• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
23 Tháng Mười Một 2024 4:58:28 CH - Mở cửa
Giá xuất khẩu cà phê tăng kỷ lục nhưng vẫn tồn tại ‘khoảng trống’ cần lấp để bền vững
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 02/04/2024 8:34:28 SA

Hết quý I/2024, hoạt động xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá trị. Giá xuất khẩu cà phê đã tăng đến mức kỷ lục, có khi leo lên mốc 3.200 USD/tấn và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá tăng cao là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định ngành cà phê vẫn cần quan tâm tới những “khoảng trống” đang hiện hữu để phát triển bền vững.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2024,Việt Nam xuất khẩu 799 nghìn tấn cà phê, thu về 1,9 tỷ USD; tăng 44,45 về lượng và tăng 54,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lịch sử khi gần cán mốc 2 tỷ USD chỉ sau 3 tháng.

Giá cà phê xuất khẩu tăng kỷ lục

Theo số liệu sơ bộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cà phê xuất khẩu trung bình quý I/2024 đạt 2.373 USD/tấn, tăng 6,8%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), thực tế từ đầu năm đến nay, giá cà phê xuất khẩu trung bình ở mức rất cao, lên đến 3.200 USD/tấn.

Giá xuất khẩu tăng cao đã kéo theo giá cà phê trong nước cũng ghi dấu mức cao nhất trong vòng hơn 30 năm qua với hơn 92.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất 102.000 đồng/kg. Như vậy, đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 30% so với cuối năm 2023.

Theo các chuyên gia nhìn nhận, sự thiếu hụt nguồn cà phê trên thế giới đã tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt. Thời gian qua, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica, giảm xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến. Về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường, như: Ý, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia, Bỉ, Trung Quốc, Philippines…

Xây dựng thương hiệu sẽ là yếu tố giúp cà phê nâng tầm giá trị bền vững.

Hiện tại cà phê Việt đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam giữ vững vị trí là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil.

Một số ý kiến từ các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, cà phê Việt Nam đang có vị thế tương đối vững chắc, không thể thay thế trên thị trường thế giới. Dù nguồn cung có thiếu hụt, hạt cà phê nước ta vẫn được các nhà rang xay nước ngoài ‘săn đón’, chờ đợi thay vì tìm kiếm nguồn cung mới. Điều này sẽ là cơ sở, dư địa để giá xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng.

Với diễn biến thị trường như hiện tại, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2024 đã cầm chắc kim ngạch 5 tỷ USD. Theo các chuyên gia xuất khẩu nhận định, vấn đề cần quan tâm hiện nay là giải pháp làm sao cho ngành cà phê phát triển bền vững, không để con số 5 tỷ USD chỉ là cột mốc thoáng qua trong lịch sử.

Vẫn còn “khoảng trống” về thương hiệu

Tuy giá xuất khẩu đã tăng kỷ lục, nhiều chuyên gia đánh giá xuất khẩu cà phê Việt Nam hiện nay vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng về giá trị và chưa bền vững do còn tồn tại nhiều “khoảng trống”, đặc biệt trong đó là yếu tố về thương hiệu.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu cà phê Napoli băn khoăn: Là một nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng khi đi ra nước ngoài có rất ít thương hiệu cà phê Việt trên, ít hơn cả Thái Lan hay Malaysia, đáng kể nhất chỉ có Trung Nguyên. Để phát triển cà phê đạt kim ngạch 5 tỷ USD một cách bền vững cần phải xuất khẩu sản phẩm cà phê có thương hiệu.

Việc có thương hiệu được nhận định sẽ giúp nâng cấp giá trị cho hạt cà phê lên gấp nhiều lần. Nhiều minh chứng từ các quốc gia xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới đã cho thấy điều đó. Điển hình như nhãn hiệu cà phê Finca El Injerto, đến từ Guatemala (nước đứng thứ 8 trong danh sách các quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, kém rất xa so với vị trí thứ 2 của Việt Nam) có giá lên tới 500 USD/pound (0,45kg).

Trong khi đó, giá xuất khẩu cà phê hiện tại của Việt Nam dù đã rất cao, đạt bình quân khoảng 3.200 USD/tấn, tương đương 3,2 USD/kg, quy ra mỗi pound chỉ là 1,45 USD. Nếu các thương hiệu Việt có thể chế biến sâu, xây dựng thương hiệu mạnh như Finca El Injerto, giá bán sẽ tăng gấp khoảng 300 lần. Ngành cà phê Việt Nam khi đó có thể nghĩ đến doanh số xuất khẩu lên đến hàng “trăm tỷ đô”.

Qua đó, có thể thấy việc xây dựng thương hiệu, công tác xúc tiến thương mại, marketing… để nâng tầm giá trị cho cà phê là rất cần thiết, có tầm quan trọng không kém việc mở rộng vùng trồng, nâng cấp, nâng chất sản xuất, chế biến…

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: "Giải pháp sắp tới không phải là vấn đề kỹ thuật, DN tìm kiếm thị trường, chế biến mà làm cách nào người sản xuất và xuất khẩu đạt được sự hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia để thúc đẩy xây dựng chuỗi giá trị cho hạt cà phê. Và bài học của cà phê không chỉ cho cây cà phê mà cho nhiều cây trồng khác."

Bích Tâm