Nếu thực sự Tokyo đã can thiệp, việc đó sẽ mở ra một cuộc chiến kéo dài với thị trường tài chính - nơi các nhà đầu cơ đang thấy có rất nhiều lý do để bán yên...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Nhà chức trách Nhật Bản có vẻ như đã “câu giờ” và giải toả bớt áp lực mất giá đồng yên sau khi được cho là đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tuần vừa rồi. Tuy nhiên, nếu thực sự Tokyo đã can thiệp, việc đó sẽ mở ra một cuộc chiến kéo dài với thị trường tài chính - nơi các nhà đầu cơ đang thấy có rất nhiều lý do để bán yên.
Theo hãng tin Reuters, các nhà giao dịch ước tính rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã bán ra gần 59 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ trong tuần vừa rồi. Nhờ đó, đồng yên có tuần tăng giá mạnh nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây.
Sau khi chạm đáy của 34 năm ở mức 160,245 yên đổi 1 USD vào hôm thứ Hai, đồng yên đã hoàn tất tuần giao dịch với mức tăng 5%. Hiện tại, nhà chức trách vẫn chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận thông tin cho rằng đã có sự can thiệp vào thị trường ngoại hối.
CUỘC THỬ THÁCH CHƯA DỪNG LẠI
Sự tăng giá của đồng yên trong tuần vừa rồi diễn ra trong bối cảnh thị trường nhất mực bi quan về triển vọng tỷ giá của đồng tiền này, xét đến khoảng cách rộng giữa lãi suất siêu thấp của Nhật Bản và lãi suất còn cao ở các nền kinh tế lớn khác. Trong suốt tuần, tỷ giá yên so với USD đã có sự giằng co dữ dội, có lúc nhảy gần 5 yên/USD chỉ trong vòng vài phút và ngay sau đó để mất phần lớn thành quả tăng này.
“Chưa có điều gì thực sự thay đổi. Tôi cho rằng đây chỉ là một sự tạm ngừng và thị trường sẽ lại tiếp tục cuộc thử thách đối với BOJ”, ông Rob Carnell, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng ING, nhận định với Reuters. Ông cho rằng đồng yên đã trở thành “giấc mơ của nhà giao dịch” vì họ có thể dễ dàng kiếm tiền bằng cách dùng USD để mua yên, chờ yên tăng giá khi BOJ can thiệp để hỗ trợ yên, rồi bán yên ra để hiện thực hoá lợi nhuận.
“Bạn sẽ bị coi là hâm nếu không thử thách nhà chức trách, vì bạn thừa biết sẽ đến lúc họ phải can thiệp vào thị trường”, ông Carnell nhận định.
Trước khi bị cho là can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tuần vừa rồi, nhà chức trách Nhật đã có các đợt can thiệp vào tháng 9-10/2022, chi tổng cộng hoảng 60 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ. Ở thời điểm đó, đồng yên rớt giá về ngưỡng 152 yên đổi 1 USD. Nhưng chỉ 2 tháng sau khi việc can thiệp diễn ra, yên trở lại với xu hướng trượt giá. Cho đến khi chạm đáy kể từ năm 1990 vào tuần vừa rồi, giá trị của đồng yên so với USD đã “bốc hơi” 20% kể từ đợt can thiệp đó.
“Do khoảng cách lãi suất còn lớn, các nhà đầu cơ sẽ tiếp tục nhằm vào đồng yên”, nhà quản lý danh mục cấp cao Kaspar Hense của công ty BlueBay Asset Management phát biểu. Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giữa Mỹ và Nhật Bản hiện ở mức gần 4 điểm phần trăm.
Theo ông Ben Bennett, chiến lược gia đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty Legal and General Investment Management, nói rằng Bộ Tài chính Nhật Bản - cơ quan có sứ mệnh quản lý tỷ giá đồng yên - thừa hiểu trạng thái chính sách tiền tệ đang chống lại đồng yên, và cơ quan này chỉ hành động để kiềm chế tốc độ mất giá của yên. “Việc can thiệp đi kèm với một cái giá, và tôi cho rằng Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ không muốn ném tiền vào một mục tiêu cụ thể nào đó”, ông nói.
NHỮNG MỐC TỶ GIÁ QUAN TRỌNG
Cho dù BOJ đã có động thái mang tính cột mốc là chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 3 năm nay, yên vẫn là đồng tiền lớn rẻ nhất trên thế giới để vay và bán khống. Giới phân tích nói rất khó để đưa ra dự báo về tỷ giá yên, nhưng có vẻ như 160 yên đổi 1 USD là một mốc tỷ giá mà BOJ muốn bảo vệ.
Chiến lược gia tiền tệ Hirofumi Suzuki của ngân hàng Sumitomo Mitsui cho rằng nhà chức trách Nhật Bản nhận thấy sự giảm giá của đồng yên sau cuộc họp tháng 3 của BOJ là “mang tính đầu cơ và không thể chấp nhận được”, và có thể họ muốn đưa đồng yên hồi phục về mức 155 yên đổi 1 USD như trước khi quyết định chấm dứt lãi suất âm được đưa ra.
Trưởng chiến lược tiền tệ Yujiro Goto của ngân hàng Nomura lại cho rằng nhà chức trách đơn thuần chỉ muốn bơm USD vào thị trường để tăng mức thanh khoản cho các doanh nghiệp nhập khẩu. “Tôi cho rằng mốc 150 yên/USD là lý tưởng đối với các nhà nhập khẩu Nhật Bản. Vùng tỷ giá 152-152,5 yên/USD có lẽ là ngưỡng mà Bộ Tài chính Nhật Bản muốn có được mà chưa đạt được, nên nhà chức trách có thể sẽ tiến hành thêm một đợt can thiệp nữa”, ông Goto phát biểu.
Kết thúc tuần vừa rồi, đồng yên đạt mức 152,9 yên tương đương 1 USD.
Các nhà đầu cơ tiền tệ cũng nhận thấy rằng khả năng can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng yên của Chính phủ Nhật Bản không phải là vô tận. Nước này có khoảng 1,3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối, nhưng chỉ có khoảng 155 tỷ USD trong số đó là tiền gửi USD.
Trong khi đó, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong mùa hè năm nay không còn nhiều, bởi tăng trưởng kinh tế và lạm phát Mỹ vẫn còn tương đối nóng. Trong bối cảnh như vậy, vị thế đầu cơ bán khống đồng yên đang ở mức cao nhất trong 17 năm.
Ông Fed Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của ngân hàng HSBC, nói rằng nhà chức trách Nhật Bản chỉ đang cố gắng chấm dứt tình trạng đầu cơ một chiều đối với đồng yên, thay vì bảo vệ bất kỳ một mốc tỷ giá cụ thể nào.
“Xét đến thực tế là lãi suất ở Mỹ sẽ giữ cao hơn lâu hơn, việc Nhật Bản can thiệp thực ra chỉ là một hành động quản lý kỳ vọng thay vì một biện pháp để đưa đồng yên hồi phục nhanh”, ông Neumann nói.
An Huy
Link gốc