Giấc mơ tỷ phú của những người trồng sầu riêng ở Gia Lai vẫn đang nối dài khi vụ mùa năm 2024 này được dự báo tiếp tục thắng lớn. Giá sầu riêng được nhận định biến động mạnh, vì vậy các hộ sản xuất đang rất cẩn trọng khi “chốt” hợp đồng mua bán với thương lái.
Kể từ đầu tháng 6 tới nay, các vùng trồng sầu riêng lớn ở Gia Lai như Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh… bắt đầu vào vụ. Thương lái ở khắp các tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước, miền Tây… đang đổ xô đến các nhà vườn để chào giá cao, tuy nhiên, các hộ sản xuất vẫn đang cẩn trọng “so bó đũa, chọn cột cờ”.
“Cân não” chọn đối tác
Hiện, các vựa đóng hàng xuất khẩu tại Gia Lai thông báo giá sầu riêng Monthong (Dona) loại 1 dao động khoảng 82.000 - 84.000 đồng/kg, loại 2 giá 64.000-72.000 đồng/kg, sầu riêng Ri 6 loại 1 giá trên dưới 60.000 đồng/kg, loại 2 giá 45.000-50.000 đồng/kg.
Mức giá bán xô được các thương lái đưa ra là khá cao, tuy nhiên, nhiều nhà vườn lớn ở Gia Lai, với kinh nghiệm rút ra từ các vụ trước, vẫn đang tiếp tục nghe ngóng và dự kiến sẽ chỉ ký hợp đồng khi sầu riêng vào chính vụ.
Vụ sầu riêng ở Gia Lai năm nay được dự báo tiếp tục thắng lớn nhờ được mùa, được giá.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) nhìn nhận quyết định ký kết hợp đồng bao tiêu với thương lái mang ý nghĩa quan trọng, quyết định thành bại của cả một mùa vụ, đặc biệt trong bối cảnh giá sầu riêng có thể tăng, giảm bất thường cả chục giá sau 1 đêm.
“Có 2 hình thức ký hợp đồng được áp dụng phổ biến trong những năm qua là “2 kẹp 1” (2 quả đẹp kẹp với 1 quả xấu), hoặc “2 kẹp 2” (2 quả đẹp kẹp với 2 quả xấu). Hàng đẹp thường có giá chênh với hàng xấu rất lớn, nên các chủ vườn cần tính toán kỹ lưỡng để có được mức giá cao nhất”, ông Minh chia sẻ.
Như năm ngoái, theo ông Minh, có thời điểm giá sầu riêng lên tới 70.000 đồng/kg, nhưng nhà vườn ký hợp đồng 50.000 đồng/kg, dẫn tới trường hợp thương lái ồ ạt cắt hết, gây thiệt hại cho nhà vườn. Ngược lại, có những nhà vườn vì tiếc nên “bẻ kèo” không bán. Cũng có trường hợp thương lái ký hợp đồng giá cao, sau đó giá xuống thì biến mất, khiến các nhà vườn lao đao.
Trong bối cảnh biến động giá liên tục, không ít HTX, nhà vườn lớn đang lựa chọn cắt bán theo đợt thay vì ký hợp đồng cả vụ với thương lái. Đặc biệt, năm nay, nhiều thông tin cho thấy sầu riêng tại Thái Lan mất mùa, người dân kỳ vọng giá có thể tăng mạnh, vì vậy ký hợp đồng với thương lái lại càng được cân nhắc kỹ.
Giấc mơ tỷ phú thành hiện thực
Có thể thấy, việc ký hợp đồng với thương lái hay không đang là vấn đề “cân não” với các hộ trồng sầu riêng ở Gia Lai, tuy nhiên, nhìn chung nếu không có những bước ngoặt quá lớn (thiên tai, bão lũ…), thì năm nay dự kiến sẽ tiếp tục là vụ mùa thắng lớn.
Ông Châu Văn Hận, một hộ trồng sầu riêng có tiếng ở xã Ia Bang, huyện Chư Prông, cho hay năm nay tiếp tục là một vụ mùa được mùa, trúng giá của người trồng sầu riêng tại địa phương. Với sản lượng dự kiến trên dưới 35 tấn, gia đình ông có thể thu về khoảng 2,2-2,4 tỷ đồng lợi nhuận.
Vườn sầu riêng nhà ông Hận bắt đầu thu hoạch từ hơn 2 tuần trở lại đây, giá bán ổn định trên 80.000 đồng/kg với sầu riêng Dona loại 1. Cũng giống như nhiều nhà vườn khác trong vùng, nhà ông cũng liên tục có các đoàn thương lái đến “gạ” ký hợp đồng, giá mặc định 80.000 đồng/kg.
Các nhà vườn trồng sầu riêng đang tích cực canh tác theo tiêu chuẩn an toàn để tăng cạnh tranh.
Đứng trên khu vườn chuyên canh cây sầu riêng rộng hơn 1,5 ha, ông Châu Văn Hận chia sẻ trước đây khu này chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu, còn sầu riêng chỉ chiếm số lượng rất ít. Những năm gần đây, khi nhận thấy sầu riêng cho giá trị cao, ông quyết định chuyển đổi toàn bộ sang loại cây “bạc tỷ” này.
Để chuyển sang trồng sầu riêng, ông Hận đã cất công tìm hiểu kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu khó tính, từ Á sang Âu.
Đáng chú ý, cùng với nhiều hộ sản xuất sầu riêng trên địa bàn tỉnh, ông Chu Văn Hận cũng đang đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật, “ép” cây ra hoa nhiều đợt để thu hoạch rải trong thời gian kéo dài khoảng 50-60 ngày.
Việc kéo dài thời gian thu hoạch giúp nhà vườn không bị dồn sản lượng tiêu thụ tại một thời điểm nên giá sẽ tốt hơn, không còn lệ thuộc quá nhiều vào thương lái, dễ dẫn đến việc bị ép giá.
Vụ sầu riêng năm nay cũng dự kiến là vụ thắng lớn, mở đường cho nhiều hộ thành viên của HTX nông nghiệp Cao Nguyên (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) thành tỷ phú. Hiện, toàn HTX đang triển khai hơn 100 ha trồng loại cây xuất khẩu tỷ đô này.
Ông Đào Duy Quỳnh, Chủ tịch HĐQT HTX, cho hay HTX đã được cấp 2 mã số vùng trồng từ năm 2023. Ước tính sản lượng sầu riêng trong vụ thu hoạch năm 2024 đạt khoảng 1.000 tấn, dự kiến thu hoạch rộ trong khoảng 1-2 tuần tới.
Bắt nhịp cao điểm xuất khẩu
Hiện, rất nhiều thương lái đã vào vườn của thành viên HTX để tranh mua. Ở một số vườn có hiện tượng quả rụng sớm, thành viên đã cắt giá và thu hoạch nhưng có những vườn vẫn chưa chốt giá.
“Thời điểm này, nhu cầu thu mua sầu riêng để xuất khẩu rất cao nên giá có khả năng tiếp tục tăng. Hy vọng năm nay, giá sầu riêng giữ ở mức cao cho đến cuối vụ để bà con nông dân, thành viên HTX có một vụ mùa bội thu”, vị đại diện HTX nông nghiệp Cao Nguyên hồ hởi nói.
Cũng đang tất bật chuẩn bị cho những đơn hàng xuất khẩu, Ông Nguyễn Văn Lập, Chủ tịch HĐQT HTX Minh Phát Farms (thị trấn Chư Prông), tiết lộ HTX vừa đón 2 đoàn doanh nghiệp Trung Quốc sang khảo sát, theo hợp đồng ký kết, sẽ phối hợp để hướng dẫn kỹ thuật, thu mua và xuất khẩu.
“Hiện, HTX Minh Phát Farms có 25 thành viên, trồng 30 ha sầu riêng theo hướng VietGAP. Toàn bộ diện tích này đã xây dựng mã vùng trồng từ năm 2022. Việc hợp tác xuất khẩu sẽ mở ra cơ hội để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng, nâng cao thu nhập cho nông dân”, ông Lập cho biết thêm.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả ước đạt trên 3,4 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023, dự kiến cả năm 2024 có thể đạt 7 tỷ USD.
Từ khi sầu riêng được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc vào cuối năm 2022, đóng góp của mặt hàng này vào nhóm ngành rau quả ngày càng lớn. Giá trị xuất khẩu rau quả tập trung vào những tháng thu hoạch sầu riêng, tức từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Những tháng còn lại chủ yếu là sầu riêng nghịch vụ nên sản lượng không nhiều.
Để bắt nhịp xu hướng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh ở cả trong nước và xuất khẩu, các HTX, nhà vườn trồng sầu riêng ở Gia Lai đang tích cực canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP.
Đang cho giá trị cao, tuy nhiên, để phát triển bền vững, các chuyên gia nông nghiệp vẫn tiếp tục đưa ra những lời cảnh báo tới các địa phương cần có quy hoạch vùng trồng bài bản, thận trọng khi mở rộng diện tích, tránh tình trạng phát triển ồ ạt gây hậu quả về lâu về dài.
Đặc biệt, tại các vùng trồng lớn như Gia Lai, Đắk Lắk hay các tỉnh trọng điểm miền Tây, ngành nông nghiệp cần khuyến khích người dân tham gia liên kết chuỗi, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, HTX liên kết với nông dân trong việc trồng, chế biến và tiêu thụ trái sầu riêng, tìm hướng xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường tiềm năng.
Song Ngư-Link gốc