Với vị thế là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra có chuỗi sản xuất khép kín lớn thứ 2 thế giới, Công ty Cổ phần Nam Việt (Thủy sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV) đặt mục tiêu lãi ròng năm nay tăng gấp 8 lần năm ngoái.
Đặt mục tiêu lãi ròng năm nay tăng gấp 8 lần
Thủy sản Nam Việt đang vận hành 04 nhà máy thuỷ sản với tổng công suất chế biến lên đến 1.200 tấn cá nguyên liệu/ngày
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 dự kiến diễn ra vào ngày 29/6 tới đây, Công ty Cổ phần Nam Việt (Thủy sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV - sàn HoSE) đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện của năm 2023. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế dự kiến cao gấp 8 lần, đạt 306 tỷ đồng.
Trong năm 2023, lãi ròng của Thủy sản Nam Việt chỉ đạt 39 tỷ đồng - mức thấp nhất 7 năm, và hoàn thành 21% mục tiêu lợi nhuận đề ra. Ông Doãn Tới - Tổng giám đốc Thuỷ sản Nam Việt cho biết, mặc dù số lượng đơn hàng của công ty không hề ít nhưng lợi nhuận lại ghi nhận kết quả kém khả quan do giá vốn cao.
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá triển vọng kinh doanh năm nay của Thủy sản Nam Việt sẽ tích cực hơn khi giá xuất khẩu cá tra dự kiến phục hồi trong bối cảnh nhu cầu tăng và nguồn cung giảm.
Đáng chú ý, tại thị trường Mỹ, Thủy sản Nam Việt tiếp tục là doanh nghiệp được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0% (theo POR19). Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Thủy sản Nam Việt cho biết, công ty đã hợp tác thành công với các nhà phân phối thủy sản lớn, và kết nối lại với tập khách hàng cũ nhờ lịch sử xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn trước năm 2014.
Tập khách hàng của Thuỷ sản Nam Việt chủ yếu là khách hàng sẵn có của 2 doanh nghiệp xuất khẩu dẫn đầu sang Mỹ là Biển Đông và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã cổ phiếu VHC) nhưng có nhu cầu đa dạng hóa 1 phần nhà cung cấp với mức giá cạnh tranh hơn.
Thủy sản Nam Việt cho biết đã phát triển thành công thêm tệp khách hàng mới và sản phẩm mới tại Trung Quốc.
Đối với thị trường Trung Quốc, Thuỷ sản Nam Việt cũng đang ghi nhận nhiều kết quả khả thi nhờ việc mở rộng thêm tệp khách hàng mới tại ở Bắc Kinh và Quảng Châu, bên cạnh khu vực truyền thống là Thượng Hải. Đồng thời, sau quá trình nghiên cứu thị trường, Thuỷ sản Nam Việt đã mở rộng thêm dòng sản phẩm cá tra xẻ bướm tẩm gia vị, đáp ứng đúng nhu cầu cao tại Trung Quốc.
Ngoài ra, với lợi thế tự chủ 100% cá nguyên liệu, công ty đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt cá tra cỡ lớn (1,5 - 2kg) mà toàn ngành cá tra Việt Nam gặp phải trong 9 tháng đầu năm nay; đây cũng là cỡ cá được ưa chuộng ở Trung Quốc.
Tại thị trường nội địa, sau thương vụ hợp tác với Bách Hóa Xanh từ tháng 3/2023, các dòng sản phẩm Thủy sản Nam Việt được đánh giá đã có độ nhận diện cao hơn và dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng trong nước.
Theo dự báo mới đây của hãng Chứng khoán Vietcombank, doanh thu từ thị trường trong nước của Thuỷ sản Nam Việt năm nay có thể tăng tới 63% so với năm 2023.
Giữ vị thế doanh nghiệp chế biến cá tra lớn thứ 2 thế giới
Thủy sản Nam Việt đang có 250 ha vùng nuôi truyền thống và 600 ha vùng nuôi công nghệ cao.
Ban lãnh đạo Thủy sản Nam Việt cho biết, hiện công ty đang là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra có chuỗi sản xuất khép kín lớn thứ 2 thế giới, gồm 250 ha vùng nuôi truyền thống, giúp cung cấp đến 120.000 tấn cá nguyên liệu/năm, và 600 ha vùng nuôi công nghệ cao được đầu tư từ năm 2018, giúp cung cấp đến 250.000 tấn cá nguyên liệu/năm.
Cũng theo ban lãnh đạo Thủy sản Nam Việt, công ty đang sở hữu 20.000 cặp cá bố mẹ có khả năng sản xuất 14 tỷ con cá giống. Với nhà máy thức ăn có công suất thiết kế 800.000 tấn/năm, Thủy sản Nam Việt có khả năng cung cấp 100% thức ăn cho vùng nuôi cá giống có diện tích 150 ha của công ty.
Đồng thời, công ty cũng đang vận hành 04 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất chế biến lên đến 1.200 tấn cá nguyên liệu/ngày và đạt đầy đủ các chứng nhận chất lượng ISO, Global GAP, HACCP, IFS, BRC, GMP và HALAL.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu ANV của Thủy sản Nam Việt trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)
Tại Đại hội năm nay, Thủy sản Nam Việt dự kiến sẽ trình cổ đông kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành 133,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 01 cổ phiếu mới.
Phương án này đã được cổ đông Thủy sản Nam Việt phê duyệt tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Tuy nhiên, do công ty chưa thực hiện nên tiếp tục được trình lại tại Đại hội năm nay.
Nếu đợt chào bán này diễn ra thành công, Thủy sản Nam Việt sẽ thu về khoảng 1.331 tỷ đồng. Qua đó, nâng vốn điều lệ công ty lên mức 2.666 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với hiện tại. Đồng thời, giúp Thủy sản Nam Việt trở thành doanh nghiệp cá tra có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Về phương án phân phối lợi nhuận, Thủy sản Nam Việt dự kiến chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ nhận được 500 đồng cổ tức.
Duy Quang-Link gốc