Dù còn những thách thức, các dự báo cho thấy gia tăng khả năng “hạ cánh mềm” của kinh tế toàn cầu.
Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tháng 7/2024, các tổ chức quốc tế nhận định các hoạt động kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh hơn, trong khi tốc độ hạ nhiệt lạm phát nhanh hơn dự kiến. Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á vẫn được cho là động lực chính của toàn cầu, với dự báo tăng trưởng cao hơn. Dù còn những thách thức, các dự báo cho thấy gia tăng khả năng “hạ cánh mềm” của kinh tế toàn cầu.
Theo tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới vào cuối tháng Bảy vừa qua, kinh tế thế giới được cho là sẽ “hạ cánh mềm” dù vẫn còn nhiều thách thức, khi lạm phát được kiểm soát mà không gây suy thoái nghiêm trọng hay làm gia tăng mạnh tình trạng thất nghiệp.
Tuy nhiên, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm cho rằng hoạt động kinh tế phục hồi mạnh hơn so với dự kiến ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng không đồng đều giữa các nước, làm gia tăng nguy cơ phân mảnh kinh tế toàn cầu.
Tuyên bố chung chỉ ra những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế bao gồm cả xung đột leo thang, lạm phát dai dẳng khiến lãi suất tăng cao trong thời gian dài, các hiện tượng thời tiết cực đoan, nợ công cao.
Bên cạnh những nguy cơ, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương cũng đánh giá cao sự hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn, tốc độ hạ nhiệt lạm phát nhanh hơn dự kiến và những đổi mới công nghệ. Theo tuyên bố, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 16/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá hoạt động kinh tế toàn cầu và thương mại thế giới đầu năm nay đã được tăng cường. Tăng trưởng xuất khẩu của châu Á, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ của khu vực này, đã tạo động lực cho tăng trưởng thương mại.
Theo dự báo mới nhất của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 dự kiến sẽ không thay đổi, với mức 3,2%. Báo cáo của IMF cũng nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong năm nay lên 4,3%.
Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF cho rằng, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, trong đó Trung Quốc, vẫn là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu. IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2024 lên 5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Cũng về khu vực châu Á -Thái Bình Dương, trong phần bổ sung mới nhất của Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2024 công bố ngày 17/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng nhẹ dự báo tăng trưởng năm 2024 của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực từ mức 4,9% lên 5%, phản ánh tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong quý đầu tiên của năm nay.
ADB cho biết nhu cầu trong nước ổn định và tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, đã thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng của khu vực.
ADB đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 của Đông Á lên 4,6% nhờ xuất khẩu mạnh mẽ chất bán dẫn và các hàng hóa khác do sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo. Dự báo tăng trưởng cho Đông Nam Á vẫn ở mức 4,6% vào năm 2024, và cho Thái Bình Dương là 3,3% vào năm 2024.
Tuy nhiên, ADB cho biết triển vọng của các nền kinh tế phụ thuộc vào chính sách lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác. ADB cho biết thêm, kết quả không chắc chắn của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sự leo thang căng thẳng địa chính trị, sự phân mảnh trong trao đổi thương mại và các sự kiện liên quan có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng.
Theo kết quả khảo sát hàng trăm nhà kinh tế do hãng tin Reuters tiến hành mới đây, tâm lý lạc quan về triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và năm tới đang gia tăng, nhưng rủi ro lạm phát cao hơn tiếp tục tăng cho dù các nhà kinh tế kiên định với dự báo về xu hướng cắt giảm lãi suất.
Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay và năm tới, tăng so với dự báo 2,9% và 3% trong cuộc thăm dò vào tháng 4/2024 và xấp xỉ dự báo mới nhất của IMF.
Ông Douglas Porter, nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính BMO Capital Markets, cho rằng nền kinh tế toàn cầu vẫn trụ vững trước rất nhiều căng thẳng và áp lực, bao gồm cả chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trong hai năm qua.
Tuy nhiên, ngay cả khi triển vọng kinh tế lạc quan hơn, nhiều ngân hàng trung ương vẫn dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất hai lần vào cuối năm.
Trong số các ngân hàng trung ương lớn, các nhà kinh tế dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương Anh sẽ cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay. Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất ba lần.
Nhìn chung, 56% số người trả lời câu hỏi về lạm phát trong khảo sát nhận định có nhiều khả năng giá cả tăng cao hơn dự báo của họ trong phần còn lại của năm 2024, thay vì xuống thấp hơn. Tỷ lệ đối với triển vọng lãi suất cũng tương tự.
Lê Minh-Link gốc