Ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng, chỉ cần TSMC nói họ thiếu nhân lực, Việt Nam phải không ngại gọi những kỹ sư giỏi nhất của mình trên thế giới về. Việt Nam không cần hấp dẫn họ bằng tiền, hãy thuyết phục họ bằng sự nhiệt huyết, chân thành và bằng những lợi thế lâu dài, bền vững
Mới đây, chia sẻ với VnEconomy, ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch Tập đoàn Bkav cho rằng cuộc đua bán dẫn đã bùng nổ trên toàn thế giới và đây là cơ hội lớn để Việt Nam tham gia vào chuỗi công nghệ bán dẫn toàn cầu.
Nói về việc TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới mở rộng nhà máy dự phòng, ông Quảng cho rằng nhà máy TSMC chỉ có thể ở châu Á do trong vấn đề nhân công, Mỹ không thể cạnh tranh với châu Á.
"Đây chính là cơ hội ngàn năm có một của Việt Nam." - Chủ tịch Bkav chia sẻ.
Theo ông Quảng, bằng mọi giá phải mời bằng được TSMC về Việt Nam bởi vì TSMC sẽ mang đến cho Việt Nam cả hệ sinh thái công nghệ cao. Ông Quảng bày tỏ niềm tin Việt Nam sẽ làm được điều này vì chúng ta có nhiều thứ khác giá trị hơn cả tiền bạc ví dụ như địa chính trị ổn định.
Ông Quảng cho rằng TSMC có thể sẽ yêu cầu Chính phủ đầu tư, nhưng Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu đã chứng minh dù có đầu tư tỷ USD chưa chắc họ đã xây dựng thành công nhà máy. Lời giải tốt nhất bây giờ chính là Việt Nam.
Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ, muốn nắm lấy cơ hội này, chúng ta phải cho họ thấy sự nhiệt tình và thiện chí hợp tác. Chỉ cần TSMC nói họ thiếu nhân lực, Việt Nam phải không ngại gọi những kỹ sư giỏi nhất của mình trên thế giới về. Việt Nam không cần hấp dẫn họ bằng tiền, hãy thuyết phục họ bằng sự nhiệt huyết, chân thành và bằng những lợi thế lâu dài, bền vững.
Ông Quảng cũng cho rằng Việt Nam đang ở thời điểm nước rút, cần tập trung mọi nguồn lực từ Chính phủ, doanh nghiệp... để chứng minh chúng ta hoàn toàn có thể giúp TSMC phát triển lâu dài và bền vững.
Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, với sự tham gia của hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Theo Trung tâm thông tin và thống kê KH&CN TP.HCM, hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn hoạt động tại Việt Nam với hàng loạt tên tuổi lớn như: Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)...
Trong đó, có những dự án quy mô lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD như dự án của Intel, Amkor, Hana Micron. Bên cạnh đó, một số công ty trong nước cũng đã xông xáo gia nhập thị trường công nghiệp bán dẫn như Viettel, FPT, VNChip… Các chuyên gia dự báo, năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ đạt giá trị khoảng 6,2 tỷ USD.
Trong tháng 7/2024, UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với Tập đoàn NVIDIA - Hoa Kỳ. Cuộc gặp gỡ nhằm triển khai kế hoạch phát triển, ứng dụng công nghệ AI Cities và xây dựng các tổ chức đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các lĩnh vực công nghệ, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác. Tập đoàn FPT và NVIDIA cũng ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược, bao gồm việc đầu tư 200 triệu USD xây Nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory) tại Việt Nam.
Cùng tháng, tỉnh Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án thuộc ngành công nghiệp bán dẫn của Công ty TNHH Coherent Việt Nam, thuộc Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) đầu tư vào KCN Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch) với tổng vốn 127 triệu USD. 3 dự án này gồm: Dự án Công ty TNHH Silicon Carbide Việt Nam và Dự án Advanced Optics có vốn đầu tư 83 triệu USD; Dự án Advanced Optics có vốn đầu tư 29 triệu USD; Dự án Engineered Ceramics có vốn đầu tư 15 triệu USD.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Marvell Technology (Hoa Kỳ) cũng đang tăng tốc mở rộng các trung tâm thiết kế chíp tại Việt Nam, sau khi đầu tư 2 trung tâm tại TP.HCM, Marvell quyết định mở thêm một trung tâm tại Đà Nẵng.
Ngoài ra, Tập đoàn Tokyu (nhà đầu tư Nhật Bản đã rót 1,2 tỷ USD vào các dự án bất động sản tại Bình Dương) hồi tháng 4/2024 cũng công bố thành lập các tổ nghiên cứu, khảo sát để mở rộng đầu tư một số lĩnh vực mới như công nghệ cao, công nghệ bán dẫn… tại Bình Dương.
Trước đó, tại tọa đàm phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) tổ chức chiều 9-8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định cần phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại, là "trái tim" của cuộc cách mạng công nghệ, cơ sở cho sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao. Cơ quan này đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ "Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050", với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn.
Trong mục tiêu chung đến năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết Tập đoàn FPT cam kết đào tạo 10.000 nhân sự. Hiện, công tác đào tạo đang được triển khai mạnh mẽ trong hệ thống của doanh nghiệp này, từ các khóa ngắn hạn đến hệ cao đẳng, đại học. FPT cũng đã và đang kết nối với các đối tác từ Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan để hợp tác đào tạo nhân lực.