Những doanh nghiệp nội địa trong ngành chăn nuôi nếu củng cố được lợi thế cạnh tranh sẽ còn dư địa tăng trưởng trong trung hạn. Điều này đang cần họ tiếp tục mở rộng mảng 3F (chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn), gia tăng thị phần, tối ưu hóa chi phí, thúc đẩy xuất khẩu nhưng cũng không lơ là “sân nhà” trước sức ép nhập khẩu các sản phẩm thịt.
Ghi nhận thị trường lợn hơi vào hạ tuần tháng 8/2024 cho thấy đã có dấu hiệu tăng trở lại sau thời gian giảm liên tiếp, với mức giá dao động trong khoảng 61.000 - 66.000 đồng/kg. Giá lợn hơi trong nước trong năm nay được cho là sẽ cao hơn giá bình quân của năm 2023 khoảng 12%.
Nhiều dư địa gia tăng thị phần
Theo nhận định mới đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BVSC, giá bán trung bình của lợn hơi trong cả năm 2024 có thể đạt mức 62.500-63.000 đồng/kg. Về phía chi phí chăn nuôi, kỳ vọng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ duy trì xu hướng giảm trong nửa cuối năm nay và lợi thế từ việc giá nguyên liệu giảm sẽ dần được phản ánh vào chi phí chăn nuôi của các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi trong các tháng cuối năm 2024 và năm 2025.
Nhu cầu tiêu thụ với các sản phẩm thịt được dự báo tăng trưởng khả quan ở mức tăng 5,5%/năm trong các năm tới, nên còn nhiều dư địa để các DN chăn nuôi nội địa mở rộng mảng 3F, gia tăng thị phần.
Phía BVSC cho rằng triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh của DN chăn nuôi sẽ nhờ vào việc mở rộng mảng 3F. Đơn cử như CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam đang mở rộng mảng 3F có thể giúp cải thiện doanh thu và biên lợi nhuận gộp lên mức cao hơn so với giai đoạn chuyển mình 2019-2023. Bên cạnh đó, diễn biến tích cực của giá lợn hơi cũng là yếu tố tích cực lên biên lợi nhuận gộp.
DN chăn nuôi nêu trên đang có kế hoạch xây dựng ít nhất 7-8 trại/năm trong giai đoạn 2025-2026, trong lộ trình nâng sản lượng bán heo thịt lên mức 6 triệu con vào năm 2030. Nếu giả định giá lợn hơi trung bình 55.000 đồng/kg, doanh thu riêng mảng lợn thịt có thể lên tới 33.000 tỷ đồng vào năm 2030, gấp 30 lần so với năm 2023.
Bên cạnh đó, các DN chăn nuôi quy mô lớn cũng đang kỳ vọng hưởng lợi nhờ Luật Chăn nuôi với quy định các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn ngừng hoạt động hoặc thực hiện di dời trong vòng 5 năm (thời hạn là tới ngày 1/1/2025). Điều này sẽ giúp DN chăn nuôi quy mô lớn gia tăng thị phần vốn chiếm bởi hộ nuôi nhỏ lẻ.
Hơn nữa, xét về nhu cầu, theo số liệu của USDA, nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng trưởng khả quan ở mức tăng 5,5%/năm. Vì vậy, còn nhiều dư địa để các DN chăn nuôi mở rộng mảng 3F, gia tăng thị phần trong ngành chăn nuôi lợn.
Với nhiều triển vọng về “cửa sáng”, giới chuyên gia cho rằng các DN chăn nuôi quy mô lớn nếu củng cố được lợi thế cạnh tranh thì sẽ mở được “chìa khóa” tăng trưởng trong trung hạn. Đặc biệt là các DN chăn nuôi lợn - lĩnh vực chủ lực đang chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.
Và để củng cố lợi thế cạnh tranh, điều quan trọng là các DN chăn nuôi cần tối ưu chi phí sản xuất, nhất là tối ưu hóa chi phí thức ăn thông qua việc chủ động tìm nguồn nguyên liệu trộn thức ăn, lựa chọn thời điểm thích hợp để thu mua nguyên liệu.
Như tình hình hiện nay cho thấy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt là một thuận lợi cho các DN chăn nuôi. Theo báo cáo tháng 8/2024 của USDA, sản lượng toàn cầu của đa số ngũ cốc làm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi dự kiến tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, điều mà các DN chăn nuôi kỳ vọng là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ duy trì xu hướng giảm trong các tháng cuối của năm 2024. Bởi lẽ, hiện đang tồn tại độ lệch giữa giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá thức ăn chăn nuôi do DN sản xuất thường chốt hợp đồng mua nguyên liệu trước khoảng 3-6 tháng, cộng thêm thời gian vận chuyển khoảng 1,5 tháng và thời gian lưu kho dưới 3 tháng. Vì vậy, lợi thế từ việc giá nguyên liệu giảm sẽ dần được phản ánh vào chi phí chăn nuôi của các DN chăn nuôi trong các tháng cuối năm 2024 và năm 2025.
Hướng đến xuất khẩu nhưng không lơ là “sân nhà”
Bên cạnh đó, tăng trưởng trung hạn cho các DN chăn nuôi còn đến từ việc Việt Nam đã và đang có nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu (XK) thịt và các sản phẩm thịt nhằm hướng đến mục tiêu XK tỷ USD. Như thời gian qua, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sản phẩm gia cầm, đặc biệt là các sản phẩm chế biến chín đã được XK sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc…và một số thị trường thuộc EU.
Riêng trong quý 2/2024, Việt Nam XK được 6,19 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 25,95 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 9,5% về trị giá so với quý 1/2024, so với quý 2/2023 tăng 36,3% về lượng và tăng 8,8% về trị giá. Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được XK chủ yếu sang các nước thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), chiếm 41,59% về lượng và chiếm 56,46% về trị giá trong tổng XK thịt và các sản phẩm thịt của cả nước.
Trong thời gian tới, theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), XK thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, các mặt hàng XK chính chủ yếu vẫn là thịt lợn sữa đông lạnh, thịt lợn đông lạnh, chân gà đông lạnh, thịt ếch đông lạnh…
Tuy vậy, ngoài việc hướng đến XK thì các DN chăn nuôi nội địa cũng không được lơ là thị trường “sân nhà” nếu muốn giữ được đà tăng trưởng trong trung hạn. Nhất là trước dự báo nhập khẩu các sản phẩm thịt (điển hình là thịt lợn) sẽ tăng khá mạnh trong những tháng cuối năm nay có thể khiến cho ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Nếu nhìn vào tình hình thực tế nhập khẩu các sản phẩm thịt từ đầu năm 2024 đến nay đã thể hiện rõ sức ép cạnh tranh với các DN chăn nuôi nội địa vẫn còn đó. Như số liệu mới cập nhật của Cục Xuất nhập khẩu, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 7/2024 ước đạt 337,6 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 7 tháng đầu năm 2024 đạt 2,09 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Điều đáng lưu ý là số lượng thịt gia cầm trong 7 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu vào thị trường Việt Nam khoảng 195.000 tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 (đạt gần 150.000 tấn). Đây là tháng thứ 7 liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2023. Rõ ràng, đây là vấn đề đáng lo ngại đối với các DN chăn nuôi gia cầm nội địa.
Từ những vấn đề nêu trên để thấy việc tìm “chìa khóa” tăng trưởng trong trung hạn cho các DN chăn nuôi nội địa không chỉ cần nỗ lực từ bản thân của DN (nhất là củng cố lợi thế cạnh tranh, gia tăng thị phần, mở rộng mảng 3F, tối ưu hóa chi phí, thúc đẩy XK, không chủ quan trên “sân nhà”) mà còn cần có sự tiếp sức hiệu quả hơn nữa từ khâu chính sách với ngành chăn nuôi.
Thế Vinh-Link gốc