Thị trường Nhật Bản được nhận định sẽ là động lực tăng trưởng chủ chốt cho Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) trong năm nay khi thị phần tại thị trường này ngày càng được mở rộng.
Thực phẩm Sao Ta hiện là nhà xuất khẩu tôm Việt Nam lớn nhất tại thị trường Nhật Bản,
Trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu tôm của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 242 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chiếm tới 130 triệu USD, tương ứng 54% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Thực phẩm Sao Ta đã tích cực mở rộng hoạt động xuất khẩu sang Nhật Bản - thị trường “khó tính” nhưng chuộng các sản phẩm chế biến vốn là thế mạnh của công ty. Đồng thời, việc chuyển hướng sang khai thác thị trường Nhật Bản giúp Thực phẩm Sao Ta không phải cạnh tranh trực tiếp với tôm giá rẻ của Ecuador tại thị trường Mỹ và EU.
Nhiều tổ chức tài chính nhận định Nhật Bản sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho Thực phẩm Sao Ta trong thời gian tới. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản có đặc điểm là khối lượng hợp đồng, đơn hàng mới sẽ được giao dựa trên sự hài lòng và chất lượng của đối tác trong quá khứ.
Ngoài ra, các đối tác Nhật Bản thường có xu hướng ít thay nhà cung cấp khi quá trình kinh doanh vẫn đang diễn ra ổn định. Thực phẩm Sao Ta đang có lợi thế là nhà xuất khẩu tôm Việt Nam lớn nhất tại thị trường Nhật Bản.
Nhận định về triển vọng tiêu thụ của thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết: "Thị phần hàng thủy sản của Việt Nam trong thị trường Nhật không ngừng tăng lên dù lượng nhập khẩu thủy hải sản của Nhật Bản cũng luôn tăng đáng kể. Dự kiến trong thời gian tới, nhu cầu thủy hải sản chế biến của Nhật Bản từ thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và chủ lực vẫn sẽ tập trung ở sản phẩm tôm xuất khẩu và các sản phẩm chế biến từ tôm".
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Shrimp Insights, Việt Nam hiện là nguồn cung các sản phẩm tôm chế biến lớn thứ hai cho Nhật Bản, chỉ sau Thái Lan.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của Thực phẩm Sao Ta trong năm nay còn đến từ việc năng lực tự chủ tôm nguyên liệu đã được cải thiện lên mức 40%. Vào tháng 7/2023, công ty đã đưa vào vận hành khu trang trại Vinfarm ở Vĩnh Thuận, giúp mở rộng vùng nuôi thêm 203 ha, nâng tổng diện tích vùng nuôi lên 525 ha với khả năng cung ứng 16.000 tấn tôm nguyên liệu/năm.
Kỳ vọng từ năm 2024, khi toàn bộ vùng nguyên liệu đi vào vận hành đồng bộ, khả năng tự chủ nguyên liệu của Thực phẩm Sao Ta sẽ tiếp tục tăng lên, giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp.
Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cũng cho biết, bên cạnh thị trường Nhật Bản, công ty sẽ từng bước phát triển thị trường Trung Quốc. Đồng thời, cải tiến đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với điều kiện nhà xưởng, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chế biến sâu, hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán Mirae Asset Securities Vietnam, doanh thu và lãi ròng của Thực phẩm Sao Ta trong năm nay có thể đạt lần lượt 5.793 tỷ đồng và 319 tỷ đồng, tương ứng tăng 13,9% và 15,5% so với mức thực hiện của năm 2023.
Duy Quang