Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đang được triển khai theo mô hình công ty TNHH một thành viên được kỳ vọng là kênh tín dụng hỗ trợ tích cực cho nhiều HTX và thành viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Nhưng bên cạnh đó, HTX cũng mong muốn một số quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được thực tế hơn để giúp HTX có thêm cơ hội đầu tư kinh doanh.
Hiện nay, nhu cầu vốn của các HTX là không hề nhỏ. Trong khi vay vốn từ các ngân hàng, HTX gặp không ít khó khăn về hoàn thiện thủ tục, đáp ứng các quy định cho vay. Chính vì vậy, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được coi là kênh vay vốn hiệu quả, phù hợp hơn đối với các HTX.
Làm lỡ cơ hội của HTX
Đặc biệt, từ khi Nghị định 45/2021/NĐ-CP có hiệu lực đã khắc phục phần nào vấn đề về lãi suất. Bởi “Hoạt động cho vay của Quỹ HTX đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ và khách hàng, phù hợp với quy định tại Nghị định này”. Do đó, các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thành lập mới hoặc đăng ký lại đều phải có cơ chế lãi suất linh hoạt mới bảo toàn, tích lũy và phát triển nguồn vốn của Quỹ và cũng mở ra cơ hội về lãi suất cho các HTX khi tiếp cận.
Vậy nhưng, qua quá trình làm hồ sơ, nhiều HTX vẫn nhận thấy những bất cập khiến việc tiếp Quỹ hỗ trợ phát triển HTX bị chậm lại. Ông Tạ Viết Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX nông trại xanh và phát triển Bò Ba Vì (Hà Nội) cho biết, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX vay HTX 500 triệu đồng nhưng yêu cầu phải thông qua hội đồng Quỹ với thời gian xét duyệt kéo dài mấy tháng liền rất dễ gây nhỡ nhàng cho HTX trong đầu tư. Chưa kể, muốn vay vốn từ Quỹ cần phải có xác nhận từ Liên minh HTX thành phố là thêm rắc rối cho HTX.
Là một trong những Quỹ được coi là lớn mạnh và hoạt động tương đối hiệu quả trên cả nước hiện nay nhưng ông Trần Ngọc Hưng, Giám đốc Quỹ trợ vốn xã viên HTX TP HCM, cho biết vẫn còn những bất cập mà cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ KHĐT cần sửa đổi cho phù hợp hơn.
Quỹ hỗ trợ phát triển HTX là kênh huy động vốn của nhiều HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác.
Cụ thể là tại Khoản 2, Điều 42 Luật HTX năm 2023 quy định: Hồ sơ đăng ký thành lập Quỹ bao gồm: “Giấy đề nghị đăng ký thành lập”. Còn Khoản 6, Điều 43 Luật Hợp tác xã năm 2023 quy định phải có “giấy đề nghị đăng ký thành lập” trong đó có ghi rõ nội dung về ngành, nghề kinh doanh, chữ ký của thành viên.
“Nếu áp dụng quy định này thì Quỹ trợ vốn xã viên HTX ở TP.HCM có trên 109.000 thành viên góp vốn không thể thực hiện được việc thu thập đầy đủ chữ ký của thành viên”, ông Trần Ngọc Hưng cho biết.
Ngoài ra, theo Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ được thành lập một Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, không kinh doanh giống như các HTX mà thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao. Như vậy, quy định có nội dung ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký thành lập là thừa, không cần thiết.
Ông Phạm Công Bằng, Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam, cho biết trong thực tế, đa phần các Quỹ chỉ cho vay đầu tư và chỉ cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX trong khi nhu cầu của các tổ hợp tác là không hề nhỏ. Trong khi đối với HTX, việc vay vốn lưu động là cấp bách hơn còn vay vốn đầu tư phải trải qua các quy định khắt khe, chịu sự chi phối của rất nhiều quy định pháp lý nên không đáp ứng các nhu cầu phát triển của HTX, kể cả HTX tham gia những dự án lớn.
Dù Nghị định 45 đã tạo hành lang cho các Quỹ hoạt động an toàn theo hướng công ty TNHH một thành viên, tạo sự chặt chẽ, minh bạch nhưng qua thực tế tại các địa phương cho thấy, việc triển khai nghị định hiện còn hạn chế nhất định. Chính vì vậy, việc HTX được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX vẫn chưa lớn.
Bà Vũ Thị Kim Nga, Phó Giám đốc Liên Hiệp HTX Saigon Co.op cho biết, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX là kênh vay phù hợp trong khu vực kinh tế tập thể vì phục vụ chính các HTX, Liên hiệp HTX. Cả nước đã có trên 50 quỹ nhưng nhìn chung nguồn vốn của các Quỹ còn thấp nên không đáp ứng được hết nhu cầu vay vốn của các HTX, liên hiệp HTX.
Mô hình linh hoạt
Có thể thấy, mô hình Quỹ hỗ trợ phát triển HTX không mới bởi ngoài Quỹ trung ương còn có 51 Quỹ ở địa phương đang hoạt động. Việc thành lập Quỹ hướng tới đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng lợi ích chính đáng của HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác và đông đảo thành viên, đặc biệt là qua đó, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp. Song, để nguồn Quỹ này trở thành chìa khóa hiện thực hóa chính sách hỗ trợ tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX thì cần một mô hình hoạt động phù hợp hơn nữa.
Khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, nhu cầu vốn tín dụng bình quân một năm của các HTX, tổ hợp tác khoảng 250 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ. Vì lẽ đó, ông Tạ Viết Hùng cho rằng Chính phủ, các ban ngành cần cắt giảm các thủ tục không cần thiết để HTX tiếp cận vốn. Trong khi đối với HTX, càng phức tạp càng làm khó HTX tiếp cận vốn. Ngoài việc nâng định mức cho vay thì cũng cần xem xét bỏ quy định thông qua Hội đồng xét duyệt của Quỹ và vay vốn cần có xác nhận của Liên minh tỉnh thành phố, tỉnh. Những điều này là không cần thiết vì HTX đã có giấy chứng nhận là thành viên của Liên minh HTX tỉnh, thành khi thành lập.
Ông Tạ Viết Hùng cũng cho biết để tăng cơ hội tiếp cận vốn từ Quỹ, các HTX cần tập trung vào làm chuỗi vì HTX vốn manh mún, nhỏ lẻ. Mỗi chuỗi làm tốt một số công đoạn để tạo thành một mắt xích trong chuỗi. HTX cũng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao khả năng cạnh tranh đi đôi với dự báo thị trường để chủ động sản xuất.
Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông, cho biết hiện nay, vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX xã tỉnh là 8 tỷ đồng, từ năm 2022 đến nay Quỹ không được bổ sung nguồn vốn vì kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đã được phân bổ hết cho các chương trình dự án và ngân sách tỉnh không còn nguồn để bổ sung.
Do vướng mắc ở vấn đề bổ sung vốn điều lệ đến năm 2024 đáp ứng tối thiểu 20 tỷ đồng (theo quy định tại Nghị định số 45/2021/NĐ-CP), nhưng đến nay Liên minh HTX tỉnh nhiều lần trình UBND tỉnh vẫn chưa có chủ trương đồng ý cho chuyển đổi mô hình hoạt động.
Trong khi, Nghị định số 45/NĐ-CP đã nêu, việc chuyển đổi mô hình Quỹ theo mô hình công ty TNHH một thành viên nhằm thuận lợi trong quản lý, điều hành cũng như đảm bảo tính thống nhất, liên kết hệ thống Quỹ trên địa bàn cả nước. Do đó, các chuyên gia cho rằng việc tạo điều kiện cho các Quỹ tại địa phương chuyển đổi cần được sự hỗ trợ đắc lực từ phía các địa phương. Và khi các địa phương vào cuộc cũng sẽ giúp các Quỹ đa dạng phương thức bổ sung nguồn vốn, thay vì chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn từ Nhà nước cấp.
GS.TS Nguyễn Trọng Cơ (Học Viện tài Chính), cho biết Chính phủ và các bộ ngành cần ban hành quy định cho phép Quỹ địa phương và quỹ trung ương áp dụng cơ chế cho vay không tài sản đảm bảo đối với HTX nông nghiệp và thành viên theo quy định tại Nghị định 55/2025/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó cần ban hành các quy định tạo điều kiện cho Quỹ Trung ương, địa phương huy động vốn ngoài ngân sách từ chương trình, dự án, nguồn tài trợ trong, ngoài nước. Điều này giúp các Quỹ tự tin hơn trong hoạt động cho vay, hỗ trợ vốn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Huyền Trang-Link gốc