Sự kiện VN-Index vượt đỉnh hôm qua đã tạo hào hứng nhất định trong phiên sáng nay, nhưng không có đà tăng nối tiếp rõ rệt. Thị trường mạnh nhất ngay sau khi mở cửa, nhưng từ đó trở đi suy yếu dần. VN-Index từ chỗ tăng gần 6 điểm đã co lại còn 1,08 điểm...
Nhóm cổ phiếu trụ lại thiếu đồng thuận khiến VN-Index mất quán tính tăng.
Sự kiện VN-Index vượt đỉnh hôm qua đã tạo hào hứng nhất định trong phiên sáng nay, nhưng không có đà tăng nối tiếp rõ rệt. Thị trường mạnh nhất ngay sau khi mở cửa, nhưng từ đó trở đi suy yếu dần. VN-Index từ chỗ tăng gần 6 điểm đã co lại còn 1,08 điểm.
Độ rộng thị trường cũng diễn biến phù hợp với nhịp trượt dốc trong phiên. Khoảng 5 phút sau khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, độ rộng rất mạnh với 263 mã tăng/49 mã giảm, nhưng đến 10h chỉ còn 187 mã tăng/180 mã giảm. Đây cũng là thời điểm VN-Index tạo đáy, giảm nhẹ 0,8 điểm. Chốt phiên sáng, chỉ số ghi nhận 211 mã tăng/192 mã giảm.
Tình thế giằng co cho thấy thị trường vẫn khá thận trọng, thay vì hưng phấn quyết liệt. Áp lực chốt lời vẫn xuất hiện khi thanh khoản HoSE tăng khoảng 13% so với sáng hôm qua và cổ phiếu tụt giá trên diện rộng. Thống kê ở sàn này, xấp xỉ 44% tổng số cổ phiếu có phát sinh giao dịch đã tụt giá từ 1% trở lên so với đỉnh đầu ngày.
Dù vậy độ rộng thể hiện mức độ phân hóa cân bằng và phân bổ thanh khoản ở nhóm tăng giá chiếm 58% tổng giá trị khớp ở HoSE, trong khi nhóm giảm giá chiếm gần 31%. Nói cách khác, nhà đầu tư chốt lời nhưng vẫn chọn vùng giá xanh và bán không ép giá quá mức.
VN30-Index chốt phiên sáng đã giảm 0,11 điểm với độ rộng 12 mã tăng/14 mã giảm. Nhóm này khá yếu khi chỉ có 3 mã vốn hóa trung bình là khá mạnh: POW tăng 2,14%, MBB tăng 1,95% và TPB tăng 1,63%. Đầu phiên tất cả 30 mã trong rổ blue-chips đều tăng giá, nhưng đến cuối phiên một nửa đã đỏ. Tới 14 mã đã trượt giá quá 1% chỉ trong buổi sáng. FPT lao dốc mạnh nhất, mất 2,09% so với đỉnh đầu ngày và chốt phiên giảm 0,76% so với tham chiếu. VPB ban đầu cũng tăng 2,02%, hiện đã rơi trở lại tham chiếu. PLX, BVH, BCM, SSI, VRE trượt sâu. Thậm chí nhóm mạnh nhất nói trên cũng không mã nào giữ được mức đỉnh.
VN-Index bùng nổ vượt đỉnh kỹ thuật hôm qua là nhờ có nhóm trụ đột nhiên cộng hưởng mạnh lên trong 30 phút cuối. Sáng nay nhóm trụ phân hóa đã ngay lập tức hạ nhiệt đà tăng của chỉ số. HPG, TCB, VHM, FPT, VIC là các trụ thuộc top 10 vốn hóa giảm giá. 4 cổ phiếu lớn còn lại tăng rất kém, mạnh nhất là BID cũng chỉ +0,31%.
Phần còn lại của thị trường cũng không quá sôi động, toàn sàn HoSE chỉ có 75 mã tăng được hơn 1%. Tuy nhiên nhóm này có nhiều mã thanh khoản tốt, tổng nhóm chiếm khoảng 40,3% giao dịch sàn HoSE. MBB, TPB, DIG, PDR, CTR là những cổ phiếu có dòng tiền tốt nhất, thanh khoản từ 200 tỷ tới trên 500 tỷ đồng. Ngoài ra có 7 cổ phiếu khác thanh khoản trong tầm 100 tỷ đồng. Tổng thể, trong 75 cổ phiếu tăng mạnh nhất thì chỉ một nửa đạt thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên.
Ở phía giảm giá, sức ép bán ra tuy đẩy cả trăm mã rơi xuống vùng đỏ nhưng biên độ giảm vẫn hạn chế. VN-Index mới có 57 mã giảm quá 1% với tỷ lệ tập trung thanh khoản rất thấp, chỉ chiếm 5,1% giao dịch của sàn. Vài giao dịch lớn là KDC giảm 4,28% thanh khoản 34,5 tỷ đồng; SAB giảm 2,09% với 65,9 tỷ; VOS giảm 1,49% với 37,3 tỷ; BVH giảm 1,3% với 37,2 tỷ; IJC giảm 1,25% với 45,3 tỷ; ORS giảm 1,2% với 38,6 tỷ; HAG giảm 1,06% với 94,2 tỷ.
Nhà đầu tư nước ngoài có vẻ không coi trọng việc VN-Index có đỉnh cao mới, sáng nay vẫn bán ròng tới 550,8 tỷ đồng trên sàn HoSE. Thậm chí khối này tăng bán 18% so với sáng hôm qua. Rổ VN30 ghi nhận mức bán ròng 487,6 tỷ đồng với loạt mã đáng chú ý là FPT -294,9 tỷ đồng, MWG -81,5 tỷ, HPG -60,7 tỷ, VHM -60 tỷ, VRE -49,9 tỷ, CTG -30,8 tỷ, VNM -28,6 tỷ, TCB -23 tỷ. Bên mua có MBB +154,6 tỷ, MSN +43,9 tỷ, TPB +37,5 tỷ, CTR +29,1 tỷ.
Hiện tượng giằng co trong giao dịch và VN-Index lùi lại xuống dưới ngưỡng 1.300 điểm trong thời gian ngắn cho thấy thị trường vẫn cần phải hấp thụ lượng chốt lời. Sự kiện vượt đỉnh vốn được xem là yếu tố kỹ thuật quan trọng, nhưng quán tính tăng suy giảm khá nhanh thể hiện sự thận trọng vẫn còn.
Kim Phong-Link gốc