Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 6/2024, tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường chứng khoán (TTCK) ước đạt 181.345 tỷ đồng, trong đó huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua chào bán cổ phiếu ước đạt 18.966 tỷ đồng; huy động vốn thông qua chào bán trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 5.877 tỷ đồng.
Với sự hồi phục của kinh tế trong nước cũng như trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đã huy động hàng chục nghìn tỷ đồng qua TTCK.
Đó là Tập đoàn Novaland (HoSE: NVL) với kế hoạch chào bán 1,1 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu dưới dạng quyền mua. Tỷ lệ thực quyền là 10:6 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu có quyền mua 6 cổ phiếu mới). Giá bán sẽ là 10.000 đồng/CP, bằng 67,5% so với thị giá trên sàn của cổ phiếu NVL. Đáng chú ý, kể từ đầu tháng 4 cổ phiếu đã giảm gần 20%. Sau phát hành, vốn điều lệ của Novaland dự kiến tăng 19.501 tỷ đồng lên mức hơn 31.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý II/2024 đến quý IV/2024.
Một tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp là Becamex IDC (HoSE: BCM) cũng dự kiến phát hành 300 triệu cổ phiếu, thu về tối thiểu 15.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp muốn huy động vốn phải thuyết phục thị trường bằng chính nỗ lực tái cơ cấu nợ và kế hoạch triển vọng trong thời gian dài
Cùng với đó, các doanh nghiệp thuộc ngành chứng khoán cũng đang rục rịch phát hành cổ phiếu, nổi bật là Chứng khoán VIX khi mới đây đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp, thời gian phân phối cổ phiếu trong vòng 90 ngày kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu có hiệu lực.
Trong đó, tổng số lượng cổ phiếu phát hành và chào bán ra công chúng là 789,86 triệu cổ phiếu, bao gồm phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu là 66,94 triệu cổ phiếu, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 66,94 triệu cổ phiếu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động là 20 triệu cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là 635,97 triệu cổ phiếu.
Hay như Chứng khoán VNDirect trong tháng 7 đã phát hành tổng cộng gần 304,5 triệu cổ phiếu, thu về gần 2.436 tỷ đồng để tăng quy mô vốn hoạt động. Qua đó, công ty đã nâng vốn điều lệ từ 12.178 tỷ lên gần 15.223 tỷ đồng để trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay.
Trước đó, trong mùa ĐHCĐ thường niên 2024, nhiều doanh nghiệp đã trình và được cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phiếu để tăng vốn, hoạt động chào bán dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong thời gian tới.
Một trong các yếu tố mà doanh nghiệp niêm yết đưa ra cho câu chuyện tăng vốn là sự hồi phục của tình hình tài chính.
Đơn cử với trường hợp của Novaland, tại ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2024 của tập đoàn, Novaland cho biết tình hình chung của công ty đã có những biến chuyển tích cực hơn so với giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Trong lộ trình tái cấu trúc, việc huy động nguồn vốn mới là cơ sở để tập đoàn có nguồn lực tài chính bổ sung, vững vàng bước qua giai đoạn khủng hoảng và đẩy nhanh tốc độ phục hồi các hoạt động kinh doanh.
Dù vậy, không phải tất cả các đợt phát hành đều thành công với tỷ lệ 100%. Trường hợp điển hình là CTCP Bamboo Capital (HoSE: BCG) vào hồi tháng 6/2024 chỉ phát hành thành công hơn 78,3 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 267 triệu cổ phiếu được phép chào bán, tương đương tỷ lệ thành công vỏn vẹn 29,3%. Sau đợt chào bán kê trên, cổ phiếu BCG liên tục lao dốc và hiện đang giao dịch ở quanh 8.000 đồng/CP – mức thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây.
Một tên tuổi khác là Chứng khoán VNDirect mới đây đã chào bán thành công hơn 234 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ thành công đạt 96,09%. Điều đáng nói là tương tự với BCG, diễn biến cổ phiếu VND của VNDirect cũng khá tiêu cực khi đang ở vùng giá thấp nhất trong khoảng 6 tháng trở lại đây.
Một trường hợp rõ ràng nhất là Chứng khoán VIX vừa qua đã được chấp thuận tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu (như đã đề cập). Ngay ở phiên giao dịch 19/7, VIX bất ngờ lao dốc và có thời điểm “chạm” giá “sàn”.
Rõ ràng, dòng tiền trên TTCK không còn “FOMO” mua bất chấp và chạy theo câu chuyện tăng vốn của doanh nghiệp. Nhà đầu tư sau nhiều biến động của thị trường dần có sự chọn lọc hơn với từng “game” tăng vốn. Dễ thấy nhất là với lĩnh vực ngân hàng, thép với những tên tuổi lớn và nổi danh, nhiều cổ phiếu nhóm này thậm chí tăng điểm mạnh sau thông báo trả cổ tức bằng cổ phiếu và/hoặc phát hành cổ phần tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp muốn huy động vốn từ thị trường chứng khoán phải thuyết phục thị trường bằng chính nỗ lực tái cơ cấu nợ và đặt ra kế hoạch triển vọng trong thời gian dài.
Mặt khác, công tác IR (quan hệ cổ đông) cũng cần được coi trọng hơn. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần chủ động công khai, minh bạch thông tin tài chính không chỉ theo quý, theo năm theo quy định từ HoSE, HNX, mà còn phải theo tháng nhằm “giữ chân” cổ đông ở lại với doanh nghiệp.
Một yếu tố khác khiến các nhà đầu tư cá nhân “chùn chân” hơn trước các đợt chào bán cổ phần tăng vốn là rủi ro pha loãng. Có thể thấy, sau sóng tăng vốn dồn dập của các doanh nghiệp niêm yết giai đoạn 2021-2022, loạt AGM năm 2024 tại nhiều doanh nghiệp đã không thể tiến hành thành công ngay từ lần đầu tiên như VSC, VNDirect, CEO…
Với loạt kế hoạch phát hành mới của các doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn 2024-2025, ước tính có đến hàng chục tỷ cổ phiếu dự kiến đổ bộ lên sàn chứng khoán. Lượng cổ phiếu phát hành thêm lớn như vậy khiến nhiều cổ đông/nhà đầu tư lo ngại về mức độ rủi ro pha loãng, cũng như khả năng hấp thụ của thị trường trong thời gian tới.
Đức Ngọc-Link gốc