Mặc dù các doanh nghiệp bất động sản ghi nhận 3 tháng khởi đầu năm khá bi quan nhưng đa phần giới phân tích đều kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ phục hồi tốt hơn trong năm nay. Đồng thời, khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét mua vào các cổ phiếu bất động sản khi giá cổ phiếu có sự điều chỉnh và lựa chọn những doanh nghiệp có triển vọng tốt.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường địa ốc quý I ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý đầu năm cho thấy “sức khỏe” nhiều doanh nghiệp vẫn còn yếu với hàng loạt khoản lỗ kỷ lục được hé lộ.
Doanh nghiệp đặt tham vọng lớn
Điển hình, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã: DIG) có quý thua lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Quý I vừa qua, công ty lỗ sau thuế 121 tỷ đồng. Con số này còn cao hơn lợi nhuận cả năm 2023 (112 tỷ đồng) của DIC Corp.
Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi tốt hơn trong năm nay, từ đó tác động đến cổ phiếu nhóm ngành này.
CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) cũng gây chú ý với khoản lỗ ròng 77 tỷ đồng, quý lỗ duy nhất trong vòng 10 năm và là khoản lỗ lớn nhất ghi nhận trong một quý kể từ khi niêm yết (2013).
“Ông lớn” địa ốc Novaland (NVL) cũng không thoát khỏi tình cảnh khi báo lỗ ròng 567 tỷ đồng ngay trong quý đầu năm, mặc dù trước đó vừa thoát lỗ 2 quý.
Tương tự, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) ghi nhận lỗ gần 77 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 1.167 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp ghi nhận thua lỗ trong 3 tháng đầu năm còn có Nhà Thủ Đức (TDH) lỗ gần 1,7 tỷ đồng; Đầu tư LDG (LDG) lỗ ròng gần 125 tỷ đồng - quý thứ 6 thua lỗ liên tiếp.
Không lỗ nhưng CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) cũng có quý kinh doanh “buồn” khi doanh thu giảm 21% xuống 334 tỷ đồng và lãi ròng giảm 68% xuống 63,3 tỷ đồng. Doanh nghiệp có quý thứ 2 liên tiếp lợi nhuận xuống dưới 100 tỷ đồng – tình trạng rất hiếm gặp kể từ 2016 đến nay.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, như Khải Hoàn Land (KHG) lãi sau thuế 13 tỷ đồng, sụt giảm 77%; Văn Phú Invest (VPI) lãi sau thuế 70 tỷ đồng, giảm 77%; "ông lớn" Vinhomes (VHM) cũng ghi nhận lợi nhuận sụt 93% so với cùng kỳ…
Mặc dù khởi đầu năm khá bi quan nhưng trong Đại hội cổ đông năm nay, đa số doanh nghiệp bất động sản vẫn thể hiện tâm lý lạc quan qua việc mạnh dạn đặt những kế hoạch kinh doanh tham vọng.
Điển hình là Novaland, DIC Group, Kinh Bắc, Khải Hoàn Land… Với Vinhomes, dù không kỳ vọng bứt phá như các công ty trên nhưng cũng lên kế hoạch lạc quan với mục tiêu doanh thu cao nhất mà nhà phát triển bất động sản này từng đặt ra.
Trên thực tế, rất nhiều công ty đã “vỡ” kế hoạch, thậm chí tiếp tục duy trì mức lỗ lớn, song nhìn chung việc đặt ra mục tiêu lớn vẫn mang đến kỳ vọng cho cổ đông.
Cổ phiếu được dòng tiền ưu ái
Theo quan sát, trên thị trường, sau khi nhóm doanh nghiệp bất động sản công bố kết quả kinh doanh gây thất vọng trong quý I vừa qua, nhóm cổ phiếu này đã có dấu hiệu bị “chốt lời” nhưng sau đó cũng nhanh chóng hồi phục trở lại. Nhìn rộng hơn từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu địa ốc vẫn nằm trong nhóm tăng giá khá tốt của thị trường.
Một số mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng khá ổn như VIC, KDH, VPI, NLG, KSF, TCH, QCG, NTL, TIG, NBB, CKG… Trong đó, TCH (Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy) và QCG (Quốc Cường Gia Lai) là hai mã bất động sản đang phục hồi vượt trội hơn trong nhóm bất động sản. TCH đã tăng 20% so với thời điểm giữa tháng 4/2024, về lại vùng giá 18.000 đồng/cp; QCG cũng về lại vùng giá sát 17.000 đồng/cp. Còn cổ phiếu KDH nằm trong top được khối ngoại mua ròng mạnh trong 3 phiên liên tiếp gần nhất.
Đánh giá về toàn cảnh, đa phần giới phân tích đều kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ phục hồi tốt hơn trong năm nay. Theo Chứng khoán MBS, động lực đến từ 3 Luật quan trọng (Nhà ở, Đất đai, Kinh doanh bất động sản) đã dược thông qua cùng các thông tư, nghị định góp phần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; các chính sách tín dụng dần được nới lỏng, lãi suất cho vay giảm.
Dù vậy, nguồn cung trong năm 2024 – 2025 vẫn bị thắt chặt do các bộ luật vẫn cần đợi hệ thống văn bản hướng dẫn. Chứng khoán MBS kỳ vọng các doanh nghiệp đang có dự án có thể mở bán và quỹ đất sạch được hưởng lợi trong giai đoạn này.
“Dù ở kịch bản nào thì thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại đã tốt hơn 2 năm trước”, đánh giá này của PGS-TS. Trần Kim Chung, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phần nào khái quát bức tranh địa ốc nói chung lúc này, bởi “tốt hơn” cũng đồng nghĩa với việc có cơ hội “lấy lại những gì đã mất” sau thời gian dài khó khăn vừa qua.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ bất động sản Eximrs nhìn nhận, thị trường bất động sản bước sang năm 2024 với nhiều diễn biến tích cực hơn và điều dễ nhận thấy nhất là hoạt động giao dịch đang tăng trở lại. Các yếu tố tác động mạnh mẽ đến thị trường gồm hành lang pháp lý, chính sách lãi suất, cơ sở hạ tầng… đều đang vận động theo hướng thuận lợi.
“Niềm tin với thị trường bất động sản đang trở lại, chu kỳ mới đang mở ra cơ hội cho các thành viên thị trường”, bà Tú nói.
Chia sẻ với cổ đông tại đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo của các doanh nghiệp bất động sản đều có cái nhìn lạc quan về triển vọng thị trường.
Bà Nguyễn Thu Hằng, Tổng giám đốc Vinhomes cho rằng tốc độ hồi phục của thị trường có thể không nhanh như kỳ vọng, nhưng nhu cầu nhà ở tại Việt Nam vẫn rất lớn. Trong đó, xu hướng đô thị hoá mạnh mẽ và phát triển hạ tầng tại các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nhà ở tăng cao.
Hiện tại, nhiều cổ phiếu bất động sản đang giao dịch ở mức P/B thấp hơn so với mức P/B trung bình trong vòng 5 năm qua. Chứng khoán KBSV khuyến nghị các nhà đầu tư có thể xem xét mua vào các cổ phiếu bất động sản khi giá cổ phiếu có sự điều chỉnh và lựa chọn những doanh nghiệp có triển vọng tốt với quỹ đất sạch lớn có đầy đủ pháp lý, có các dự án đang triển khai và mở bán và cơ cấu tài chính an toàn. Các cơ hội đầu tư đáng chú ý là những cổ phiếu như VHM, KDH, NLG, DXG.
Hải Giang
Link gốc