Giá cả nhiều mặt hàng, vật tư đầu vào tăng cao cùng với tình trạng đầu cơ khiến không ít HTX nông nghiệp, HTX xuất khẩu nông sản gặp khó khăn trong ổn định, bảo đảm đơn hàng.
Là đơn vị sản xuất bánh đa vừng, đại diện HTX thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm (Hà Tĩnh) cho biết từ nay đến hết tháng 10, nhu cầu hàng xuất khẩu rất cao vì nhiều người tiêu dùng Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Ba Lan… quan tâm đến mặt hàng này.
Cửa rộng nhưng thiếu hàng
Vì vậy, làm sao để đảm bảo nguyên liệu chính là gạo hữu cơ để chế biến bánh đa vừng là vấn đề khá "đau đầu" với HTX. Làm gì để có gạo đảm bảo chất lượng, thu mua ở địa điểm phù hợp, đỡ tốn chi phí vận chuyển, có nguồn hàng liên tục mới?, là điều được các thành viên đặt ra. Trong khi đó, thị trường gạo trong thời gian gần đây luôn trong tình trạng được giá, nhu cầu thu mua cao.
Ông Nông Văn Cảnh, Giám đốc HTX Nông Văn Cảnh (Bình Phước) thông tin, dù có 30 ha sầu riêng nhưng HTX vẫn không đủ để cung cấp cho thị trường vì ngoài doanh nghiệp vẫn có rất nhiều thương lái vào tận vườn hỏi mua, đặt cọc sầu riêng của 16 hộ thành viên để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Với mặt hàng cà phê, ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Sáu Nhung (Kon Tum) chia sẻ, cà phê Việt Nam chủ yếu phục vụ xuất khẩu lên đến 90% và hiện đang "đắt như tôm tươi". Chưa bao giờ, cà phê Việt Nam lại rơi vào tình trạng thiếu hàng, khan hàng và nhanh hết hàng để bán như hiện nay.
Nếu như những năm trước, loại nông sản này của Việt Nam không được thị trường quốc tế đánh giá cao từ chất lượng đến mùi vị thì nay lại trở thành lựa chọn hàng đầu trong phân khúc Robusta. Đi liền với đó, Việt Nam gần như là nhà cung cấp cà phê Robusta lớn nhất thế giới không chỉ về sản lượng mà gần đây còn về khả năng cung ứng.
Muốn ổn định nguồn cung cần có các chính sách giúp nông dân, HTX gắn bó lâu dài với nông nghiệp.
Chính vì vậy, trong những tháng vừa qua, HTX Sáu Nhung rất tất bật trong khâu tiếp khách từ trực tiếp đến trực tuyến ở cả trong nước và thế giới để tìm hiểu và mua cà phê.
Theo dự báo, rất nhiều mặt hàng nông sản như sầu riêng, hồ tiêu, cà phê, rau củ, gạo, thanh long, dừa…. sẽ tiếp tục có xu hướng tăng giá trong thời gian tới do nguồn cung khan hiếm, năng suất giảm do thời tiết khắc nghiệt. Thực tế, tại một số tỉnh trọng điểm ở Tây Nguyên, lượng cà phê và hồ tiêu dự trữ của người dân, HTX và doanh nghiệp còn rất ít.
Tại Hội nghị Ban chấp hành Liên minh HTX Việt Nam lần thứ 11 nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức ngày 25/6, các đại biểu cũng cho rằng trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu các HTX thủy sản khai thác được sản lượng nhiều do thời tiết thuận lợi, thì ngược lại một số HTX có các mặt hàng nông sản chủ lực như rau củ quả, gia vị, lương thực, thực phẩm lại không chỉ không ổn định về chất lượng mà còn thiếu ổn định về số lượng vì biến đổi khí hậu làm giảm diện tích, năng suất, trong khi nhu cầu thế giới tăng.
Hiện tại, không chỉ Nhà nước, các ngành đang tập trung hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu, mà Liên minh HTX Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hỗ trợ HTX tiêu thụ, mở đầu ra cho nông sản. Cụ thể là trong 6 tháng đầu năm 2024, chương trình kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa cho HTX, chủ yếu là HTX sản xuất mặt hàng lương thực, thực phẩm với số lượng 100.000 tấn được tiêu thụ, xúc tiến qua cổng thông tin điện tử của Liên minh HTX Việt Nam (B2B) và các hội chợ xúc tiến thương mại.
Tại An Giang, Liên hiệp HTX Thoại Sơn chuyên về lúa gạo, có sự tham gia của Tập đoàn Lộc Trời đang hoạt động sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến bao tiêu sản phẩm đang giúp nông dân, thành viên HTX mở rộng đầu ra.
Không dừng lại ở đó, trong những tháng đầu năm, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức các Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, HTX năm 2024 (khu vực miền Bắc và miền Trung - Tây Nguyên), hỗ trợ một số HTX xuất khẩu hàng nghìn tấn cà phê, miến, gạo tấm, hạt điều, xoài… sang thị trường Trung Quốc và châu Âu.
Giúp nông dân, HTX gắn bó với nông nghiệp
Thị trường xuất khẩu rộng mở nhưng nguồn hàng bấp bênh, phải cạnh tranh trong thu mua. Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình cho biết, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch lúa và có tin vui là không ít HTX bán được thóc với giá cao, được doanh nghiệp bao tiêu, thậm chí còn được hỗ trợ thêm tiền nếu như tuân thủ các quy định về kỹ thuật. Nhưng bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là nhu cầu thu mua cao, nhiều nông dân nếu trà trộn thóc không bảo đảm chất lượng, thu hoạch non sẽ làm giảm giá trị hàng hóa và chất lượng nông sản của địa phương, ảnh hưởng đến uy tín, mối liên kết giữa HTX và nhiều doanh nghiệp lúa gạo đang hoạt động trên địa bàn.
Để giải quyết bài toán ổn định nguồn hàng để tiêu thụ, xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng, làm sao để thu hút nông dân, HTX phát triển sản xuất, gắn bó với những cây trồng có thế mạnh tại từng địa phương là điều cần thiết.
Bởi theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đạt mốc 100 triệu người, là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới, mức tiêu thụ các mặt hàng nông sản là rất cao. Ngay như mặt hàng mía đường, mức tiêu thụ nội địa là khoảng 2,5-2,6 triệu tấn/năm. Nhưng nhiều HTX sản xuất mía hiện nay đang teo tóp, thậm chí không mặn mà với loại cây trồng này vì một thời gian dài, giá mía xuống dốc, HTX thiếu đơn vị liên kết bao tiêu với giá ổn định khiến sản lượng đường trong nước giảm, ước tính chỉ đạt 870 nghìn tấn/năm. Điều này có nghĩa sản lượng đường trong nước dự kiến sẽ chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu tiêu thụ.
Cùng với đó, một số mặt hàng nông sản khác nếu nhu cầu trong nước thấp thì nhu cầu nhập khẩu trên thế giới lại cao. Ngay như mặt hàng chè, Việt Nam có đến 54 tỉnh có vùng trồng chè và là nước đứng thứ 5 về diện tích (130.000 ha với sản lượng 190.000 tấn/năm) nhưng nhu cầu tiêu thụ trong nước của người dân chỉ khoảng 0,5kg/người/năm. Trong khi nhu cầu tiêu thụ chè tại Trung Quốc lên đến 1,5 kg/người/năm. Do đó, nhu cầu xuất khẩu chè sang thị trường tỷ dân cũng rất cao, chưa kể đến nhu cầu thu mua từ các thị trường châu Âu, châu Á, châu Phi.
Vậy nhưng, theo GS. TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp hữu cơ – Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, hiện nay mới chỉ 10% diện tích chè thuộc doanh nghiệp, HTX, còn lại đến 90% diện tích là thuộc về nông hộ với quy mô trung bình chỉ 0,2 ha/hộ. Đặc biệt, chè hữu cơ phục vụ xuất khẩu chỉ chiếm 6% diện tích chè trên cả nước.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, dù giá một số mặt hàng đang tăng cao, sức mua lớn nhưng khan hiếm một phần là do từ lâu, nhiều nông sản vẫn rơi vào cảnh giá cả không ổn định khiến không ít HTX gặp khó khăn trong việc tái đầu tư sản xuất. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, vay vốn để phát triển, đầu tư trên diện tích lớn, có quy trình, chất lượng vẫn chưa thuận lợi. Do đó, dù nhiều nông sản hiện có giá cao nhưng chưa chắc đã thu hút được nông dân quay trở lại với những cây trồng này.
Vì vậy, phải giải quyết được những vấn đề đó thì nông dân, HTX mới yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích vùng trồng theo định hướng của ngành nông nghiệp và Nhà nước. Giám đốc HTX Sáu Nhung Nguyễn Tri Sáu cho biết chỉ khi HTX được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu hoặc chủ động chế biến mới thắp lên hy vọng cho người dân, HTX trong tiêu thụ, xuất khẩu và ký kết hợp đồng. Do đó, "chúng tôi mong doanh nghiệp, Nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân, HTX để vừa mở rộng diện tích theo kế hoạch, vừa bảo đảm chất lượng nông sản, từ đó tiếp tục vươn xa ra thị trường nước ngoài", ông Sáu bày tỏ.
Huyền Trang-Link gốc