7 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được trên 5,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 25% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ. Thế nhưng, phía sau những con số 'màu hồng' thì vẫn còn những 'mảng xám', tình trạng mạnh ai nấy làm hay chuyện doanh nghiệp khó khăn trong kê khai thuế khiến việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia đang được giới sản xuất gạo mong chờ hơn bao giờ hết.
Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đang bắt tay thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Theo giới chuyên môn, việc thành lập Hội đồng trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, giúp ngành gạo Việt Nam có một “nhạc trưởng” điều phối hoạt động chung của toàn ngành, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm.
Vì sao nói vẫn “mạnh ai nấy làm”?
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 5,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 25% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, gạo Việt Nam được đánh giá có chất lượng hàng đầu thế giới. Trong các tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng cao nhất thế giới, vượt qua cả Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ.
Ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ, 5 năm trở lại đây, Bộ NN&PTNT thôn kết hợp với các tỉnh thành và nông dân, doanh nghiệp đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu nâng cao chất lượng gạo lên. Nhờ đó, gạo Việt Nam giá cao nhưng các quốc gia vẫn chấp nhận.
Thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia giúp ngành gạo Việt Nam có một “nhạc trưởng” điều phối hoạt động chung của toàn ngành.
Đồng quan điểm, GS. Võ Tòng Xuân, cũng cho rằng, Việt Nam là “cường quốc” về xuất khẩu gạo trên thế giới. Những năm gần đây, ngành gạo có sự phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả, tạo sinh kế cho hàng chục triệu hộ nông dân.
Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của ngành gạo của Việt Nam là tình trạng mạnh ai nấy làm. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy chuẩn mà chỉ tự tin vào kinh nghiệm. Doanh nghiệp cũng có tình trạng tranh mua, tranh bán, hạ giá, dìm hàng khi ra thị trường quốc tế.
Góp ý về câu chuyện mua bán, thu gom lúa gạo, ông Đinh Thừa Tự, ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, An Giang, cho rằng hiện nay nông dân chỉ biết sản xuất lúa chất lượng cao, còn đầu ra gần như bỏ ngỏ.
"Theo tôi, nên thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia để định hướng giá lúa gạo bao nhiêu là vừa, doanh nghiệp nào thu mua, để tránh tình trạng mua giá thấp, ép nông dân. Tôi nghĩ ai cũng muốn được Hội đồng lúa gạo quốc gia hoặc từng tỉnh, từng miền có giá cả hàng cụ thể hơn, bên cạnh việc hỗ trợ cảnh báo nhiều vấn đề liên quan đến sản xuất", ông Tự nói.
Còn ông Trần Văn Cứng, chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang, nêu quan điểm: việc chính của hội đồng là định hướng thị trường và giới hạn những quy định, chế tài đối với các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, phải làm sao tránh trùng lặp với vai trò của VFA.
Trong khi đó, đại diện công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) bày tỏ, hiện nay các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh lương thực đang vướng phải quy định về thuế với Bảng kê khai số 01/TNDN quy định kê khai người bán phải là nông dân. Trong khi đó trước đây cơ quan thuế vẫn chấp nhận cho doanh nghiệp kê khai thu mua lúa hoặc gạo nguyên liệu từ người bán trung gian.
Việc cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp chế biến và kinh doanh lương thực phải kê khai mua trực tiếp từ nông dân khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
“Từ xưa đến nay những người trung gian thu mua lúa gạo, thường được gọi là “hàng xáo” là lực lượng không thể thiếu được. Đây là những thương nhân có kinh nghiệm về lúa, vùng trồng, am hiểu rất nhiều về giống lúa, về thời tiết, về thời gian sấy, nơi xay xát đạt yêu cầu. Hàng xáo còn có sẵn phương tiện chuyên chở, họ có thể trụ tại vùng trồng vài ngày để mua được hàng”... đại diện DN cho hay.
Kỳ vọng tháo “nút thắt”
Theo đại diện công ty Cỏ May, vai trò của hàng xáo hết sức quan trọng, Nhà nước cần phải chấp nhận lực lượng hàng xáo làm trung gian cho chuỗi cung ứng nội địa và xuất khẩu. Nếu bỏ đi mắt xích này, chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy.
Để kiểm soát thị trường, chống thất thu, theo DN trên, ngành thuế có thể ban hành chính sách để hàng xáo có thể thực hiện nghĩa vụ thuế. Có thể áp dụng quy định thu thuế trên mỗi kg nguyên liệu họ bán thành công cho doanh nghiệp. Nguồn thu này quy về một mối là doanh nghiệp thu mua phải nộp thay họ căn cứ trên bảng kê 01/TNDN.
Trước đó, trao đổi về câu chuyện này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định ngành sản xuất lúa gạo của vẫn thiếu một chiến lược hay nói cách khác là một chính sách phát triển ổn định, vững chắc vì chúng ta còn tính tự phát ở địa phương. Hơn nữa đầu tư của Nhà nước cho sản xuất lúa gạo và đầu tư ngoài nhà nước cho quá trình xuất khẩu, kinh doanh xuất khẩu lúa gạo chưa xứng tầm, nhất là đầu tư vào khâu giống, khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến...
Một điểm nữa đó là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu còn thiếu tính chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh hoặc không nỗ lực nắm giữ, phát triển thị trường để củng cố thương hiệu. Nếu có Hội đồng lúa gạo quốc gia thì chúng ta sẽ dùng cơ chế, quy chế của hội đồng để có thể xem xét, xử lý.
"Chúng ta vẫn nói xuất khẩu gạo được lớn, bội thu nhưng thu nhập của người nông dân vẫn thấp thì điều đó chứng tỏ rằng đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ và lập ra Hội đồng lúa gạo quốc gia để tư vấn cho Chính phủ, cho các cấp thẩm quyền có được những cơ chế, chính sách đủ mạnh và khả thi. Có như vậy mới giúp hạt gạo Việt Nam có thương hiệu và có giá trị ngày càng lớn trên thị trường thế giới", ông Diên chia sẻ về ý tưởng thành lập hội đồng.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc Việt Nam thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là bước đi giúp ngành lúa gạo có bước phát triển chuyên nghiệp, và toàn diện. Đây cũng được xem là nhạc trưởng để đảm bảo sự thống nhất, phát triển ổn định và bền vững cho thị trường ngành lúa gạo, không để xảy ra tình trạng xung đột giữa các thành phần.
TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương
Để Hội đồng lúa gạo quốc gia hoạt động được hiệu quả, phải quy định rõ về quy chế, tổ chức hoạt động, phân công rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bên tham gia. Trong đó, cần trao quyền một cách tối đa cho hội đồng và các thành viên, trên cơ sở đúng quy định pháp luật và các cam kết quốc tế. Các thành viên hội đồng sẽ được vận dụng một cách tối ưu các quy định pháp luật để được "tự quyết" trong một số trường hợp, đặc biệt khi có tình huống cấp bách, phát sinh. Đồng thời, quy chế hoạt động cần phát huy hiệu quả nhất sự phối hợp, chủ động của các thành viên tham gia, nhằm tăng tính thống nhất trong chỉ đạo và sự liên kết trong hoạt động.
Ông Lê Quốc Doanh Nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là hoàn toàn đúng trong lúc này, không chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt mà còn giải quyết vấn đề dài hơn. Việc có Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ giúp chúng ta phân tích, đánh giá, xử lý thông tin và đưa ra quyết định thống nhất, tập trung. Còn nếu không chúng ta phải lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, hiệp hội... mất rất nhiều thủ tục mà có thể không đưa ra được ý kiến thống nhất.
Ông Trần Thanh Hiệp, Phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang
Trên tổng thể, nhiều năm qua ngành hàng lúa gạo vẫn đang bị 'chặt ra thành nhiều khúc' theo kiểu mua đứt bán đoạn, nên người này được thì người kia mất. Trong bối cảnh đó, đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia chưa hẳn là tối ưu nhưng sẽ tốt hơn để tăng cường sự phối hợp, tham vấn và quyết định không bị phân mảnh cho một ngành kinh tế nhân văn, quan trọng này.
Trước những biến động của giá thị trường thế giới và lo ngại về bất ổn an ninh lương thực, đòi hỏi chúng ta phải đảm bảo một ngành kinh tế lúa gạo đáp ứng ba tiêu chí: bảo đảm lương thực trong nước; hài hòa lợi ích kinh tế, sinh kế của người dân, hài hòa xã hội; tránh tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận lương thực của người dân, lợi ích chính đáng của người trồng lúa.
Hồng Hương-Link gốc