Liên tục có những phiên tăng điểm cùng thanh khoản cải thiện nhờ đón nhận một số thông tin tích cực hỗ trợ, chuyên gia cho rằng rủi ro phần nào đã được giải tỏa, nhưng vẫn còn đó những tiềm ẩn mà nhà đầu tư cần chú ý theo dõi.
Thị trường chứng khoán vừa ghi nhận phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp sau khi VN-Index hình thành "đáy w nhỏ". Chốt phiên giao dịch ngày 7/5, VN-Index tăng lên 1.248 điểm.
Rủi ro tiềm ẩn
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 6/5, thị trường khởi động tuần mới đầy hào hứng với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip. VN-Index chốt tại đỉnh cao nhất phiên với mức tăng hơn 20,5 điểm, tương đương 1,68%, giúp VN-Index trở thành một trong những chỉ số tăng tốt nhất thế giới cùng ngày. Vốn hóa sàn HoSE theo đó cũng tăng thêm 83.500 tỷ đồng lên hơn 5,05 triệu tỷ đồng.
Điểm sáng là thanh khoản khớp lệnh trên HoSE cũng tăng mạnh hơn 30% so với phiên trước, lên 16.000 tỷ đồng. Thêm điểm cộng nữa là động thái mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài với hơn 240 tỷ đồng trên HoSE.
Chuyên gia cho rằng thị trường vẫn còn những tiềm ẩn mà nhà đầu tư cần chú ý theo dõi.
Giới phân tích nhận định thị trường chứng khoán hồi phục nhờ đón nhận một số thông tin hỗ trợ tích cực trong tuần qua. Đầu tiên là số liệu vĩ mô trong nước tháng 4 được công bố cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vẫn được giữ vững. Một số khía cạnh của nền kinh tế có chuyển biến tích cực như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư công. Diễn biến này củng cố cho kỳ vọng đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện trong những quý tới đây.
Đồng thời, việc chỉ số đô la Mỹ (DXY) và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đồng loạt giảm giúp giải tỏa phần nào áp lực đối với tỷ giá VND trong ngắn hạn.
Ông Đinh Quang Hinh,Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT nhận định, rủi ro "điều chỉnh tạo đáy hai sâu hơn đáy vừa qua" đã được giải tỏa. Theo đó, vùng đáy mới tạo lập quanh 1.150-1.170 điểm có thể là đáy của thị trường trong trung hạn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rủi ro vẫn còn đó và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ chỉ hạ lãi suất khi có dấu hiệu chắc chắn rằng lạm phát đang hạ nhiệt về mức mục tiêu 2%.
Bên cạnh đó, rủi ro xung đột căng thẳng địa chính trị trên thế giới cũng đáng lưu tâm. Căng thẳng leo thang tại Trung Đông và nguy cơ lan rộng các khu vực trên thế giới là mối đe doạ với sự ổn định trên toàn cầu, ảnh hưởng đến giá hàng hoá, chuỗi cung ứng…
Trong nước, các dữ liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy tín hiệu phục hồi nền kinh tế tiếp tục ổn định nhưng thực tế vẫn chưa theo kịp đà tăng của thị giá nhiều cổ phiếu thời gian qua. Điều này cho thấy dòng tiền đưa thị trường tăng cao thời gian qua chủ yếu là đầu cơ. Và khi dòng tiền rút đi, nhóm đầu cơ (chứng khoán, thép, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, cao su, hóa chất) có rủi ro cao. Chưa kể, sau nhịp hồi phục, các nhóm vốn hoá lớn có thể gặp áp lực điều chỉnh. Theo đó, chỉ số có khả năng bị tác động mạnh. Hơn nữa, thị trường đang tiền gần tới vùng kháng cự 1.230 điểm và áp lực bán có thể xuất hiện.
Mặt khác, khối ngoại đã bán ròng mạnh liên tiếp kể từ tháng 3 và nếu khối này tiếp tục duy trì đà bán ròng có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của chỉ số chung trong thời gian tới.
Nhà đầu tư nên hành động ra sao?
Với việc động lực hồi phục trong vài phiên gần đây của thị trường vẫn chưa đủ tin cậy, các chuyên gia khuyến nghị giai đoạn này, nhà đầu tư nên tập trung vào tái cơ cấu danh mục, duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải
“Với nhịp bùng nổ mạnh thì nhà đầu tư cũng không nên vội vàng hưng phấn, bởi khả năng có nhịp "bull trap" trong T+ rất dễ xảy ra. Nhịp điều chỉnh sẽ là thời điểm an toàn để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam lưu ý.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường đang chịu những yếu tố bất lợi, nhưng tổng thể xét dài hạn thì kinh tế vẫn trên đà hồi phục.
“Nhà đầu tư nên hạn chế hoạt động bắt đáy ngắn hạn để lướt sóng T+, vì thị trường vẫn đang trong quá trình điều chỉnh, cộng hưởng thêm những biến số. Nhà đầu tư cần kiên nhẫn chờ thị trường hấp thụ hết những tín hiệu tiêu cực trong ngắn hạn của nền kinh tế, thể hiện ở việc giá cân bằng trở lại, tạo một vùng đi ngang. Khi đó, chúng ta mới tiến hành giải ngân vào các nhóm ngành triển vọng để đón nhịp tăng mới”, chuyên gia của PHS nêu quan điểm.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Minh Hoàng, Trường phòng Phân tích Chứng khoán Nhất Việt (VFS), nhà đầu tư nên tập trung vào yếu tố kinh tế hơn là tiền tệ và sự hồi phục lợi nhuận của các nhóm ngành. Trong đó, nên chú ý đặc biệt tới nhóm bán lẻ khi có mức nền thấp và mức độ hồi phục lợi nhuận ấn tượng trong quý I/2024.
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán KIS chỉ ra một số nhóm cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể quan tâm trong giai đoạn tới: Bất động sản khu công nghiệp với câu chuyện từ sự gia tăng dòng vốn FDI, sự thay đổi trong Luật Đất đai; ngành hàng không với sự phục hồi của ngành du lịch và gỡ bỏ các hạn chế đi lại từ Trung Quốc; và vật liệu xây dựng với sự gia tăng trong các dự án hạ tầng và sự ấm lên với thị trường bất động sản.
Quan sát trên thị trường cũng cho thấy, dòng tiền vẫn tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu có nội lực tạo bởi nền tảng cơ bản và kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2024 sẽ có điều kiện để chuyển động nổi bật hơn so với sự hồi phục thiếu tin cậy của thị trường chung.
Trong khi đó, chiến lược mà một số chuyên gia khuyến nghị là mua cổ phiếu tốt với định giá hợp lý để hưởng cổ tức tiền mặt và triển vọng tăng giá trong tương lai. Các doanh nghiệp này có ngành nghề kinh doanh ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế.
Hải Giang
Link gốc