Mới đây, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) chính thức công bố quyết định bổ nhiệm hàng loạt nhân sự cấp cao nhằm củng cố bộ máy lãnh đạo.
Xây dựng Hòa Bình bổ nhiệm loạt nhân sự cấp cao
Theo đó, ông Lê Văn Viên được bổ nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc; ông Lê Trung Kiên giữ chức Chánh Văn phòng Hội đồng Quản trị (HĐQT); bà Nguyễn Kim Loan đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Tài chính Kế toán; bà Phan Thị Cẩm Hằng trở thành Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Kế toán; ông Lê Minh Huy giữ vị trí Giám đốc Khối Kinh doanh; bà Lê Thị Phương Uyên là Giám đốc Khối Nội chính; và ông Phạm Nguyên Cường giữ chức Giám đốc Khối Kiểm soát.
Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC, cho biết: "Mỗi sự thay đổi sẽ là một luồng gió mới, các nhân sự trên đã có thời gian gắn bó, trưởng thành và sẻ chia cùng Hòa Bình. Đây là cơ hội để họ tiếp tục phát huy năng lực, đồng hành và góp sức đưa công ty vững mạnh hơn.”
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024
Trước đó, ngày 10/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 649/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính 190 triệu đồng đối với Hòa Bình.
Cụ thể, công ty bị phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Các vi phạm bao gồm việc công bố chậm trễ các tài liệu như BCTC riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán; BCTN năm 2022; Thông báo thay đổi thành viên HĐQT; Giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau soát xét đối với BCTC riêng và hợp nhất bán niên năm 2022; và BCTC riêng và hợp nhất Quý 4/2022.
Tiếp đó, HBC bị phạt 125 triệu đồng do vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan. Cụ thể, công ty đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông Lê Viết Hải mà chưa được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT thông qua.
Còn nhớ vào ngày 23/5/2023, hơn 274 triệu cổ phiếu HBC bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên chiều) do công ty chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Đến ngày 19/1/2024, hơn 274 triệu cổ phiếu HBC mới được HoSE đưa ra khỏi diện chứng khoán bị hạn chế giao dịch, cho phép giao dịch toàn thời gian. Tuy nhiên đến nay, cổ phiếu HBC vẫn bị đặt vào diện kiểm soát.
Trong phiên ngày 19/1, cổ phiếu HBC tăng trần lên mức 9.280 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh đạt 3,6 triệu đơn vị. Đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong 5 tháng qua. Kết phiên giao dịch ngày 14/6/2024, cổ phiếu HBC dừng lại ở giá 7.790 đồng, giảm 16% so với 5 tháng trước.
Diễn biến cổ phiếu HBC vào ngày 14/6/2024
Một diễn biến khác, Xây dựng Hòa Bình vừa công bố danh sách chủ nợ để phân phối cổ phiếu riêng lẻ hoán đổi nợ. Theo đó, 99 nhà thầu phụ, đối tác, và nhà cung cấp đã chấp nhận trở thành cổ đông của HBC bằng cách đổi nợ lấy cổ phiếu (10.000 đồng nợ đổi 1 cổ phiếu).
Tổng nợ HBC hoán đổi trong đợt này là 730 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Đầu tư Thương mại SMC là chủ nợ lớn nhất, chấp nhận hoán đổi 104,8 tỷ đồng nợ, dự kiến sở hữu 3,018% cổ phần tại HBC sau khi phát hành.
CTCP Máy xây dựng MATEC đồng ý hoán đổi 88,7 tỷ đồng tiền nợ. MATEC dự kiến sẽ sở hữu 2,555% cổ phần Công ty Xây dựng Hòa Bình.
Kết thúc quý 1/2024, tổng nợ phải trả của HBC đạt hơn 14.700 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay giảm 5%, còn gần 4.500 tỷ đồng. Công ty vẫn ghi nhận các khoản phải thu lớn, với hơn 10.200 tỷ đồng, và phải trích lập dự phòng 2.387 tỷ đồng cho các khoản khó đòi.
Trong kỳ, Xây dựng Hòa Bình đã không còn tình trạng kinh doanh dưới giá vốn. Với doanh thu tài chính hơn 100 tỷ đồng, công ty báo lãi sau thuế 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 445 tỷ đồng.
HBC đặt mục tiêu năm 2024 mang về doanh thu 10.800 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận tương đương năm 2019, trước khi các công ty xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 và thị trường bất động sản “gặp biến”.
Báo cáo tài chính quý 1/2024 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Quỳnh Ái-Link gốc