• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
25 Tháng Mười Một 2024 8:14:43 SA - Mở cửa
Cà phê Đắk Lắk sẵn sàng đáp ứng quy định Chống phá rừng của Liên minh châu Âu
Nguồn tin: Đài tiếng nói VN | 20/08/2024 1:30:00 CH
Quy định Chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực vào tháng 12/2024 đối với các DN lớn và áp dụng từ 30/6/2025 với những DN vừa và nhỏ. Các chuỗi cung ứng ngành hàng, trong đó có cà phê sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Để thích ứng với bối cảnh mới, ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã nhanh chóng hành động với khung kế hoạch cụ thể.
 
Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Dak Lak) đã triển khai chương trình chứng nhận bền vững từ năm 2009. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Phát triển nông nghiệp bền vững, việc Liên minh châu Âu thông qua dự luật yêu cầu cấm nhập khẩu nông sản sản xuất trên đất có nguồn gốc gây mất rừng, đã không làm khó cho doanh nghiệp. Với các vùng trồng liên kết bền vững từ 2009, Simexco Dak Lak  đã nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục cần thiết đáp ứng tiêu chuẩn EUDR đối với 9.500ha, sản lượng trên 35.000 tấn/năm. Hiện, doanh nghiệp vẫn đang cùng gần 80.000 nông hộ, xây dựng gần 100.000ha cà phê theo quy định EUDR.
 
“Hàng năm, chúng tôi xuất khẩu một lượng cà phê khá lớn, từ 50.000-70.000 tấn vào thị trường châu Âu. Hiện nay, chúng tôi đã chuẩn bị tất cả các số liệu để đáp ứng được các quy định của châu Âu về sản xuất cà phê không gây mất rừng. Khi có hướng dẫn cụ thể của Liên minh châu Âu cùng với của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn là nơi đầu mối thì chúng tôi có thể ráp vào theo các quy định này”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
 
 
 
 
Đắk Lắk là vùng trồng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000ha, năng suất bình quân đạt 28 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 558.000 tấn cà phê nhân. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh đạt hơn 760 triệu USD, chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã lựa chọn Đắk Lắk xây dựng các mô hình điểm tuân thủ EUDR để nhân rộng ra các vùng trồng cà phê trên cả nước. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng/thu thập, bổ sung, hoàn thiện hệ thống dữ liệu vùng sản xuất, dữ liệu rừng đáp ứng yêu cầu của EU tại ba huyện thí điểm là Krông Năng, Ea H'leo, Cư M'gar làm cơ sở mở rộng ra các huyện khác trong tỉnh. Đồng thời, rà soát diện tích trồng cà phê (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); diện tích trồng trên đất lâm nghiệp trước 31/12/2020; rà soát, xác định các điểm gây mất rừng, suy thoái rừng sau ngày 31/12/ 2020, đề xuất các giải pháp hỗ trợ nông dân vùng rủi ro cao sống gần rừng.
 
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp Hội cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho rằng, đây chính là việc làm cần thiết để ngành hàng cà phê thích ứng với xu thế mới của thị trường: “Nếu chúng ta làm tốt việc này sẽ tăng được lượng cà phê nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Một trong những nền tảng đó là không để cho phá rừng và áp dụng các biện pháp khác như nông lâm kết hợp, trồng xen thì chúng ta sẽ đạt được mục đích đó. Và chúng ta phải nắm bắt để phát triển ngành cà phê đúng hướng phù hợp với xu hướng chung của thế giới là kinh tế xanh, kinh tế bền vững”.
 
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, các địa phương trong vùng thí điểm đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các đối tác công tư đã phối hợp với Đắk Lắk xây dựng và tham vấn đưa ra gói kỹ thuật hỗ trợ, bao gồm: giải pháp đáp ứng EUDR; gói giải pháp giảm thiểu rủi ro (xác định, xử lý vấn đề phá rừng; giám sát, bảo vệ, tái sinh rừng; mô hình sinh kế nông hộ). Cơ sở lý luận của gói kỹ thuật này là chứng minh cho các nhà nhập khẩu châu Âu thấy rằng cà phê Đắk Lắk không đến từ vùng phá rừng. Đặc biệt là tập trung vào công tác tuyên truyền các quy định của EUDR đến từng cán bộ quản lý các cấp, các doanh nghiệp/công ty trên địa bàn và người dân. Đồng thời, tăng cường tổ chức lại sản xuất trên những diện tích đã có để tránh làm ảnh hưởng việc thực thi các quy định EUDR.
 
 
 
 
“Ý thức, nhận thức được bà con cũng đã tham gia vào các chứng nhận quốc tế và các vùng cà phê xác nhận. Từ đó, giá trị, chất lượng được tăng lên đáng kể. Giá trị quan trọng hơn đó là uy tín, thương hiệu và tính ổn định đầu ra dần dần được củng cố và ngày càng được nâng lên. Đấy là những giá trị mang lại từ khâu tổ chức lại sản xuất”, ông Nguyễn Hoài Dương cho biết thêm.
 
Quy định Chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) chính thức có hiệu lực vào tháng 12/2024 đối với các doanh nghiệp lớn và áp dụng từ 30/6/2025 với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng với sự chủ động, tích cực áp dụng các phương pháp trồng trọt bền vững, tăng cường hợp tác, phối hợp nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm giữa khối công và tư, cà phê Đắk Lắk có thể thích ứng với những thách thức này và tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thị trường cà phê toàn cầu. Quy định mới của EU cũng chính là cơ hội để cà phê Đắk Lắk phát triển theo định hướng minh bạch, trách nhiệm góp phần phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam bền vững và tăng trưởng xanh.