VN-Index liên tục giảm điểm sau khi tiến sát ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Cùng với đó, những tín cảnh báo rủi ro dần xuất hiện. Các chuyên gia nhận định, thị trường không còn thuận lợi như trước và tiềm ẩn rủi ro tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới.
Tuần qua (1-5/4), VN-Index đã trải qua những phiên biến động mạnh kéo chỉ số chính giảm 2,3%, đóng cửa ở mức 1.255,1 điểm. Đáng chú ý, khối ngoại đã bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng, đánh dấu tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp.
VN-Index gặp nhiều áp lực
Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND vượt đỉnh lịch sử và hướng tới mốc 25.000 đồng/USD bất chấp nỗ lực hút ròng của Ngân hàng Nhà nước thông qua kênh OMO cũng khiến tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng.
VN-Index liên tục giảm điểm sau khi tiến sát ngưỡng kháng cự 1.300 điểm.
Theo ông Ngô Minh Đức, Founder Công ty cổ phần Đầu tư tài chính LCTV, đà giảm của VN-Index được kích hoạt bởi một số yếu tố ngắn hạn như: Tỷ giá USD đang tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau thời gian hút mạnh tín phiếu, nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tục bán ròng thời gian qua, lượng margin của các công ty chứng khoán đang ở mức cao và thị trường tăng liên tục từ tháng 11/2023 nhưng chưa có một nhịp điều chỉnh nào đáng kể khiến cho định giá nhiều nhóm ngành, cổ phiếu đang ở mức rất cao.
Về bối cảnh quốc tế, CPI của Mỹ tháng 2 tăng cao hơn dự báo, do đó việc kỳ vọng vào khả năng FED sẽ hạ lãi suất ngay trong quý II này càng khó khăn. Đặc biệt, giá vàng và giá dầu đang tăng cao thời gian qua có thể khiến CPI tháng 4, tháng 5 này tăng lên mức 4,5% (so với mức 3,9%) hiện tại.
"Với mức CPI tăng cao có thể khiến Ngân hàng Nhà nước khó tiếp tục hạ lãi suất, kịch bản các ngân hàng thương mại cổ phần lần lượt tăng lãi suất tiết kiệm trở lại cũng cần được tính đến", ông Ngô Minh Đức cho hay.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng thị trường đã tăng nhiều kể từ cuối năm ngoái mà chưa có nhịp điều chỉnh đáng kể. Vùng 1.280-1.300 là vùng kháng cự rất mạnh và không dễ vượt qua ngay trong ngắn hạn. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng mạnh gây áp lực đáng kể đến thị trường. Tỷ giá lên cao nhất lịch sử, giá vàng tăng mạnh cũng gây những biến động tiềm tàng cho thị trường.
Trước đó, các chuyên gia đồng thuận nhận định trường hợp thị trường điều chỉnh là bình thường khi chỉ số đã trải qua 5 tháng tăng liên tiếp. Bởi nhìn về dài hạn, triển vọng thị trường vẫn rất sáng nhờ yếu tố nâng hạng thị trường sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài, sự phát triển của nền kinh tế, yếu tố FED có thể chưa giảm lãi suất trong kỳ tháng 6 tới nhưng giai đoạn thắt chặt tiền tệ đã qua và hiện chỉ chờ tới giai đoạn nới lỏng. Đây là những động lực chính sẽ giúp thị trường tiếp tục đi lên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy với niềm tin "thị trường chỉnh là cơ hội mua", nhiều nhà đầu tư bắt đáy vội vã đã bị mắc kẹt trong những “phiên bulltrap”.
Đối chiếu với bối cảnh hiện nay, thị trường liên tục giảm điểm sau khi tiến sát ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Nhiều cổ phiếu không giữ được xu hướng tăng, thậm chí hình thành mô hình phân phối và điều chỉnh trong ngắn hạn. Những tín cảnh báo rủi ro dần xuất hiện, hiện tại VN-Index đã lùi dưới đường MA(20). Với những tín hiệu này, thị trường không còn thuận lợi như trước và tiềm ẩn rủi ro tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới.
Nhà đầu tư nên làm gì?
Với những cảnh báo rủi ro dần xuất hiện, các chuyên gia đã thay đổi quan điểm và nhận định nhịp điều chỉnh mới chỉ bắt đầu, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm và test ở vùng hỗ trợ 1.240-1.245 trước đó. Đồng thời, xu hướng giảm của VN-Index nhiều khả năng sẽ được xác lập nếu thị trường diễn biến không tốt ở vùng này.
Ông Ngô Minh Đức dự báo khả năng VN-Index có thể điều chỉnh ngắn hạn 60-80 điểm về tới vùng 1.200-1.220 điểm. Trong kịch bản những tin tức tiêu cực xuất hiện nhiều hơn và hiện tượng giải chấp diễn ra khi margin đang ở mức cao thì cũng cần tính tới khả năng chỉ số về dưới mốc 1.100 điểm.
“Thị trường tích luỹ ở đỉnh với khối lượng lớn như hiện tại thì có thể sẽ khiến nhiều cổ phiếu giảm 15-20%, tương đương 2 - 3 phiên giảm sàn, lúc này lượng margin cao có thể kích hoạt tình trạng call/forcesell chéo khá là nguy hiểm”, Founder LCTV nhấn mạnh.
Còn ông Huy cho rằng thị trường đã trải qua chuỗi tăng dài và thị trường nếu cần vài tuần hoặc lâu hơn để tìm điểm cân bằng mới, tích lũy trở lại cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn về xu hướng thì các trụ cột của thị trường giá lên cần được đánh giá cẩn trọng.
“Đối với một thị trường phân hóa như trong thời gian qua và chịu tác động của nhiều cổ phiếu lớn thanh khoản không quá lớn, điểm số cũng không quá quan trọng, quan trọng là thị trường cần tìm được điểm cân bằng mới và các yếu tố vĩ mô cần sớm cân đối. Hỗ trợ gần nhất của thị trường quanh 1.240 điểm, hỗ trợ mạnh quanh ngưỡng 1.200 điểm. Trong khi đó vùng kháng cự mạnh là vùng 1.280-1.300 điểm”, ông Huy nói.
Với các số liệu hiện tại, ông Trần Lâm Bình, chuyên gia phân tích từ Học viện New World Education cho biết, chỉ số có thể đạt được điểm cân bằng mục tiêu ở vùng 1.245 điểm, tức có thể giảm thêm 10 điểm nữa. Tuy nhiên, nhìn vào đồ thị kỹ thuật, vùng hỗ trợ tiềm năng nằm ở vùng 1.235 điểm, tương đương mức giá trung bình 50 ngày. Vì vậy, khả năng VN-Index sẽ còn tiếp tục điều chỉnh 10-20 điểm để lui về vùng 1.235-1.245 điểm.
Với quan điểm thị trường sẽ có một đợt giảm mạnh trong tháng 4, nhiều ý kiến khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng chưa vội "bắt đáy" sớm trong giai đoạn này, nhất là khi tỷ giá chưa hạ nhiệt. Bên cạnh đó, nhà đầu tư "kẹp hàng" nên cân nhắc hạ tỷ trọng, bởi nếu "cầm" sai cổ phiếu sẽ chịu áp lực rất lớn. Khi thị trường giảm điểm, nhà đầu tư nên mở vị thế Short để kiếm lợi nhuận thay vì trung bình giá giảm, hoặc ít ra nên có hành động bán ra sớm và mua lại sau khi giá đã giảm một thời gian.
“Nhà đầu tư cần kiên nhẫn quan sát lực cầu của thị trường ở vùng hỗ trợ quanh 1.230 điểm cũng như chờ đợi thị trường xác lập vùng cân bằng ngắn hạn trước khi đưa ra quyết định giải ngân mới. Ngược lại, đối với nhà đầu tư có tỷ lệ đòn bẩy cao, cần tuân thủ kỷ luật và canh các nhịp hồi phục để hạ tỷ trọng đòn bẩy nhằm kiểm soát rủi ro danh mục đầu tư”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT khuyến nghị.