Lượng giao dịch xây dựng cơ bản vãng lai đạt hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm tại Bình Dương. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Việc thắt chặt quản lý thu thuế đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản vãng lai đã mang lại hàng trăm tỷ đồng cho ngành thuế tỉnh Bình Dương mỗi năm.
Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho biết lĩnh vực này vẫn còn nhiều tiềm năng do lượng giao dịch mỗi năm đạt hàng chục nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương, quản lý thuế đối với hoạt động xây dựng cơ bản vãng lai bước đầu đã được đưa vào quản lý thuế và góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Năm 2023, thu được 226 tỷ đồng và trong 6 tháng đầu năm 2024, con số này là 101 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Công, con số trên vẫn chưa tương xứng với quy mô và tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Tổng vốn đầu tư công giải ngân và vốn doanh nghiệp năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 lần lượt là 95.884 tỷ đồng và gần 1,5 tỷ USD.
Đặc thù của ngành xây dựng cơ bản có phạm vi hoạt động rộng, trong khi cơ quan thuế không có điều kiện thường xuyên tổ chức kiểm tra, do đó còn nhiều trường hợp chưa kê khai nộp thuế vãng lai.
Bên cạnh đó, công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý đầy đủ các nguồn thu và đối tượng nộp thuế.
Do phương thức mua bán, giao dịch được thực hiện thông qua các phương tiện trực tuyến, kết nối mạng Internet toàn cầu nên người mua và người bán không cần có sự tiếp xúc trực tiếp, không cần địa điểm kinh doanh cố định.
Hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thường không có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, không có địa chỉ kinh doanh rõ ràng, thậm chí có trường hợp sử dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký kinh doanh thương mại điện tử nên khó quản lý được chính xác đối tượng.
Trong khi đó, quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản đang có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều trường hợp giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng thấp hơn giá thực tế giao dịch.
Số hộ và cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh đóng thuế còn khá thấp so với mặt bằng chung cả nước, chưa tương xứng với quy mô và tăng trưởng của tỉnh Bình Dương.
Chỉ tính riêng năm 2023, số hộ khoán thuộc diện khai nộp thuế là 31.082 hộ, số thuế lập bộ 532 tỷ đồng, bình quân 1 hộ khai nộp 1,4 triệu đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Văn Công, việc chuyển toàn bộ hóa đơn của người nộp thuế sang hình thức điện tử đã đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong quản lý thuế ngày càng hiện đại, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Tuy nhiên, việc người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình cũng đã tạo điều kiện cho một số trường hợp lợi dụng để vi phạm pháp luật về thuế như khai thuế thấp, không đúng thực tế phát sinh, mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, dẫn đến nguồn thu ngân sách nhà nước không được nộp đầy đủ và kịp thời.
Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh, cùng với sự nỗ lực, phối kết hợp của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, ngành thuế đã triển khai kịp thời nhiều biện pháp quản lý nguồn thu, chống thất thu ngay từ đầu năm.
Kết quả, ước thu thuế nội địa trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 26.938 tỷ đồng, đạt 56% dự toán. Ngành thuế phấn đấu cả năm 2024 thu được thuế nội địa trên địa bàn tỉnh là 52.468 tỷ đồng, đạt 109% dự toán, vượt so với dự toán đề ra./.
Dương Chí Tưởng