Nhiều chuyên gia lo ngại giá xăng dầu sẽ bị “neo” theo giá do các doanh nghiệp đầu mối lớn đưa ra - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại hồ sơ phục vụ thẩm định dự thảo sửa đổi nghị định kinh doanh về xăng dầu vừa được gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương tiếp tục giữ nguyên đề xuất về việc doanh nghiệp sẽ được quyền tự quyết giá xăng dầu.
Theo đó, Nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá (gồm giá sản phẩm xăng dầu thế giới, premium bình quân 7 ngày/lần) để doanh nghiệp tự quyết định giá, kê khai giá và thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát.
Giá xăng dầu sẽ bị "neo" theo giá của đầu mối lớn?
Giá bán xăng dầu tối đa sẽ được xác định bằng chi phí tạo nguồn và chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức cộng thuế giá trị gia tăng. Điều đáng chú ý trong công thức tính giá là lợi nhuận định mức vẫn được duy trì 300 đồng/lít như quy định cũ.
Cũng tại dự thảo, Bộ Công Thương không còn quy định riêng về quỹ bình ổn mà nêu ra quan điểm về việc vận hành quỹ này. Theo đó, dự thảo sửa đổi theo hướng quy định về trường hợp thực hiện bình ổn giá xăng dầu tương tự với các mặt hàng khác thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá quy định tại Luật Giá.
Cụ thể, trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân hoặc thiên tai, dịch bệnh..., Bộ Công Thương chủ trì báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thắng - tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát - cho hay theo quy định hiện hành, giá bán lẻ xăng dầu do Nhà nước công bố, thương nhân đầu mối xăng dầu quyết định điều chỉnh giá nhưng không vượt quá mức giá cơ sở do Nhà nước công bố.
Tuy nhiên, với dự thảo nghị định mới cho doanh nghiệp được quyền tự quyết giá trên cơ sở cơ quan quản lý nhà nước giám sát, có thể tạo ra quyền lợi tuyệt đối cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu mà không phân chia rõ quyền lợi các khâu trong chuỗi cung ứng xăng dầu.
Theo ông Thắng, giá bán lẻ sẽ do doanh nghiệp đầu mối quyết định với cơ cấu giá quy định các chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức cố định 300 đồng/lít, mà không phân chia rõ quyền lợi của các khâu liên quan như phân phối, đại lý và bán lẻ để lưu thông xăng dầu đến tay người tiêu dùng.
"Chúng tôi lo ngại sẽ lặp lại tình trạng như trước đây. Không phân chia rõ chi phí ở các khâu thì các thương nhân phân phối, đại lý và nhà bán lẻ sẽ bị thiệt thòi như tình trạng chiết khấu 0 đồng, chiết khấu âm khi giá xăng dầu có biến động" - vị này cho hay.
Đại diện Hội Doanh nghiệp xăng dầu Đồng Nai cũng cho rằng dự thảo trao quyền cho doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá nhưng về bản chất không có nhiều thay đổi so với cơ chế điều hành trước đây. Bởi Nhà nước vẫn công bố các yếu tố hình thành giá, là cơ sở để doanh nghiệp đầu mối công bố mức giá bán lẻ.
"Tuy nhiên, thị phần xăng dầu đang do doanh nghiệp nhà nước là Petrolimex và PVOil chi phối, nên dù có gần 40 đầu mối xăng dầu, vẫn khó có thể có nhiều mức giá khác nhau mang tính cạnh tranh cho thị trường do các doanh nghiệp đầu mối có thị phần sẽ "neo" theo mức giá của các đầu mối lớn", vị này bày tỏ lo ngại.
Doanh nghiệp bán lẻ lo bị "bóp" chiết khấu
Theo một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, dự thảo nghị định quy định cố định về lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít, giá xăng dầu sẽ gồm các yếu tố khác như chi phí tạo nguồn và chi phí kinh doanh định mức, nhưng không quy định rõ cơ cấu tỉ lệ chi phí của các khâu tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu, tỉ lệ hoặc mức chiết khấu tối thiểu trong điều kiện bất thường để tránh tình trạng đẩy khó về doanh nghiệp phân phối, bán lẻ.
"Nếu không có quy định cụ thể cơ cấu chi phí kinh doanh định mức, mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ thế nào, phân chia chi phí giữa các khâu trong chuỗi cung ứng xăng dầu và để thương nhân phân phối quyết như vậy sẽ không thực sự tạo bình đẳng cho thương nhân phân phối, bán lẻ. Điều này không phù hợp với định hướng thị trường xăng dầu cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh" - đại diện một doanh nghiệp nói.
Một thương nhân đầu mối xăng dầu tư nhân phía Nam lại cho rằng việc cho doanh nghiệp đầu mối được quyền tự quyết giá với công thức được xác định trong dự thảo nghị định là phù hợp. Bởi khi có tình trạng thương nhân đầu mối bóp chiết khấu, theo nghị định 80/2023 sửa đổi, các doanh nghiệp bán lẻ được quyền lấy hàng từ ba nguồn, tránh được tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Cũng theo vị này, không phải lúc nào doanh nghiệp bán lẻ cũng bị chèn ép chiết khấu. Đơn cử với trường hợp đại lý bán lẻ cam kết lấy hàng trong mọi trường hợp giá biến động hay gặp khó khăn, doanh nghiệp đầu mối này cũng cam kết mức chiết khấu tối thiểu là 500 đồng/lít. Với đại lý ký hợp đồng cố định trong 1 năm, mức chiết khấu là 1.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, cũng có tình trạng khi chiết khấu, lợi nhuận nhiều thì đại lý bán lẻ lấy hàng nhưng khi chiết khấu thấp thì đại lý lại quay sang lấy hàng đơn vị khác, buộc doanh nghiệp phải ưu tiên hàng cho các đơn vị ký hợp đồng dài hạn.
Chưa hết, doanh nghiệp đầu mối có vai trò tạo nguồn, chịu gánh nặng chi phí lớn như đầu tư kho bãi và các hệ thống khác.
"Vì vậy, chúng tôi cũng phải cân đối cho phù hợp, đảm bảo cam kết chiết khấu với các đơn vị ký hợp đồng dài hạn. Thời điểm này chiết khấu cho bán lẻ rất tốt, từ 1.400 - 1.500 đồng/lít, nên thực tế cũng không thể chiều theo các doanh nghiệp, đại lý được vì phải đảm bảo vận hành cho cả hệ thống" - vị này cho hay.
Dù thừa nhận có những lo ngại doanh nghiệp lớn chiếm thị phần có thể "áp đảo giá" nếu được tự quyết giá, nhưng một doanh nghiệp đầu mối cho rằng quy định này sẽ tạo sự cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu mối nhỏ cũng có thuận lợi khi tạo nguồn hàng linh hoạt, đa dạng, chi phí thấp để tăng tính cạnh tranh trong chiết khấu.
"Tuy nhiên, nên có quy định cụ thể về biên độ lợi nhuận so với chi phí giá đầu vào được Bộ Công Thương quy định để tránh sự độc quyền và lạm dụng vị trí thống lĩnh để cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường", vị này đề xuất.
Quỹ bình ổn chuyển về Nhà nước quản lý?
Cũng theo dự thảo, Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước. Dự thảo cũng bổ sung thêm điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, như quy định bắt buộc kết nối dữ liệu về tổng nguồn xăng dầu, tiêu thụ, tồn kho xăng dầu...
Tuy nhiên, dự thảo cũng cắt giảm điều kiện kinh doanh, như điều kiện về phương tiện vận tải, chứng chỉ nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường...
Cũng theo dự thảo, thương nhân phân phối xăng dầu không được quyền mua bán xăng dầu với nhau hoặc giữ nguyên quy định như hiện tại là cho các thương nhân phân phối được mua ba nguồn; dự trữ lưu thông xăng dầu cũng có hai phương án là 20 ngày hoặc 25 ngày cung ứng.
Theo đại diện Bộ Công Thương, việc vận hành quỹ bình ổn tại dự thảo nghị định hiện thực hiện theo quy định của Luật Giá 2023. Luật giá quy định có năm biện pháp bình ổn, trong đó có biện pháp thứ 5 là sử dụng quỹ bình ổn đối với mặt hàng đã thành lập quỹ.
Do đó, các bộ ngành sẽ xây dựng phương án bình ổn giá gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ cho phép về mặt chủ trương để các bộ, ngành tổ chức thực hiện.
Mong chính sách ổn định, đừng thay đổi liên tục
Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, cần quy định rõ quyền lợi trong các khâu trong chuỗi cung ứng xăng dầu - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo một thương nhân bán lẻ tại TP.HCM, nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu vừa có hiệu lực vào năm 2023 cho phép đại lý, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn, đã mở ra cơ hội cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu được lựa chọn nhiều nguồn hàng, tránh tình trạng bị "bóp" chiết khấu và cạnh tranh không lành mạnh.
Dù vậy, đến nay nội dung này chưa được hướng dẫn chi tiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc triển khai. Theo doanh nghiệp này, tình trạng chiết khấu "tùy tiện" của thương nhân kinh doanh đang làm khó cho các đại lý bán lẻ.
Chẳng hạn, tại kỳ điều hành ngày 11-7 vừa qua, giá xăng dầu giảm đồng loạt, chiết khấu tăng cao. Nhưng khi giá tăng liên tục như các kỳ điều hành trước đó, các nhà cung ứng đều "bóp chiết khấu" về mức cực thấp.
Trong khi văn bản mới chưa được hướng dẫn triển khai thực hiện để doanh nghiệp có thể lấy hàng từ ba nguồn khác nhau, tránh tình trạng độc quyền, bóp chiết khấu..., dự thảo mới lại đưa ra phương án có thể không cho các thương nhân, phân phối bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn.
"Theo tôi, cần có sự thống nhất về quan điểm điều hành, tránh thay đổi chính sách liên tục", vị này đề xuất.