Moody’s vừa nâng bậc nhiều chỉ số xếp hạng quan trọng đối với Ngân hàng Sacombank (mã cổ phiếu STB) và dự báo NIM lẫn tỷ suất sinh lời của ngân hàng này sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Moody's nhận định tỷ suất sinh lời của Ngân hàng Sacombank sẽ được củng cố bởi biên lãi ròng (NIM) cao hơn trong thời gian tới.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa nâng bậc nhiều chỉ số xếp hạng quan trọng đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE).
Cụ thể, Moody’s nâng 1 bậc Xếp hạng Nhà phát hành và Tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của Ngân hàng Sacombank thêm 1 bậc, từ B3 lên B2. Chỉ số Đánh giá Tín dụng cơ sở (BCA) và BCA Điều chỉnh của ngân hàng này cũngk được nâng bậc từ Caa1 lên B3.
Đồng thời, Moody’s cũng nâng 1 bậc đối với Xếp hạng Rủi ro đối tác (CRR) bằng nội tệ, ngoại tệ dài hạn và Đánh giá rủi ro đối tác (CR) của Ngân hàng Sacombank từ B2 lên B1.
Theo Moody’s, việc nâng bậc là do Ngân hàng Sacombank đã xử lý đáng kể các tài sản tồn đọng, giúp cải thiện chất lượng tài sản và khả năng sinh lợi nhuận. Moody's cũng xét đến lượng tiền gửi vững mạnh của Sacombank, giúp ngân hàng tăng khả năng huy động và thanh khoản.
Ngân hàng Sacombank có mạng lưới huy động vững mạnh thông qua hệ thống chi nhánh rộng lớn, hỗ trợ khả năng thu hút tiền gửi mới với chi phí huy động thấp hơn so với một số ngân hàng cùng hạng khác. Tỷ trọng nguồn vốn liên ngân hàng trong tổng tài sản đạt 7,7% tại cuối tháng 6/2023, thuộc nhóm thấp nhất so với các ngân hàng cùng hạng, theo đánh giá của Moody’s.
Hồi đầu tháng 2/2024, đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết sẽ hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngay trong nửa đầu năm 2024, trước thời hạn đề ra là năm 2025
Trước đó, hồi cuối tháng 12/2023, ngân hàng này đã xử lý dứt điểm phần lớn các vấn đề tồn tại, hoàn thành nhiều mục tiêu trọng yếu của Đề án tái cơ cấu. Nhờ đó, nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 75%, giảm tỷ trọng trong tổng tài sản từ 28,1% (năm 2016) xuống chỉ còn 3,5%, góp phần đưa lợi nhuận đạt kế hoạch và tăng trưởng ổn định.
Đồng thời, Ngân hàng Sacombank đã trích lập đủ 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó chính thức hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính tại Đề án tái cơ cấu.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Ngoài ra, Moody’s cho rằng tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) sẽ được củng cố bởi biên lãi ròng (NIM) cao hơn trong thời gian tới.
Ngân hàng Sacombank là một trong số ít các ngân hàng niêm yết ghi nhận sự cải thiện về tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong năm 2023. Luỹ kế cả năm 2023, ngân hàng này báo lãi ròng đạt 9.595 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2022. Ngân hàng Sacombank hiện có quy mô tài sản và lợi nhuận lớn thuộc top 10 toàn ngành.
Nhiều tổ chức tài chính đánh giá việc hoàn thành Đề án tái cơ cấu sẽ tạo ra “sự bùng nổ lợi nhuận” của Ngân hàng Sacombank trong thời gian tới khi ngân hàng này không còn áp lực trích lập dự phòng cho các tài sản tồn đọng; nguồn vốn được gia tăng khi thu hồi xong các khoản nợ xấu; và có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn 11% nhờ điều kiện vĩ mô thuận lợi hơn.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 28/3, thị giá cổ phiếu STB đạt 32.000 đồng/cổ phiếu.
Duy Quang