Theo đánh giá của các đơn vị, bộ phận có liên quan, việc kéo dài chu kỳ bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR) lên 04 năm là “rất khả thi”.
Ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn chủ trì phiên họp.
Vừa qua, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu
BSR - sàn HoSE) đã tổ chức phiên họp khởi động (Kick off Meeting) đánh giá cơ hội tối ưu chu kỳ bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vừa kết thúc thành công đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 (TA5) kéo dài từ tháng 3 - tháng 4/2024.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn đánh giá việc đánh giá cơ hội tối ưu chu kỳ bảo dưỡng là nhiệm vụ quan trọng và trọng tâm của công ty nhằm đảm bảo Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành an toàn, ổn định, tin cậy, hiệu quả ít nhất 04 năm tiếp theo, và xác định thời điểm thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 6 (TA6) tối ưu, mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao cho công ty, cũng như phù hợp với tiến độ triển khai Dự án Nâng cấp Mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
"Đồng thời, đây cũng là cơ sở để nâng xếp hạng của Lọc hóa dầu Bình Sơn theo tiêu chuẩn đánh giá quốc tế và thông lệ của các nhà máy lọc dầu trên thế giới theo quy cách đánh giá của Tổ chức Solomon", ông Bùi Ngọc Dương nói.
Tại cuộc họp, đại diện của các nhà tư vấn thiết kế WOOD, nhà bản quyền, nhà sản xuất thiết bị, đơn vị tư vấn O&M nhận định, việc tối ưu chu kỳ bảo dưỡng tổng thể từ 3 năm lên 4 năm đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất là “rất khả thi” dựa trên vào lịch sử vận hành, bảo dưỡng và tình trạng thực tế thiết bị của nhà máy.
Với tiền đề là sự thành công của lần TA5, các hệ thống thiết bị quan trọng bên trong Nhà máy đã được kiểm tra, bảo dưỡng đưa về điều kiện thiết kế và vận hành tin cậy, ổn định cho đến nay. Tuy nhiên, Lọc hóa dầu Bình Sơn cần tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu năng, xây dựng các kịch bản vận hành, bảo dưỡng phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất gia tăng công suất hoạt động sau đợt TA5.
Cụ thể, tổng công suất thiết kế của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là 6,5 triệu tấn/năm. Trong điều kiện bình thường, công ty có thể duy trì hiệu suất trên 105%, và hiệu suất hoạt động cao nhất mà công ty có thể đạt được là 118%. Dự kiến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể duy trì hiệu suất từ 105% - 115% trong nửa cuối năm nay.
Bên cạnh đó, crack spread (chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm xăng dầu) dự kiến sẽ hồi phục trong nửa cuối năm nay. Sau khi liên tục giảm từ mức xấp xỉ 22 USD/thùng vào đầu năm nay xuống quanh 10 USD/thùng, mức cracking spread 3:2:1 đang tạo đáy quanh mức 12 USD/thùng từ nửa cuối quý 2/2024 đến hiện tại.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc Lọc hoá dầu Bình Sơn dự báo crack spread sẽ phục hồi từ tháng 6 trở đi và dần đạt mức trung bình cao.
Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán Rồng Việt ước tính mức lãi ròng nửa cuối năm nay của Lọc hoá dầu Bình Sơn có thể đạt 2.214 tỷ đồng, tăng 16% so với nửa đầu năm. Lũy kế cả năm, lãi ròng của công ty ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng, giảm 53% so với năm 2023, chủ yếu do suy giảm mạnh trong nửa đầu năm.