• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 6:31:37 CH - Mở cửa
Đại gia bất động sản đua thâu tóm dự án, gom quỹ đất
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 16/08/2024 8:37:39 SA

Bên cạnh những doanh nghiệp khó khăn phải bán tài sản để có tiền xoay xở, thì không ít đại gia địa ốc đang vung tiền thâu tóm quỹ đất, mua dự án, kéo theo cuộc đua mua bán và sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản được dự báo tăng nhiệt vào cuối năm.

Trong 2 năm trở lại đây, KITA Group có lẽ là một trong những “tay chơi” gây ấn tượng nhất trong mảng M&A trên thị trường bất động sản, với hoạt động hợp tác phát triển hàng loạt quỹ đất tư nhân.

Đua gom quỹ đất, mua dự án

Đơn cử, thông qua con đường M&A, dự án khu dân cư Ngân Thuận nay gọi là KITA Airport City đã được hồi sinh, với quy mô hơn 150ha tại trung tâm quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Tại khu vực phía Bắc, KITA cũng M&A thành công dự án KITA Capital nằm trong quần thể KĐT Nam Thăng Long – Ciputra. Ngay sau khi có được dự án, KITA đã hoàn thiện pháp lý, bàn giao sổ đỏ cho khách. Ngoài ra, còn có một số dự án khác cũng đã được KITA M&A thành công như dự án TAX Resort và phân khu đô thị Hòa Lạc (Hà Nội), hay dự án Sakura Golf cao cấp (Hải Phòng)…

Những ai quan tâm đến lĩnh vực bất động sản đều biết rằng đặc thù của doanh nghiệp trong ngành này là có quỹ đất lớn sẽ đồng nghĩa với lợi thế phát triển. Vì vậy, không chỉ KITA Group, nhiều đại gia đầu ngành cũng đang gia nhập đường đua rót tiền gom đất, mua dự án.

Cuộc đua M&A bất động sản được dự báo tăng nhiệt sau khi bộ 3 luật sửa đổi có hiệu lực.

Điển hình như Masterise Group với những thương vụ M&A loạt dự án nhà ở quy mô như Grand Maria (Quận 1, TPHCM), The Global City (Thủ Đức, TP.HCM) quy mô 171 ha, The Grand Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội)…và các dự án thành phần tại các đại đô thị của Vinhomes tại Hà Nội và TP.HCM.

Cùng với Masterise Group, Đất Xanh Group (DXG) cũng đang là một trong những tên tuổi hàng đầu đang đẩy mạnh gom đất. DXG cho biết đang tìm kiếm quỹ đất rộng 100 - 200 ha khắp cả nước, pháp lý đầy đủ để triển khai các dự án giai đoạn 2024 – 2025.

Bất động sản Phát Đạt (PDR), trong báo cáo thường niên công bố mới đây, cũng cho hay sẽ tập trung tìm kiếm quỹ đất để phát triển các sản phẩm cao cấp. Đặc biệt, PDR muốn dồn lực để mở rộng quỹ đất và phân khúc nhà ở xã hội, tập trung tại các địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch PDR, trong năm 2024 công ty sẽ đưa ra thị trường 4-6 dự án lớn, đồng thời tích cực xúc tiến mở rộng quỹ đất tại Đồng Nai, Lâm Đồng, và đặc biệt là TP.HCM.

Bùng nổ M&A vào cuối năm?

Ngoài những ông lớn trên, thị trường cũng ghi nhận hàng loạt những tên tuổi nội đang đẩy mạnh thâu tóm quỹ đất, mua dự án, như DIC Holdings, Khang Điền, Hà Đô, Ecopark, Vinhomes, Phú Mỹ Hưng... tại các tỉnh Lâm Đồng, Long An, Hải Phòng, Bình Thuận để phục vụ hoạt động kinh doanh giai đoạn tới.

Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, cho biết doanh nghiệp hiện có quỹ đất sạch lên đến 685 ha, có thể phát triển sản phẩm trong vòng 5 năm.

Tuy nhiên, Nam Long vẫn tích cực thu mua thêm đất nông nghiệp thông qua tìm kiếm mua trực tiếp và M&A các dự án sạch. Ngoài thị trường chủ lực là TP.HCM và các tỉnh lân cận, Nam Long còn mở rộng quỹ đất phía Bắc, cụ thể lên kế hoạch tìm kiếm quỹ đất tại Hải Phòng trong năm 2024.

Theo số liệu của Hiệp hội Môi giới bất động sản (VARS), trong nửa đầu năm 2024 các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang tiếp tục được thúc đẩy với tần suất và quy mô ngày càng lớn, với sự tham gia của các doanh nghiệp mạnh về tài chính trong và ngoài ngành, nội địa và quốc tế.

Những nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm, mua lại các dự án bất động sản nhà ở hoặc quỹ đất sạch lớn ở các khu vực ngoại thành hoặc các tỉnh, thành phố lân cận đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM để phát triển các dự án nhà phức hợp.

Không chỉ doanh nghiệp nội, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang nhập cuộc đua M&A. Cụ thể, theo Savills, trong quý II, thị trường ghi nhận các thương vụ lớn như Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển The One World, một khu dân cư rộng 50ha tại Bình Dương.

Bên cạnh đó, Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) đã mua lại 25% cổ phần trong dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5ha từ Nam Long với giá khoảng 26 triệu USD; Tripod Technology Corporation đã mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ Sonadezi Châu Đức.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, nửa cuối năm 2024 khi 3 bộ luật quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024 sẽ đẩy làn sóng M&A tăng mạnh.

Luật mới quy định bảng giá đất mới được áp dụng sát với thị trường dự báo sẽ khiến chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng sau này tăng lên. Những doanh nghiệp địa ốc gom được quỹ đất lớn và đã tính xong tiền sử dụng đất ở thời điểm này sẽ nắm rất nhiều lợi thế.

"Việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 là một bước ngoặt lớn, mở ra nhiều cơ hội mới cho lĩnh vực bất động sản nói riêng và cả nền kinh tế nói chung", ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM nhìn nhận.

Trong khi đó, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, đánh giá tìm kiếm quỹ đất luôn là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Tới đây, chỉ những chủ đầu tư có nguồn lực mạnh mới thuận lợi tham gia "sân chơi" phát triển các đại dự án lớn.

Những chủ đầu tư quy mô nhỏ, theo ông Tuấn, nhiều khả năng sẽ buộc phải tìm kiếm thị trường mới xa trung tâm hơn, hoặc chuyển dịch sang phân khúc chi phí triển khai thấp hơn. Riêng những doanh nghiệp yếu kém về năng lực tài chính sẽ không còn đất để hoạt động.

Hưng Nguyên-Link gốc