Tăng vốn thần tốc từ khi nhận “nguồn sữa” dồi dào từ “bầu sữa” Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Chứng khoán VPBankS có vẻ đổi vận nhưng hoạt động môi giới vẫn thua lỗ và dư nợ cho vay margin vẫn tăng cao. Trong khi đó, kể từ khi VPBank thoái vốn, CTCP Chứng khoán VPS lại có sự tăng trưởng vượt bậc.
Chứng khoán VPS có tiền thân là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) được thành lập vào năm 2006, do VPBank nắm giữ đa số vốn.
VPS tăng trưởng vượt bậc
Trong "vòng tay” VPBank, từ năm 2008-2015, VPS có 2 năm thua lỗ, lợi nhuận cao nhất là năm 2014 với mức lãi sau thuế gần 129 tỷ đồng.
Chứng khoán VPBankS và VPS đều được hưởng "bầu sữa mẹ" VPBank.
Tháng 12/2015, VPBank đã thoái 89% vốn tại VPBS. Ngay sau đó, VPBS đã cải thiện đáng kể quy mô vốn điều lệ nhằm phục vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Nhờ đó, công ty đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Ngay năm đầu tiên (năm 2016), VPBS báo lãi sau thuế 107,7 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần so với năm 2015.
Đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của VPBS đã được nâng lên mức 3.500 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán (CTCK) có quy mô vốn hàng đầu tại Việt Nam.
Cũng trong năm 2018, VPBS đã đổi tên thành CTCP Chứng khoán VPS nhằm giúp khách hàng dễ dàng nhận diện, tiếp cận hơn và không bị trùng lặp các ký tự khi phát âm tên viết tắt.
Sau 8 năm VPBank thoái vốn, khép lại năm 2023, VPS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 6.374 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 24,5% so với năm 2022. Trong đó, riêng doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đóng góp 2.785 tỷ đồng doanh thu trong cả năm 2023; giảm nhẹ so với năm 2022. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu 1.226 tỷ đồng. Hoạt động tự doanh của VPS trong năm 2023 giảm 46% so với năm 2022, về còn 1.988 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của VPS giảm 32,3%, về mức 4.564 tỷ đồng, trong đó chi phí cho nghiệp vụ môi giới chứng khoán cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 2.258 tỷ đồng. Chi phí tài chính của VPS tăng 53,2%, lên mức 908,3 tỷ đồng.
Phần tự doanh không hiệu quả và chi phí tài chính lớn nên công ty chỉ còn lãi ròng 657 tỷ đồng, giảm gần 20% so với năm 2022.
Tại ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của VPS ở mức 22.459 tỷ đồng, mở rộng 11% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm gần 70% từ 9.190 tỷ đồng về còn 2.783 tỷ đồng. Ngược lại, tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt gần 5.600 tỷ đồng, tăng 49%; dư nợ cho vay margin tăng 89%, lên gần 11.148 tỷ đồng.
Phía nguồn vốn, VPS có số dư vay và nợ ở mức 12.831 tỷ đồng, tăng 18,4% so với đầu năm.
Tại thời điểm kết thúc năm 2023, vốn chủ sở hữu của VPS đạt 8.980 tỷ đồng, bao gồm 3.090 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Cũng trong năm 2023, VPS tiếp tục đứng đầu thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE với 19,06%, đồng thời ghi nhận 3 năm liên tiếp dẫn đầu với khoảng cách ngày càng được nới rộng so với những đối thủ xếp sau như Chứng khoán SSI, Chứng khoán VNDirect...
Hoạt động môi giới của VPBankS vẫn thua lỗ
Trở lại với VPBank, năm 2016, từ khi thoái vốn khỏi VPS, nhà băng này không còn tham gia mảng chứng khoán. Tuy nhiên, năm 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) bùng nổ mạnh mẽ trở lại, nên đầu năm 2022, VPBank đã quay trở lại mảng chứng khoán với việc "bơm vốn" thần tốc vào VPBankS.
Có thể nói, VPBankS là một cái tên vừa mới lại vừa cũ trên TTCK, bởi tiền thân CTCK này vốn là CTCP Chứng khoán Châu Á, được thành lập từ 2009. Đến năm 2015, công ty lần đầu đổi tên thành Chứng khoán ASC, đến đầu năm 2022 đã bị VPBank mua và được đổi tên thành VPBankS như hiện nay.
Xuất hiện trên thị trường khá sớm, ban đầu VPBankS chỉ là một công ty nhỏ với vốn điều lệ 56 tỷ đồng, hoạt động không mấy hiệu quả. Đến tháng 3/2021, lỗ lũy kế của công ty là 20 tỷ đồng.
Năm 2016, công ty chấm dứt giao dịch trên sàn HoSE và từ năm 2017 chỉ thực hiện tư vấn đầu tư chứng khoán và tư vấn tài chính doanh nghiệp, không còn hoạt động nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Nhưng từ sau khi xuất hiện cổ đông mới và tiến hành ĐHĐCĐ bất thường, tháng 10/2021, CTCK này đã đăng ký bổ sung các nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và lưu ký chứng khoán.
Kể từ khi đổi chủ và đổi tên, VPBankS liên tục được tăng vốn lên 269 tỷ đồng vào tháng 2/2022, rồi tiếp tục tăng đột biến lên 8.920 tỷ đồng và nhanh chóng hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Nhờ đó, VPBankS đã trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn nhất thị trường thời điểm đó.
Sau khi nhận “nguồn sữa” dồi dào từ “bầu sữa" VPBank, “sức khỏe” của VPBankS đã có sự chuyển biến. Quý IV/2023, CTCK này ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 532,55 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ gần 4% so với cùng kỳ, đạt 190 tỷ đồng.
Trong đó, mảng tự doanh đóng góp hơn 50% doanh thu hoạt động và trừ đi các khoản lỗ tự doanh, VPBankS có lãi hơn 220 tỷ đồng. Công ty hiện duy trì danh mục tự doanh với giá trị hơn 12.800 tỷ đồng, trong đó hơn 9.700 tỷ đồng là các khoản trái phiếu. Doanh thu hoạt động môi giới đã đạt 50,2 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Còn lãi từ cho vay và phải thu cũng tăng hơn 60% so với cùng kỳ, đạt 173,7 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2023, VPBankS đạt doanh thu hoạt động 1.936 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.004 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với cả năm 2022.
Dù vậy, hoạt động môi giới lại thua lỗ khoảng 17 tỷ đồng. Thời điểm 31/12/2023, dư nợ cho vay margin của VPBankS đạt 7.167 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2.500 tỷ đồng so với cuối quý III/2023.
Hải Giang