Căn hộ chung cư đang liên tục tăng giá và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo chuyên gia, khi nhu cầu đạt đỉnh, giá leo thang nhanh, người mua nhà buộc phải trì hoãn kế hoạch, thị trường sẽ bắt đầu điều chỉnh, những cơn nóng sốt sẽ bắt đầu hạ nhiệt.
Sau gần 10 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, với khoản tiết kiệm 1,5 tỷ đồng, vợ chồng anh Đặng Trần Tiến bắt đầu triển khai kế hoạch mua nhà từ cuối năm 2023 đến nay. Nhưng sau hơn nửa năm theo chân “cò” đến hàng chục dự án, anh Tiến buộc phải lùi kế hoạch vì giá đang tăng quá nhanh.
Lùi mua nhà vì giá leo thang
Anh Tiến cho hay cả hai vợ chồng anh đều làm trong lĩnh vực truyền thông, tổng thu nhập ổn định ở mức trên 40 triệu đồng/tháng. Sau nhiều năm tích cóp, với số vốn 1,5 tỷ đồng và dự kiến vay thêm ngân hàng 700 – 800 triệu đồng, anh Tiến đặt mục tiêu mua nhà trong năm 2024.
Tuy nhiên, kể từ trước Tết âm lịch đến nay, sau khi tìm hiểu tại hàng chục dự án sơ cấp (mới mở bán) và hơn 20 dự án thứ cấp (đã mua qua bán lại), anh Tiến vẫn chưa thể chốt được căn nào vì giá tăng quá nhanh, nhiều căn chủ “hét giá” tăng theo tuần.
Khi chu kỳ tăng đạt đỉnh, thị trường căn hộ được dự báo có thể hạ nhiệt tuy nhiên khó giảm giá.
Giữa tháng 4 vừa qua, sau thời gian ròng rã theo chân “cò” đi xem nhà mẫu và thực địa, anh Tiến đặc biệt ưng ý một căn hộ tại dự án cũ ở huyện Hoài Đức. Căn hộ hơn 60 m2, giá 2,9 tỷ đồng. Trong thông tin rao bán, chủ đồng ý chịu toàn bộ các chi phí pháp lý nếu khách xuống tiền sớm.
“Tuy nhiên, khi tôi đến gặp trực tiếp thì chủ nhà nói giá đó đã cũ từ đầu tháng 3, đến nay nếu có thiện chí mua, chủ nhà sẽ bán với giá 3 tỷ đồng, nhưng tôi phải chịu toàn bộ chi phí giấy tờ, thủ tục chuyển nhượng. Chủ nhà còn dọa nếu không chốt sớm thì giá sẽ còn tăng. Giá cả liên tục leo thang khiến cả nhà tôi rơi vào tình trạng chán nản, nhiều khả năng hoãn kế hoạch”, anh Tiến thổ lộ với VnBusiness.
Cũng trong tình cảnh tương tự, dù đang như “ngồi trên đống lửa” vì các thông tin sốt giá, càng để lâu càng khó, nhưng anh Đặng Trần Quân (quê Hà Nam) nhiều khả năng sẽ lùi kế hoạch mua nhà.
Anh Quân cho hay với số tiền khoảng 1,8 tỷ đồng (đã bao gồm khoản tiền vay dự kiến 500 triệu đồng), hồi đầu tháng 4, anh tính toán mua căn hộ 56m2, 2 phòng ngủ, ở khu vực Linh Đàm (Hoàng Mai). Nhưng mới đây khi quay lại thương thảo với chủ nhà thì giá đã tăng thêm 200 triệu đồng.
“Giá căn hộ đang liên tục nhảy múa nên tôi đã chủ động tìm về các vùng ven xa hơn nhưng giá vẫn rất cao. Đơn cử như ở Thanh Trì, giá chung cư 2 phòng ngủ cũng dao động trên dưới 2,5 tỷ đồng. Lo ngại phải vay quá nhiều nên tôi dự tính hoãn lại 2-3 năm, chờ thị trường có thêm nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở bình dân”, anh Quân chia sẻ.
Giá có thể hạ nhiệt nhưng khó giảm
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc kênh Batdongsan, kể từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường nhà ở sôi động bởi số lượng người tìm kiếm nhà gia tăng. Tuy nhiên, tại Hà Nội, không ít người đã phải lùi kế hoạch bởi giá neo cao, thậm chí tăng rõ rệt ở loại hình chung cư.
Ngoài lý do chung cư đội giá, giới quan sát đánh giá lãi suất chưa về mức kỳ vọng, thời gian ưu đãi quá ngắn cũng là nguyên nhân khiến nhiều người lùi kế hoạch vay ngân hàng để mua nhà.
Minh chứng là thời gian qua, dù lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng xuống thấp kỷ lục, nhưng tỷ lệ người dân vay vẫn khá thấp, dư nợ cho vay cá nhân thậm chí giảm. Phần lớn ngân hàng đưa ra mức lãi suất vay mua nhà hấp dẫn nhưng chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn.
Trong bối cảnh người mua nhà bắt đầu “chùn tay”, không ít người bỏ ý định “mua luôn và ngay”, thị trường nhà ở được kỳ vọng sẽ cắt đà lao thang, bình ổn hơn. Tuy nhiên, theo chuyên gia, khả năng giá nhà giảm là rất thấp, ít nhất là trong 2-3 năm tới, bởi cầu đang vượt cung quá lớn.
Giữa tuần qua, trong một tọa đàm về phân khúc căn hộ, ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group, nhận định phân khúc chung cư ở Hà Nội đang tăng giá "khá đột biến", tuy nhiên đây là sự điều chỉnh tất yếu khi thị trường quá ít nguồn cung, trong khi nhu cầu lớn.
Shark Hưng đánh giá nếu tình trạng giá nhà leo thang tiếp tục bị đẩy lên thì trong thời gian tới sẽ có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, “nếu nói về kỳ vọng giảm giá thì tôi nghĩ là không", ông Hưng nhấn mạnh.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, nhìn nhận nguyên nhân tăng giá chung cư, bên cạnh chi phí đầu vào tăng, còn đến từ việc các doanh nghiệp vướng quá nhiều thủ tục pháp lý, dẫn đến thời gian kéo dài, cung không đáp ứng kịp cầu.
Vì vậy, nếu các vướng mắc được tháo gỡ nhanh, nguồn cung nhà ở bình dân tăng, thì giá chung cư vẫn có thể điều chỉnh giảm. Ông Quê dẫn chứng trong quá khứ, ở giai đoạn 2008 - 2010 có dự án chung cư giá 50 - 70 triệu đồng/m2. Thế nhưng, đến năm 2011 - 2013, khi thị trường xuất hiện các dự án nhà giá rẻ, bình quân ở mức 11 - 15 triệu đồng/m2, giá chung cư đã giảm nhiệt.
Đơn cử, vào năm 2010, dự án chung cư Indochina Plaza trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), có giá bán bình quân 50 - 60 triệu đồng/m2. Nhưng đến năm 2013, khi nguồn cung tăng, giá nhiều căn hộ ở khu này chỉ còn 30-35 triệu đồng/m2. Sau hơn 10 năm, giá căn hộ tại đây hiện rơi vào khoảng 100 triệu đồng/m2.
Với những diễn biến thực tế, vị đại diện G6 Group nhận định nếu kịch bản cũ lặp lại, giá nhà có thể giảm từ năm 2026. Lý do là bởi các dự án nhà ở nói chung và các dự án nhà ở xã hội sẽ bắt đầu hoàn thiện về thủ tục, đẩy nguồn cung tăng lên trong khoảng 1 năm sau đó, giúp giá nhà hạ nhiệt.
Có thể thấy, rất nhiều người đang chờ đợi nguồn cung nhà ở giá rẻ tăng giúp cân bằng cán cân thị trường, giúp giá nhà hạ nhiệt. Tuy nhiên, đây vẫn là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, giới chuyên gia kỳ vọng các chính sách gỡ vướng, hỗ trợ doanh nghiệp được đẩy mạnh, từ đó tăng tốc độ hoàn thiện dự án, cải thiện nguồn cung.
Sự tham gia của những doanh nghiệp hàng đầu chính là nền tảng để nguồn cung nhà giá rẻ được cải thiện. Bên cạnh đó, cần xem xét có các chính sách cho vay linh hoạt, giảm lãi suất cho người mua nhà có nhu cầu ở thật đang chiếm đa số. Khơi thông nguồn cung, đồng thời tăng ưu đãi về lãi suất vay mua nhà chính là yếu tố cốt lõi để bình ổn giá nhà.
Hưng Nguyên
Link gốc