đó là điểm mấu chốt, lợi thế giúp Việt Nam có thể xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao hơn”.

Thêm vào đó, việc đảm bảo tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm sẽ ngày càng thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam. Điều này sẽ khẳng định vị thế về chất lượng, an toàn của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới, thay vì trồi sụt tăng – giảm sốc theo chu kỳ như vẫn thường gặp.


Ông Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Tôi nói với bà con nông dân rằng, giá nông sản nói chung cũng như giá lúa gạo lên đến một mức nào đó cũng sẽ dừng, vì vậy chỉ chừng nào người nông dân biết cách phát triển trên một đơn vị diện tích này có thể trồng thêm cây này, nuôi thêm vật kia thì mới mong giá trị thu về sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Thế giới giờ không đứng yên, người ta mua cách tạo ra sản phẩm, mua câu chuyện tạo ra sản phẩm của người dân, của một ngành hàng, một đất nước, như rượu vang Bordeaux – bán được giá cao vì người ta có thương hiệu. Thực tế, châu Âu đã không mua con cá nếu đánh bắt vi phạm IUU, đó là minh chính rằng người ta đã chuyển sang mua cách tạo ra sản phẩm. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng phát triển bền vững mới là hướng đi, chứ không chỉ có cảm xúc giá cả hôm nay là bao nhiêu.

Ông Đặng Phúc Nguyên

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá nhiều loại nông sản tăng cao là tín hiệu khả quan cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Sở dĩ giá cả lên cao là do một số thị trường, nhất là Trung Quốc có nhu cầu tăng mạnh kết hợp với một số vùng nguyên liệu trên thế giới bị mất mùa dẫn đến nguồn cung hạn hẹp. Trong đó, dự báo xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt 6,5 tỷ USD. Tuy vậy, để đạt trình độ trở thành cường quốc xuất khẩu rau quả ở khu vực Đông Nam Á và của thế giới thì Việt Nam cần phải cải thiện nhiều vấn đề, trong đó có đẩy mạnh chế biến sâu.

Ông Lưu Quốc Thạnh

Giám đốc Công ty Quicornac

Từ sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp nhận được rất nhiều đơn hàng, nhưng do giá chanh dây tăng lên từng ngày nên chúng tôi phải cân nhắc, chưa thể nhận những đơn hàng quá dài, quá nhiều bởi không biết giá sẽ tăng như thế nào. Nếu chúng tôi chốt giá ở thời điểm hiện tại, thì những đơn hàng sau, khả năng giá tăng lên thì rất khó trong chi phí sản xuất, nhưng giá tăng trước hết cũng cần nhìn nhận là tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân.


Nhật Linh