Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên đang đến gần với điểm sáng nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh vượt trội so với năm 2023...
Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô như xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng có xu hướng cải thiện và hồi phục mạnh ngay trong những tháng đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh lãi lớn.
NHIỀU DOANH NGHIỆP LÊN KẾ HOẠCH LÃI LỚN
Theo đó, sau chu kỳ giảm của ngành thép, năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu dự kiến đạt 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023.
Về phương án phối lợi nhuận, 6.800 tỷ đồng lãi sau thuế của năm 2023 dự kiến được trích 408 tỷ đồng vào các quỹ. Lợi nhuận sau trích lập còn lại 6.392 tỷ đồng.
HPG đề xuất phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2023 (cổ phiếu thưởng) với số lượng hơn 581,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phát hành 10% (10 cổ phiếu nhận được 1 cổ phiếu thưởng). Nguồn vốn sử dụng để phát hành lấy từ vốn chủ sở hữu của HPG tại thời điểm ngày 31/12/2023 với thứ tự thực hiện đầu tiên là thặng dư vốn cổ phần (hơn 3.211 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (hơn 2.603 tỷ đồng).
Đối với ngành chứng khoán, chứng khoán Vietcap trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông, công ty này cũng đặt mục tiêu doanh thu hoạt động 2.511 tỷ đồng và lãi trước thuế 700 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 23% so với thực hiện 2023. Cổ tức ủy quyền cho HĐQT quyết định, dự kiến 5-10%.
HĐQT VCI đề xuất kế hoạch 2024 dựa trên cơ sở nền kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam dự kiến vẫn còn nhiều biến số và tiếp tục diễn biến phức tạp, VN-Index được dự báo dao động quanh 1.300 điểm vào cuối 2024.
Ở lĩnh vực dệt may, năm 2024, HĐQT Dệt may Thành Công trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần 3.707 tỷ đồng và lãi ròng 161 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 20% so với thực hiện 2023. Cơ sở cho kế hoạch trên một phần dựa trên bối cảnh xuất khẩu dệt may Việt Nam trở lại đà tăng trưởng trong những tháng đầu năm, trái ngược với tình cảnh ảm đạm năm trước.
Ban lãnh đạo TCM cho biết hiện nay, Công ty đã nhận vượt kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 1 và nhận khoảng 80% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 2/2024. Theo dự báo tình hình xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2024 và theo tình hình tiếp nhận đơn hàng hiện tại, Công ty hy vọng tình hình đơn hàng xuất khẩu 2024 sẽ khả quan hơn 2023.
Với lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, Sonadezi Long Bình (SZB) đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh 2024 khá lạc quan với chỉ tiêu tổng doanh thu gần 520 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 189 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và 63% so với năm 2023. SZB cũng dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 35%.
SZB cho hay Công ty đã hoàn tất ký kết hợp đồng và chuyển quyền khu đất 5.7ha tại khu công nghiệp (KCN) Châu Đức, mang về nguồn doanh thu hơn 108 tỷ đồng, là khoản dự án tăng đột biến trong đầu năm 2024.
Doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu khai thác quỹ đất còn lại 60,000m2 tại KCN Xuân Lộc để nâng tỷ lệ lấp đầy lên 100%; khai thác 100% các nhà xưởng sẵn sàng cho thuê, với quy mô 11.500m2 tại KCN Thạnh Phú và KCN Châu Đức; đầu tư xây dựng cụm nhà xưởng trên quỹ đất 42.500m2 để đảm bảo nguồn cung trong các năm tiếp theo.
Một cách thận trong hơn, năm 2024, Đạm Phú Mỹ đã đặt ra kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến là 12.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 542 tỷ đồng (tăng 2% so với năm 2023). Đối với kế hoạch sản lượng, công ty dự kiến bán 870,.000 tấn ure và 143,100 tấn NPK. Về phân phối lợi nhuận, DPM dự định chi trả cổ tức tiền mặt 15% cho năm 2024.
Trong năm nay, công ty dự định chi hơn 666 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản, trang thiết bị và đầu tư góp vốn vào các đơn vị thành viên.
DỰ BÁO LỢI NHUẬN TOÀN THỊ TRƯỜNG TĂNG 50%
Trong năm 2024, MBS kỳ vọng lợi nhuận ròng thị trường sẽ tăng 16,8% so với cùng kỳ chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng và, bán lẻ và tiêu dùng. Điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu sẽ rơi vào quý 3 và quý 4 của năm 2024, chủ yếu là do nền thấp cùng kỳ năm 2023.
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đồng quan điểm khi cho rằng động lực cho thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng trong năm 2024 chủ yếu dựa trên câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết.
Năm 2024, ông Đức Anh dự báo tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết ước đạt 15%-20%, một phần dựa trên nền năm 2023 thấp và tăng trưởng GDP được dự báo ở mức trên dưới 6% cao hơn 5% của năm 2023. "Trong kịch bản tích cực, chúng ta có thể kỳ vọng năm 2024 là năm bản lề để nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng cao và bền vững nhờ những chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ kết hợp với các điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi", vị chuyên gia cho hay.
Ở góc nhìn nhà đầu tư nước ngoài, ông Petri Deryng, người quản lý quỹ đến từ Phần Lan Pyn Elite Fund cho rằng con số doanh thu của các công ty niêm yết tại Việt Nam sẽ đạt kỷ lục vào năm 2024, mức tăng trưởng hơn 20%,
Sự hồi phục kinh tế trên diện rộng từ xuất khẩu, sản xuất và tiêu dùng sẽ thúc đẩy lợi nhuận công ty niêm yết. VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận công ty niêm yết hồi phục từ mức giảm 33% trong năm 2023 lên mức tăng 50% trong năm 2024 và lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng từ mức 6% lên 18%.
VinaCapital kỳ vọng nhà đầu tư trong nước sẽ rót tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều hơn trong quý 1 và cả năm nay vì lãi suất tiền gửi ngân hàng tại Việt Nam đang ở mức thấp nhất. Hồi phục kinh tế trên diện rộng như thảo luận ở trên sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp - đặc biệt là ngành ngân hàng và các công ty tiêu dùng.
Thu Minh