VN-Index bước vào chu kỳ mới, nhiều cổ phiếu băng băng vượt đỉnh lịch sử. Trước sức nóng này, nhiều nhà đầu tư đang đứng ngoài thị trường bắt đầu có tâm lý fomo (sợ bỏ lỡ), ngóng để “nhảy tàu”.
Theo thống kê, xét theo nhóm ngành, các mã cổ phiếu vượt đỉnh tập trung vào ngành ngân hàng, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, ô tô và phụ tùng, hóa chất.
Chất xúc tác từ những câu chuyện riêng
Chỉ trong một tuần, cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang có tới 2 phiên tăng trần, phiên 14/3 tiếp tục lập đỉnh mới ở mốc 128.200 đồng/cp. Kể từ đầu năm 2024, thị giá DGC đã tăng hơn 35% và tăng 160% từ đáy gần nhất vào tháng 5/2023. Theo đó, vốn hóa Hóa chất Đức Giang đạt 48.200 tỷ đồng (1,9 tỷ USD) - mức cao nhất từ trước đến nay.
Mức tăng đáng chú ý của DGC được cho là xuất phát từ kỳ vọng hưởng lợi nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành điện tử và bán dẫn, cùng với khu liên hợp hóa chất “tỷ đô” dự kiến sẽ sớm được khởi công. Thông tin mới nhất, “ông lớn” ngành hóa chất này bắt đầu chào bán pin lithium - sản phẩm then chốt trong ngành xe điện.
Nhiều cổ phiếu băng băng vượt đỉnh cùng xu hướng của thị trường chung. (Hình minh họa)
Cũng nhờ “câu chuyện riêng”, thông tin chuyển sàn đã giúp cổ phiếu VTP của Viettel Post lọt vào danh sách các mã chứng khoán tăng giá mạnh nhất trong 3 tháng qua. Tính từ đầu tháng 11/2023 tới ngày 29/2/2024, cổ phiếu VTP ghi nhận mức tăng 92%, đạt 78.400 đồng/cp - mức giá chốt phiên giao dịch cuối cùng trên UPCoM, cũng là mức giá cao nhất của VTP từ trước đến nay. Từ phiên chuyển sàn 12/3 đến nay, cổ phiếu VTP đã tăng trần 3 phiên liên tiếp, từ vùng giá 65.400 đồng/cp lên 89.600 đồng/cp.
Đà tăng giá của VTP còn được thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh khởi sắc và động thái mua ròng của khối ngoại. Ngoài ra, VTP là cổ phiếu duy nhất trên UPCoM lọt vào Top đầu tư của cả 3 quỹ thuộc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank.
Cùng trong “họ Viettel”, cổ phiếu CTR ( Viettel Construction) liên tục phá đỉnh, gia nhập "câu lạc bộ" những mã chứng khoán có thị giá ba chữ số trên sàn nhờ thông tin tích cực từ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).
Nhóm ngân hàng cũng ghi nhận nhiều cái tên vượt đỉnh lịch sử như: VCB (Vietcombank), BID (BIDV), MBB (MB) với các yếu tố hỗ trợ riêng, trong đó có kế hoạch tăng vốn khủng.
Ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu FTS (Chứng khoán FPT), CTS (Chứng khoán VietinBank), BSI (Chứng khoán BIDV) cũng lập kỷ lục mới về giá.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng “góp vui” với 2 mã cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu PNJ (Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận) có chuỗi tăng tích cực xuất hiện từ đầu tháng 3 khi giá vàng liên tục tăng mạnh, xác lập mức đỉnh mới kể từ khi niêm yếu trên sàn HoSE. Từ đầu năm đến nay, thị giá PNJ đã tăng khoảng 20%.
Thâm chí, trong hơn 2 tháng qua, cổ phiếu FRT của FPT Retail phần lớn chỉ có một chiều tăng và nằm trong nhóm tăng mạnh nhất trên sàn HoSE, nhiều phiên đi ngược thị trường chung. Tính từ thời điểm đà leo dốc bắt đầu (ngày 25/1/2024), cổ phiếu FRT đã bứt phá gần 60% và vốn hóa cũng tăng thêm hơn 7.000 tỷ đồng lên mốc 21.000 tỷ. Nhìn rộng hơn, sau 4 năm (thời điểm chạm đáy đầu tháng 3/2020), thị giá FRT đã tăng gấp 15 lần.
Đà tăng giá của FRT được cho là đến từ nhân tố quan trọng của FPT Retail - Thương hiệu nhà thuốc Long Châu. Năm 2023 vừa qua cũng là năm đầu tiên đánh dấu doanh thu của Long Châu vượt FPT Shop, mặc dù tính chung FPT Retail lỗ 294 tỷ đồng.
Trong nhóm dầu khí, cổ phiếu PVD (PV Drilling) cũng gây ấn tượng khi bứt phá lên đỉnh 9 năm. Bên cạnh đó, cổ phiếu PVS (Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam) cũng lên đỉnh nhờ "ngòi nổ" giá dầu và liên tiếp đón nhận thông tin quan trọng liên quan đến Chuỗi dự án khí - điện Lô B.
Ngoài ra, một số cổ phiếu cũng ghi nhận đà vượt đỉnh mạnh mẽ gây chú ý với thị trường, có thể kể đến như: FPT (Tập đoàn FPT), GMD (Gemadept), BMP (Nhựa Bình Minh), VGI (Viettel Global), DRC (Cao su Đà Nẵng)…
“Đu” tiếp hay dừng lại?
Nhìn chung, các cổ phiếu vượt đỉnh có 2 đặc điểm nổi bật: doanh nghiệp trong ngành có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2023, hoặc triển vọng cải thiện mạnh trong năm 2024; cơ cấu cổ đông chặt chẽ, tỷ lệ cổ phiếu tự do lưu hành ở mức thấp.
Cụ thể, cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành có nền tảng vững chắc, kết quả kinh doanh tăng trưởng cao bao gồm VCB, BID, FPT, GMD, BMP, DGC, PVS, VTP, VGI…; cổ phiếu của doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tích cực và cơ cấu cổ đông chặt chẽ bao gồm FRT, CTR, DRC, FTS…
Vì vậy, trong một xu hướng tăng giá như hiện nay, những cổ phiếu này đang được nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng về triển vọng tăng giá tiếp, và những nhà đầu tư chưa “ôm” cổ phiếu đang nhăm nhe “nhảy tàu”. Song, cũng có một số bộ phận nhà đầu tư lo ngại về “giá đắt” đối với các cổ phiếu đang ở vùng đỉnh.
Trước vấn đề này, giới phân tích đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm giúp các nhà đầu tư tỉnh táo trước đà tăng “nóng” của cổ phiếu.
Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng Phân tích, Chứng khoán Kafi cho rằng dư địa tăng của từng nhóm cổ phiếu cần xem xét nhiều yếu tố như kết quả kinh doanh thực tế của năm 2024 mà quý I đóng vai trò quan trọng; tình hình các chính sách vĩ mô và các yếu tố ngành; sự quan tâm, hứng thú của dòng tiền.
Tương tự, ông Bùi Nguyên Khoa, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Chứng khoán BIDV nêu quan điểm: Để đánh giá dư địa tăng giá của các cổ phiếu đã chạm và vượt đỉnh cần xem xét nhiều yếu tố. Đơn cử như với cổ phiếu thuộc nhóm ngành có tính chu kỳ cao, chu kỳ hiện tại cần được đánh giá kỹ lưỡng, vì nếu chu kỳ ngành đi qua thì cổ phiếu có thể mất nhiều năm để quay trở lại vùng đỉnh cũ và xác lập đỉnh mới. Với cổ phiếu vượt đỉnh vì lợi nhuận đột biến và các thông tin hỗ trợ, nhà đầu tư cần tìm hiểu xem yếu tố đó có mang lại triển vọng tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp hay không. Ngoài ra, nhà đầu tư cần lưu ý có cổ phiếu vượt đỉnh không đến từ nội tại doanh nghiệp, mà đến từ xu hướng vận động chung của ngành và thị trường.
“Chỉ khi xem xét cụ thể các cổ phiếu, chúng ta mới có thể đánh giá được dư địa tăng giá của các cổ phiếu này”, ông Khoa nói.
Cũng theo ông Khoa, ngành chứng khoán gắn chặt với biến động của thị trường, biến động lãi suất và chu kỳ của nền kinh tế. Do đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn còn dư địa khi Việt Nam là một trong những địa chỉ đầu tư hấp dẫn nhất đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính - chứng khoán, khi hệ thống KRX sắp được đưa vào vận hành, thị trường dần đáp ứng các tiêu chí nâng hạng. Đây là yếu tố hỗ trợ sự phát triển của ngành chứng khoán trong dài hạn.
Còn ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, khi giao dịch vượt 15-20% mức giá trị hợp lý, các cổ phiếu sẽ bị overvalued (định giá quá cao) và không còn hấp dẫn nữa. Lấy ví dụ về cổ phiếu VTP và CTR, chuyên gia này nhận xét trong ngắn hạn, dư địa để tăng trưởng là không còn nhiều. Thời gian tới, các nhà đầu tư cần cẩn thận và tỉnh táo với áp lực chốt lời mạnh.
Chuyên gia Yuanta cũng khuyến nghị, với các tài khoản có mức sinh lời trên 20% nên sớm cân đối danh mục đầu tư, tránh tăng tỷ lệ sở hữu tại thời điểm định giá cổ phiếu đang tăng trưởng nóng. Đáng chú ý, đối với tài khoản margin (ký quỹ), các nhà đầu tư cũng cần điều chỉnh hạ tỷ lệ nhằm tránh thua lỗ khi động thái bán ra xuất hiện.