Để vượt qua những thách thức chung, Viglacera đã định hình lại chiến lược kinh doanh, tìm kiếm các cơ hội mới và tăng cường sự linh hoạt để thích ứng với môi trường kinh doanh khó khăn hiện nay.
Sản phẩm đá nung kết của Viglacera thiết kế không gian phi trọng lực được trưng bày tại Triển lãm Vietbuild. Ảnh: Viglacera
Trong bối cảnh khó khăn chung của lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã chứng khoán VGC) luôn có kế hoạch và “lối đi” riêng để thành công, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt mức tăng trưởng khá.
Để vượt qua những thách thức chung, bí quyết của Viglacera là định hình lại chiến lược kinh doanh, tìm kiếm các cơ hội mới và tăng cường sự linh hoạt để thích ứng với môi trường kinh doanh khó khăn hiện nay. Nhờ đó, mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tổng công ty Viglacera trong quý I/2024 vẫn vượt 33% kế hoạch, doanh thu hợp nhất tăng 4%.
Trong quý II/2024, Viglacera xác định yêu cầu riêng đối với với khối sản xuất là cần tập trung kiểm soát, đánh giá hàng tồn kho, tăng cường quản trị kho và thành phẩm tồn kho. Cùng đó, Viglacera tiếp tục siết chặt quản lý, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm; đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, tạo thế mạnh trong cạnh tranh.
Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera Nguyễn Anh Tuấn nhận xét, quý II/2024, kinh tế trong nước vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và chưa đạt được tăng trưởng đáng kể. Do đó, các đơn vị kinh doanh thương mại của Viglacera sẽ tiếp cận thị trường một cách sâu hơn và đánh giá kỹ lưỡng về đối thủ cạnh tranh; cung cấp thông tin hỗ trợ lãnh đạo đưa ra quyết định trong xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh.
Cùng đó, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera Nguyễn Văn Tuấn cũng chỉ rõ, việc đánh giá thị trường và đối thủ cạnh tranh rất cần thiết. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu của khách hàng mà còn là cơ hội để nhận biết và tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình. Thậm chí, doanh nghiệp có thể hợp tác với các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để tái cấu trúc, đánh giá lại mô hình kinh doanh và tối ưu hóa hoạt động, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cũng như sức cạnh tranh của Viglacera.
Viglacera định hướng "Thuan Thanh Eco-Smart IP" trở thành Khu công nghiệp xanh, đồng bộ, đem lại lợi ích cho cả nhà đầu tư và cộng đồng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh minh họa.
Hiện lĩnh vực bất động sản vẫn là một điểm sáng của Viglacera khi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng hơn 48% so với kế hoạch đặt ra cho quý I/2024. Đáng chú ý, Viglacera đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại Khu công nghiệp Sông Công II, giai đoạn 2 (tỉnh Thái Nguyên) và tại Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng (tỉnh Khánh Hòa) đã khẳng định hướng mở rộng đúng đắn trong lĩnh vực phát triển các khu công nghiệp của doanh nghiệp. Đồng thời, Viglacera cũng nỗ lực triển khai mô hình Khu công nghiệp Xanh – Thông minh như tại Thuận Thành Eco-Smart IP, tỉnh Bắc Ninh.
Không chỉ tiếp tục gặt hái thành công và khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam, Viglacera khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế với kim ngạch xuất khẩu quý I/2024 tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lĩnh vực gạch ốp lát là điểm nổi bật với mức tăng trưởng cao, đóng góp tới 52% tổng kim ngạch xuất khẩu của Viglacera.
Thu Hằng
Link gốc