Chiều nay VN-Index có tới 2 nhịp kiểm định ngưỡng 1.250 điểm với lần sâu nhất chỉ chênh 0,25 điểm. Tuy nhiên cuối phiên chỉ số lại bật lên mức 1.256,56 điểm, tăng nhẹ 2,44 điểm so với tham chiếu. Đây có thể xem là những phản ứng khá tích cực tái ngưỡng hỗ trợ tâm lý, nhất là khi thanh khoản sụt giảm cực mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 40 phiên.
Giao dịch buổi chiều có sôi động hơn một chút, hai sàn khớp thành công gần 8.965 tỷ đồng, tăng 27% so với thanh khoản phiên sáng. Tuy vậy cả ngày mức giao dịch vẫn giảm gần 48% so với hôm qua, còn 16.044 tỷ đồng.
Sau phiên giảm sốc hôm qua, VN-Index đã rơi xuống sát ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.250 điểm. Tâm lý lo sợ thị trường thủng mức hỗ trợ này là bình thường và nếu hôm nay có áp lực bán mạnh cũng không phải là vô lý. Tuy nhiên trạng thái giao dịch cân bằng với thanh khoản nhỏ trong cả phiên cho thấy nhu cầu bán ra đã được giải phóng đáng kể trong phiên ngày hôm qua.
Chiều nay thị trường có thêm vài nhịp dao động nữa, nhưng cơ bản không xuất hiện bán tháo. Độ rộng là tín hiệu lạc quan nhất, khi tại đáy sâu chiều nay, VN-Index ghi nhận 157 mã tăng/234 mã giảm. Thậm chí lúc 2h23 chiều (đáy thứ 2 của chỉ số), độ rộng cũng là 187 mã tăng/223 mã giảm. Thế nhưng lúc đóng cửa sàn HoSE đã đảo ngược với 238 mã tăng/161 mã giảm. Rõ ràng là có lực cầu đẩy giá lên ở mức độ nhất định.
Nhóm blue-chips cũng có cải thiện nhất định, nhưng không đủ lực đưa VN30-Index vượt ham chiếu. Chỉ số này đóng cửa còn giảm 1,05 điểm tương đương -0,08%. Đây đã là kết quả khá tốt, nhất là khi độ rộng cải thiện thành 14 mã tăng/9 mã giảm. Thống kê trong rổ này có tới 18 mã cải thiện giá so với phiên sáng, chỉ 7 mã tụt giá. VRE đã quay trở lại mức kịch trần; TCB đảo chiều cực mạnh 2,35% để đóng cửa thành tăng 0,21% so với tham chiếu; HDB, GVR, BCM, POW là các mã khác đảo chiều đáng chú ý, đều tăng trên 1% so với giá buổi sáng.
Điều khá bất ngờ là VN-Index chiều nay không dựa nhiều vào nhóm trụ. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của chỉ số này, FPT và HPG là hai mã duy nhất có cải thiện giá so với buổi sáng: FPT nhích lên 0,78% để chốt phiên còn giảm 1,59% so với tham chiếu; HPG tăng được 0,52% và quay về tham chiếu. Còn lại các trụ khác đều không mạnh thêm được (BID, VHM, VPB) hoặc tụt giá (CTG, GAS, VCB, VIC, VNM).
Với độ rộng cải thiện tốt về cuối, các cổ phiếu vừa và nhỏ có tiến triển đáng kể. Chỉ số Midcap đóng cửa tăng 0,71%, Smallcap tăng 0,68%. Toàn sàn HoSE có 97 mã tăng trên 1% thì rổ VN30 chỉ đóng góp 4 mã. HSG, HAH, HVN, VCI, TCH, HCM, GEX, VSC, NKG, HDG, DCM, VOS đều thanh khoản cả trăm tỷ đồng và giá tăng hơn 1% lúc đóng cửa. Tính chung thanh khoản của 97 mã tăng tốt nhất này chiếm 30,% tổng khớp sàn HoSE. Điều này cho thấy tuy thanh khoản chung hôm nay rất thấp nhưng một phần cũng là do bên mua quá thụ động trong khi bên bán cũng giảm áp lực. Các cổ phiếu nào có được dòng tiền hưng phấn trở lại thì đều bật giá mạnh.
Ở phía giảm, áp lực bán là không rõ ràng. Ngoại trừ FPT rơi sâu 1,59% với thanh khoản cực lớn gần 1.777 tỷ đồng, các cổ phiếu còn lại giao dịch nhỏ. Thực ra FPT cũng không quá kém, giá đáy ngay đầu phiên chiều giảm 2,65% nhưng đến cuối có hồi lại một chút. Thanh khoản FPT trong phiên chiều giảm 28% so với buổi sáng, thể hiện áp lực cũng có giảm đi. VTP giảm 3,48% giao dịch 174,4 tỷ, CMG giảm 4,07% với 146,6 tỷ, BID giảm 1,78% với 128,6 tỷ, SSB giảm 6,42% với 81,4 tỷ là các cổ phiếu còn lại đáng kể.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh giao dịch cả hai chiều. Cụ thể, tổng giá trị bán thêm trên sàn HoSE đạt 2.040,5 tỷ đồng, tăng 40% so với buổi sáng, mua vào đạt 1.747 tỷ đồng, tăng 67%. Nhờ đó mức ròng phiên chiều còn -293,5 tỷ, thấp hơn đáng kể so với -411,3 tỷ đồng trong buổi sáng. Ngoài ra giao dịch bán ròng đột biến buổi chiều là với chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Buổi sáng chứng chỉ này còn được mua ròng nhẹ 28,3 tỷ, buổi chiều thành bán ròng 565,2 tỷ. FPT cũng bị bán thêm, thành -169,5 tỷ đồng ròng; MWG -128,8 tỷ. Bên mua có VCI +86,2 tỷ, HAH +40,7 tỷ, MSN +37 tỷ, HVN +35,8 tỷ, TCB +34,8 tỷ, DGC +30,3 tỷ.
KIM PHONG