Những phiên giao dịch gần đây đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng có thể đã bị kéo căng quá mức, dù chưa ai dám chắc liệu cơn sốt AI ở Phố Wall đã tới hạn hay chưa...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi cổ phiếu Nvidia tiếp tục giảm mạnh gây sức ép lên chỉ số S&P 500. Giá dầu thô cũng giảm, nhưng hoàn tất tuần tăng thứ hai liên tiếp nhờ kỳ vọng về sự gia tăng của nhu cầu tiêu thụ dầu trong mùa hè.
Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 0,16%, còn 5.464,62 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,18%, còn 17.689,36 điểm.
Chỉ số Dow Jones tiếp tục ngược dòng, chốt phiên với mức tăng 15,57 điểm, tương đương tăng 0,04%, đạt 39.150,33 điểm.
“Cổ phiếu công nghệ tiếp tục chiếm vị trí trung tâm trên thị trường. Chưa khi nào một cổ phiếu riêng lẻ lại có thể gây ảnh hưởng lớn đến như vậy lên toàn bộ thị trường. Đó thực sự là một nhân tố chủ đạo chi phối diễn biến của thị trường trong thời gian gần đây”, đồng chiến lược gia trưởng Emily Roland của công ty Hancock Investment Management nhận định về cổ phiếu Nvidia trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
Phiên giao dịch cuối tuần chứng kiến cổ phiếu Nvidia giảm 3,2%. Trước đó vào hôm thứ Năm, cổ phiếu hãng sản xuất con chip khổng lồ này đạt mức cao nhất mọi thời đại trước khi đóng cửa với mức giảm hơn 3%. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm, cổ phiếu Nvidia - trung tâm của cơn sốt công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ở Phố Wall - đã tăng 155%. Hôm thứ Ba tuần này, Nvidia chớp nhoáng giành vị trí công ty đại chúng đắt giá nhất ở Mỹ của hãng phần mềm Microsoft.
Tuần này, S&P 500 có thời điểm lập kỷ lục nội phiên và tăng 0,6% cả tuần. Mức điểm chốt tuần của Nasdaq gần như đi ngang so với đầu tuần. Trong khi đó, Dow Jones tăng 1,45%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 5.
Ngoài diễn biến cổ phiếu công nghệ, nhất là cổ phiếu Nvidia, chứng khoán Mỹ những phiên gần đây còn bị chi phối bởi biến động trong kỳ vọng của nhà đầu tư về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Một vài số liệu yếu gần đây của kinh tế Mỹ đã làm gia tăng kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và điều này có lợi cho giá cổ phiếu. Tuy nhiên, triển vọng lãi suất vẫn còn nhiều bấp bênh và khó lường.
Những phiên giao dịch gần đây đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng có thể đã bị kéo căng quá mức, dù chưa ai dám chắc liệu cơn sốt AI ở Phố Wall đã tới hạn hay chưa. Ngay cả cổ phiếu Nvidia - với khả năng khiến toàn bộ thị trường dịch chuyển - cũng đã có những dấu hiệu cho thấy đà tăng chậm lại.
“Đây có lẽ là thời điểm không tồi để chốt lời một chút. Thị trường đã trải qua một thời kỳ tăng phi thường và có vẻ như đang bị kéo căng hơi quá mức”, Giám đốc điều hành Dave Grecsek của công ty Aspiriant nhận xét.
Số liệu kinh tế Mỹ công bố ngày thứ Sáu cho thấy doanh số bán nhà đã qua sử dụng ở nước này giảm tháng thứ 3 liên tiép trong tháng 5 vừa qua do giá nhà cao kỷ lục và lãi suất vay thế chấp nhà tăng cao khiến người mua nhà ngần ngại. Ngoài ra, báo cáo của công ty nghiên cứu S&P Global cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp tháng 5 của Mỹ tăng nhẹ lên mức 54,6 điểm, cao nhất kể từ tháng 4/2022, từ mức 54,5 điểm của tháng 5. Mức điểm trên 50 cho thấy sự tăng trưởng.
Sau các báo cáo này, kỳ vọng lãi suất Fed không có nhiều biến động. Thị trường tiếp tục đặt cược khả năng khoảng 60% ngân hàng trung ương này bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đều tăng trong phiên ngày thứ Sáu, phản ánh mối lo của một bộ phận nhà đầu tư về khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,47 USD/thùng, tương đương giảm 0,55%, còn 85,24 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,56 USD/thùng, tương đương giảm 0,69%, còn 80,73 USD/thùng.
Dù vậy, giá dầu đã tăng khoảng 2,9% trong tuần này.
Theo một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase, tiêu thụ xăng ở Mỹ trong tuần trước đã tăng lên mức 9,4 triệu thùng/ngày, mức cao nhất của thời điểm này trong năm kể từ khi đại dịch Covid-19 kết thúc.
“Nhu cầu xăng ở Mỹ đã tăng đều đặn từ cuối tháng 5 tới nay và chúng tôi dự báo nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng khi dịp nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ 4/7 tới sẽ có một con số kỷ lục 71 triệu người Mỹ đi du lịch”, nhà phân tích Prateek Kedia của JPMorgan Chase nhận định.
Cũng theo báo cáo này, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong tháng này đã tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động đi lại trong mùa hè gia tăng ở cả châu Âu và châu Á. Lượng dầu tồn trữ toàn cầu đã tăng thêm 15 triệu thùng trong tuần thứ hai của tháng 6 do Trung Quốc tăng tích trữ, nhưng JPMorgan Chase dự báo mức tồn trữ sẽ giảm xuống trong những tháng hè.
Nhà băng Mỹ này dự báo từ nay đến tháng 9, giá dầu Brent có thể đạt mức 90 USD/thùng do thị trường thắt chặt và lượng dầu tồn trữ giảm xuống bởi nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong hè.
Bình Minh-Link gốc